Vừa qua, người dân Hà Nội và các du khách đến với Thủ đô đã có dịp ghé thăm những địa điểm vô cùng thú vị, trong đó nổi bật nhất phải kể đến tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đó đều là những địa điểm đã tồn tại ở Hà Nội hàng trăm năm, đã trở thành những di sản. Thế nhưng với bàn tay "biến hoá" của các kiến trúc sư, hoạ sĩ, nghệ nhân..., những nơi này đã trở nên vô cùng cuốn hút.
Những địa điểm cũ nhưng mới, sức hút không có gì để bàn cãi
Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm đều nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Với chủ đề "Dòng chảy", Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm nay nhằm nhấn mạnh về vai trò của những di sản trong cuộc sống đương đại, được kế thừa, kết nối, sáng tạo.
(Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội)
Thông qua các hoạt động như triển lãm, trưng bày..., các địa điểm đã có hàng trăm năm tuổi như tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa hay những di sản công nghiệp khác của thành phố dường như đang ngủ yên đã được đánh thức. Những địa điểm di sản lâu đời lần đầu tiên đến với công chúng theo cách thật đặc biệt, vừa giữ được nét xưa cũ, vừa có sự mới mẻ, tạo nên một không gian cực kỳ thu hút và không kém phần ý nghĩa.
Có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều về sức hút của các địa điểm này trong thời gian vừa qua. Bởi khắp các nền tảng mạng xã hội đều liên tục xuất hiện hình ảnh, clip mà mọi người chia sẻ về những chuyến đi, chuyến khám phá ở các địa điểm trên.
Từ thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta, cho đến các gia đình trẻ đưa con nhỏ đi tham quan, và đặc biệt nhất chính là lớp trẻ đều tỏ ra thích thú với những nơi này. Theo ghi nhận của BTC Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, sau khoảng thời gian từ 17 đến 26/11/2023, các địa điểm đã đón trên 200.000 lượt du khách. BTC sau đó cũng đã quyết định mở thêm 2 ngày nữa là 27 và 28/11 để mọi người có thể tiếp tục đến các địa điểm này tham quan, trải nghiệm.
(Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội)
Trân trọng các di sản theo cách thật đặc biệt chứ không chỉ đơn giản là đến để "sống ảo"
Những ngày qua, mạng xã hội được nhiều người chia sẻ tràn ngập các tấm ảnh rất đẹp được chụp tại những không gian thiết kế ấn tượng tại tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Thế nhưng không chỉ dừng lại ở việc "sống ảo" như vậy!
Có thể thấy, không chỉ thu hút các bạn trẻ bởi những sản phẩm triển lãm sáng tạo hay background chụp ảnh lung linh, các không gian di sản trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội còn củng cố tinh thần trân trọng các di sản. Giới trẻ được dịp nhìn ngắm lại, được tìm hiểu thêm về những công trình di sản đã tồn tại hàng trăm năm mà trước đó có lẽ rất ít ai để ý đến.
Đó là một tháp nước Hàng Đậu như một "chứng nhân lịch sử", giờ đây được "đánh thức" với 2 hệ sắp đặt: Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên; Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.
Đó là một Nhà máy xe lửa Gia Lâm như một "Dòng chảy" đưa chúng ta "du hành thời gian" thông qua "chuyến tàu di sản", hàng loạt hoạt động trưng bày, âm nhạc, hội hoạ... Có thể kể đến knhư không gian kiến trúc nghệ thuật "Phân xưởng nóng", không gian kiến trúc "Bến chờ", triển lãm sắp đặt "Thuỷ Phủ", triển lãm "Dòng chảy di sản", góc "Ký ức đầu máy xe lửa hơi nước"… hay những triển lãm hội hoạ, điêu khắc khác.
Không thể phủ nhận sức hút cũng như ý nghĩa của các hoạt động tại tháp nước Hàng Đậu hay Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong thời gian vừa qua. Bằng cách thật đặc biệt, các di sản trăm tuổi của Thủ đô đã được "đánh thức" theo cách ấn tượng nhất, để có thể đi vào trí nhớ bao người theo cách tuyệt vời nhất.