Tận 4 năm sau khi đăng quang á quân Sao Mai, Quỳnh Anh mới phát hành album đầu tay với tên gọi "19xx" dưới dạng CD "vật lý".
Sự "lột xác" này của Quỳnh Anh gây ấn tượng mạnh cho khán giả - những người yêu mến cô từ giải Sao Mai 2019. Từ một giọng ca dân gian ngọt ngào đằm thắm chuyển qua hát nhạc Jazz đầy ngẫu hứng, trẻ trung và gợi cảm – là cả một sự thay đổi mạnh mẽ của Quỳnh Anh.
"Mặc dù thời của công nghệ số, người người nghe nhạc trên mạng thì tôi vẫn thích phát hành CD vật lý. Có thể cách nghe truyền thống "bỏ đĩa vào ổ CD" không còn là số đông, nhưng vì nó đảm bảo về chất lượng âm thanh một cách tốt nhất nên tôi tin những người nghe nhạc "chất lượng cao" vẫn thích dùng phương pháp nghe nhạc truyền thống này.
Hơn nữa, CD được in ra, nó là một món quà tinh thần nhưng lại cầm nắm được, sử dụng ruột đĩa để nghe nhạc còn vỏ hộp thì trang trí, trưng bày,… vẫn là một cách "chơi nhạc" tao nhã. Bên cạnh đó, quan điểm của tôi là vẫn cần có (ít nhất) một CD để đánh dấu chặng đường làm nghề chuyên nghiệp của mình. Và tôi đã thực hiện được điều đó" – Quỳnh Anh chia sẻ về việc phát hành CD "vật lý" thay vì phát hành nhạc số như trào lưu hiện nay.
Album 19xx lấy chủ đề "Mùa xuân" qua các thời kỳ, từ thập niên 1940 đến nay. Những ca khúc bất hủ về mùa xuân được lưu truyền qua nhiều thế hệ như Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác), Gửi người em gái miền Nam (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Mùa xuân trên đỉnh bình yên (Từ Công Phụng) cho đến các sáng tác sau này như Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Lắng nghe mùa xuân về (Dương Thụ), Khúc giao mùa (Huy Tuấn) đã được nhạc sỹ Hoàng Tùng – một trong những nghệ sỹ "chơi" nhạc Jazz nổi tiếng trong giới – phối khí, hòa âm khiến các bài hát này trở nên mới lạ, độc đáo.
Đặc biệt, Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê) là một ca khúc dân gian từng nổi tiếng qua giọng hát NSND Thanh Hoa và sau này là Trung Anh, Anh Thơ và hàng loạt ca sỹ dân gian khác. Thậm chí Quỳnh Anh cũng từng hát bài này nhiều lần theo phong cách dân gian. Nhưng khi tuyển chọn cho album 19xx, Quỳnh Anh và ekip khá lăn tăn vì một bài hát khá "đậm" màu dân gian lại được "đóng đinh" bởi những giọng ca dân gian hàng đầu Việt Nam thì sẽ khó chuyển thành Jazz.
Tuy nhiên nhạc sỹ Hoàng Tùng đã quá giỏi khi biến chuyển một cách nhuần nhuyễn đề vẫn giữ được tinh thần và phong cách âm nhạc của ca khúc mà vẫn mang hơi thở mới, đậm chất Jazz. Và thật bất ngờ, đây là một trong những ca khúc được yêu thích nhất album này.
Bản thân Quỳnh Anh khi hát Mùa xuân làng lúa làng hoa theo phong cách Jazz cùng đầy ngẫu hứng và thích thú. Cô hát một cách hoàn toàn tự nhiên, với tâm thế an yên, tự tại, bay bổng, nhẹ nhõm, lãng mạn,… giống như cách một thiếu nữ thảnh thơi, rong chơi trong một chiều mùa xuân ấm áp bên những cánh đồng hoa đang thời xuân sắc. Cảm xúc bài hát như cách giúp người nghe sống chậm lại để thưởng thức những giá trị tuyệt vời của thiên nhiên trong cuộc sống hối hả hiện nay.
Ngoài giọng hát mang đậm "chất" Jazz và sự biến hóa tài tình của Quỳnh Anh thì sự thành công của album không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của ban nhạc gồm các nhạc công giỏi – họ đều đang là giảng viên nhạc Jazz và là những nghệ sỹ biểu diễn chuyên nghiệp như Hoàng Tùng (ghi-ta), Hoàng Hải Bằng (contrabass), Lê Việt Hùng (trống), Lương Việt Tú (piano), Đào Hồng Quân (trumpet)…bên cạnh sự tài năng của nhạc sỹ Hoàng Tùng đóng vai trò phối khí toàn bộ album.
Từ một ca sỹ dân gian chuyển qua hát nhạc nhẹ từ xây dựng hình ảnh đến phong cách âm nhạc là một bước chuyển khá táo bạo của Quỳnh Anh. Có thể thấy đây là sự chọn có tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng của không chỉ bản thân ca sỹ mà là cả ekip đứng đằng sau cô. Việc tìm thấy "bản ngã" của mình và kiên định đi theo nó là điều nhiều người đã làm, và thành công.