Đó là những tiếng động phát ra từ các hộ gia đình trong làng nghề chuyên gò hàn tôn thiếc Thôn Phú Thứ, xã Tây Mỗ, (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thăm ngôi làng nghề truyền thống gọi là "Làng gõ ra tiền"
Chị Dương Thu Hương, người dân trong làng cho biết, gò, hàn tôn thiếc là nghề truyền thống lâu đời của người dân thôn Phú Thứ, Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội). Qua thăng trầm của hàng trăm năm, nghề này vẫn tạo ra nhiều việc làm với thu nhập tốt.
Theo người dân địa phương, chính những tiếng động thân thuộc phát ra từ các gia đình đang lao động, gò hàn tôn thiếc tạo thành làn sóng âm đặc biệt, gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ nên từ lâu đời các tiền nhân gọi đây là "Làng gõ ra tiền". Khi nào còn nghe tiếng gõ, là khi đó nghề truyền thống vẫn tồn tại và dân làng có tiền.
Nhiều người dân ở làng Phú Thứ vui mừng phấn khởi khi cho rằng, trong bối cảnh nhiều ngôi làng của Hà Nội mất đất nông nghiệp bởi đô thị hóa, thì nhiều gia đình nơi đây đã chọn cách quay lại nghề truyền thống. Quyết định quý giá của họ giúp tạo ra việc làm cho rất nhiều lao động trong làng.
3 THẾ HỆ YÊU NGHỀ
Đến gia đình ông Dương Ngọc Cương, chúng tôi nhận thấy không khí lao động gia công và sản xuất rất khẩn trương của nhiều thanh niên trẻ, kèm theo những âm thanh phát ra do gò tôn, bẻ mép hộp, tán ốc vít.
Ông Cương giới thiệu, hiện nay gia đình ông là đời thứ 3 sinh sống bằng nghề truyền thống gò hàn. Thời điểm này gia đình ông đang nhận đơn hàng là những chiếc thùng tôn (dành cho khách hàng đựng các món đồ cá nhân, trầu cau…). Đây cũng chính là sản phẩm hàng ngày được chuyển lên phố Hàng Thiếc trong phố cổ Hà Nội cùng với nhiều sản phẩm khác được gia công, sản xuất từ gò hàn, tôn thiếc.
"Thuộc thế hệ thứ 3 của làng, chúng tôi vẫn yêu nghề sản xuất. Hầu hết các sản phẩm dân sinh tại đây đều bằng thủ công là chủ yếu. Chúng tôi gia công cho khách, lấy công làm lãi là chính và nguyên liệu thì thường do khách mang đến".
Chủ cơ sở chia sẻ thêm về nghề, với thời đại công nghệ phát triển hiện nay, máy móc giúp con người nâng cao năng xuất sản lượng nhưng nhiều chi tiết sản phẩm sẽ không thể thay thế bàn tay thủ công. Gia đình ông đánh giá xu hướng phát triển và vẫn quyết định gắn bó với nghề nghề gò hàn, tôn.
"Chúng tôi vẫn hướng cho các con cháu học về kiến thức để đi ra xã hội phát triển, nhưng những ai ở lại với nghề này thì vẫn tiếp tục phát huy, thu nhập ổn định", ông Cương cho biết, chính nghề truyền thống này đã giúp gia đình ông nuôi nhiều người con trưởng thành.
VẪN ĐEM LẠI THU NHẬP ỔN ĐỊNH
Tiếp tục đi bộ về phía sâu trong làng đến với ngôi nhà đang phát ra tiếng cành cạch của cỗ máy dây truyền dập khuôn các chi tiết nhỏ của sản phẩm, ông Nguyễn Phú Thà cũng đang ngồi kẻ vẽ rồi dùng kéo cắt những tấn tôn.
Còn bà Nguyễn Thị Thúy (63 tuổi) đang liên tay vận hành chiếc máy đang dập mép hộp tôn, cứ mỗi phút đều đặn cho ra hàng chục sản phẩm đẹp mắt. Đây được coi là hộ gia đình sản xuất thùng tôn chuyên hóa vàng lớn nhất của làng.
Bà Thúy chia sẻ; từ đời trước gia đình bà đã đi làm thuê cho nghề này và chính những hộ dân ở Hàng Nón, Hàng Thiếc đều bắt nguồn từ thôn Phú Thứ. Riêng bà Thúy cũng gắn liền với nghề truyền thống này từ khi mới hơn chục tuổi, duyên này khiến bà Thúy không thể từ bỏ vì cái nghề đang giúp gia đình người phụ nữ có thu nhập và cuộc sống ổn định.
Theo bà Thúy, công việc này bỏ nhiều công, nhưng lợi nhuận ít, vì vậy đòi hỏi người làm nghề phải chịu khó và cần có sự sáng tạo, yêu nghề. Nếu đầu tư thực sự có bài bản thì hoàn toàn có thể sống tốt bằng nghề.
Một đại diện chính quyền HĐND phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm từng chia sẻ với báo chí, việc phát triển nghề, truyền nghề cho con cháu, vừa giúp làm kinh tế hộ gia đình, lại tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi lao động mất đất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm trừ tệ nạn xã hội và mặt trái của việc được đền bù thu hồi đất với lượng tiền lớn. Ước tính, nghề gõ tôn, thiếc đã giúp khoảng 50% số thanh niên đang độ tuổi lao động cả nam, lẫn nữ của Phú Thứ có việc làm.