Giới thiệu với chúng tôi, bảo vệ bảo tàng cho biết, bảo tàng này do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép.
Tại khu vực phòng trưng bày, ông Dương Văn Đôn – chủ doanh nghiệp đã đặt ảnh của các lãnh tụ kiệt xuất, các tướng lĩnh... trong nước và thế giới.
BẢO TÀNG GIỮA LÀNG QUÊ
Trên chiếc bàn lớn rộng nhiều mét vuông là các loại tiền giấy, tiền đồng của nước ta qua các thời kỳ, các chế độ và tiền 20 nước trên thế giới được bày dưới kính trong suốt hấp dẫn người xem.
Các loại sổ gạo, tem phiếu thực phẩm thời bao cấp... gợi lại một thời đất nước khó khăn thắt lưng buộc bụng để đánh giặc.
Để lưu giữ và bảo tồn các hiện vật đa dạng và phong phú, ông chủ đã dựng một ngôi nhà lớn bằng khung thép và phân chia các khu vực theo đề tài.
Đề tài nông thôn xưa và đương đại có cày bừa, quang gánh, thúng mủng, nong nia, dần sàng... gắn với cối xay răm tre, cối đất, cối giã gạo.
Mộc cụ có các loại cưa xẻ lứu, xẻ giằng, cưa máy, các loại máy gia công giảm sức lao động của người thợ máy.
Ngư cụ có các loại đăng, đó, vó, nơm, rập cụp, các loại lưới thả, lưới quét, rậm riu, rổ xúc, các loại giỏ tre đan… phong phú đa dạng là các hiện vật cối đá, đá lăn, chum vại, lọ sành, gia dụng.
Về giao thông vận tải có các loại xe đạp, xe máy, lốp xe ô tô đường kính trên 2m, rộng 1m.
KHU TRƯNG BÀY HIỆN VẬT CHIẾN TRANH ĐỒ SỘ
Chiếc máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 hoành tráng được đặt giữa sân lớn, hướng dẫn viên cho biết, đây là một trong 2 chiếc máy bay của Nga tài trợ cho Việt Nam. Hồi năm ngoái, chiếc máy bay này được chuyển về đây, hàng chục chiến sĩ đã phải sửa soạn lắp gọn trong gần 1 tuần.
Các loại đạn nhiều chủng loại, các loại bom tấn, thủy lôi, ngư lôi, đạn pháo lên tới gần nghìn hiện vật…đây là dấu tích của thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.
Còn phía trong nhà, ông chủ dành một khu vực trưng bày trang quân phục, giầy dép của nhiều nước trên thế giới từ lính đến cấp tướng tá, nói lên sự đam mê sưu tập của ông trong thời gian qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Đôn cho biết, cách đây hơn 40 năm, từ hồi còn trẻ ông Đôn đã ấp ủ ý tưởng sưu tầm đồ cũ. Tuy nhiên tất cả những hiện vật đang có hiện nay mới được thu gom từ khoảng 30 năm trở lại đây.
"Người ta chơi cây cảnh, chơi đồ cổ, chơi xe…thậm chí người ta chơi đồ cổ để bán sinh ra lời. Nhưng, tôi thì sưu tầm và không có chuyện mua bán và tôi chơi cái không mấy người chơi",
Ông Đôn chia sẻ thêm; hiện vật là ngôn ngữ của lịch sử, vì vậy ông sưu tầm những thứ có giá trị này, không hẳn giá trị về đồng tiền nhưng về lâu dài sẽ có giá trị văn hóa… người dân được sờ vào những thứ mà lịch sử, phim ảnh đang mô tả.
Làm thế nào để sưu tầm được hàng nghìn hiện vật tưởng chừng đó là những thứ bỏ đi nhưng lại có giá trị như hiện nay, ông Đôn cho biết thêm, từ khi có ý định ông đã tìm tòi gặp ai có là xin, đâu có là mua. Ngoài ra, nếu người dân có những hiện vật không có chỗ để thì ông Đôn sẽ "mượn" về trưng bày.
"Bảo tàng Kim Chính" đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy phép từ năm 2020.
Mở cửa hoạt động các ngày trong tuần từ 8-18 giờ tại xóm 9, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Khách thăm quan còn được tận mắt xem công nhân biểu diễn thực hiện thao tác trực quan như xay lúa, giã gạo, xẻ gỗ, đan lát, dần sàng…