Gà đốt Kampot - Món ăn độc đáo phải thử ở Hà Tiên

Lãng Du - Ảnh: Mỹ Hân | 11-01-2023 - 14:57 PM

(Tổ Quốc) - Món gà đốt Kampot hấp dẫn thực khách không chỉ bởi nguyên liệu đặc trưng mà còn do bí quyết chế biến độc đáo của người dân nơi đây.

Thành phố Hà Tiên tiếp giáp với nước bạn Campuchia, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Khmer, Hoa, Kinh... Vì thế, trong văn hóa ẩm thực của địa phương cũng có sự giao thoa, pha trộn, từ đó cho ra đời những món ăn đặc trưng, độc đáo mà không nơi nào có được. Trong số những đặc sản nhất định phải thử khi đến Hà Tiên, "gà đốt Kampot" là món chinh phục được khẩu vị của nhiều người.

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 1.

Gà đốt Kampot có màu vàng bóng, vị ngọt tự nhiên đậm đà

Để có được món gà đốt Kampot thơm ngon chuẩn vị, trước hết, người đầu bếp phải chọn được giống gà đồi hoặc gà ta, trọng lượng mỗi con khoảng 1,2-1,5kg. Giống gà này tuy nhỏ nhưng săn chắc, da mỏng, thịt ngọt, được rửa sạch bằng nước muối pha loãng và rượu trắng.

Món gà đốt Kampot hấp dẫn thực khách không chỉ bởi nguyên liệu đặc trưng mà còn do bí quyết chế biến độc đáo của người dân nơi đây. Ngoài các gia vị thông dụng như đường, muối, tỏi, sả, ớt... thì thành phần không thể thiếu của món gà đốt Kampot chính là lá chúc (hay còn gọi lá chanh Thái, chanh sần).

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 2.

Thành phần không thể thiếu của món gà đốt Kampot chính là lá chúc

Trộn đều các gia vị gồm lá chúc xắt sợi, ớt bột, sa tế, dầu ôliu, sả thái nhỏ… rồi thoa đều từ ngoài vào trong con gà, nhét thêm sả và lá chúc vào bụng gà để khử mùi.

Trước khi đốt gà, người ta sẽ lót lá sả, lá chúc và tỏi dưới đáy nồi, tiếp đến là nước ướp gà và thêm chút dầu ăn. Gà được đốt trong lửa đỏ chừng 20 phút. Sau đó, tăng lửa lên và đốt thêm 5 phút rồi lật gà, quết chút mật ong hoặc dùng dầu trong nồi rưới đều lên gà đến khi da gà nổi màu vàng nâu, dậy mùi thơm thì tắt bếp.

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 3.

Gà được đốt trong lửa đỏ chừng 20 phút.

Khi chín, gà đốt Kampot có màu vàng bóng, lớp da giòn tan, thịt dai mềm, không bị khô hay bở, vị ngọt tự nhiên đậm đà quyện mùi cay the đặc trưng, thơm nồng của sả và lá chúc tan dần trong miệng.

Thưởng thức món gà đốt Kampot nhất định phải có thêm đĩa rau muống xào, tỏi nướng, cà chua sống chấm với lá chúc băm nhuyễn cùng muối, tiêu và vị chua của trái chúc. Trước khi đốt, gà được mổ moi nội tạng nên lúc ăn, thực khách có thể dùng kéo để cắt hoặc dùng tay để xé thịt gà.

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 4.

Thưởng thức món gà đốt Kampot nhất định phải có thêm đĩa rau muống xào

Món gà đốt Kampot thường được dọn kèm đĩa gỏi (nộm) rau sống Bok-lo-hong (người Hà Tiên phát âm là bốc-lơ-hông). Món ăn với đủ hương vị chua, cay, mặn từ chanh, ớt, rau thơm, đậu phộng (lạc) rang… trộn cùng đu đủ xắt sợi và đậu đũa (đậu que).

Món salad quen thuộc của các nước Lào - Thái Lan - Campuchia nhưng đến Việt Nam, người Khmer ở Hà Tiên đã phát triển Bok-lo-hong trở thành món ăn vô cùng đặc sắc. Không chỉ "gây nghiện" cho người bản xứ, Bok-lo-hong còn là món ăn đãi khách phương xa bởi hương vị cực ngon và lạ miệng.

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 5.

Bạn có thể dùng kéo để cắt hoặc dùng tay để xé thịt gà

Nguyên liệu chính của món Bok-lo-hong gồm đu đủ xanh xắt sợi, tôm khô, mắm ruốc, đậu phộng, tỏi, ớt, nước me, chanh, rau thơm, đặc biệt không thể thiếu món đặc sản sông nước miền Tây - ba khía muối.

Tùy theo khẩu vị người ăn để gia giảm lượng mắm, ớt, tỏi, chanh, nước me chua... cho phù hợp. Sợi đu đủ thấm đều gia vị ăn rất giòn và đậm đà, vị chua dịu của nước me, cay nồng của tỏi, ớt xen lẫn vị đặc trưng của mắm ruốc và ba khía muối, vị thơm của rau... hòa quyện tạo thành món "ăn vặt" nức tiếng ở Hà Tiên.

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 6.

Gà đốt Kampot với nước chấm lá chúc khá lạ miệng

Không chỉ khiến du khách đắm say khẩu vị đặc trưng nơi xứ đảo, gà đốt Kampot cùng Bok-lo-hong chính là trải nghiệm tuyệt vời dành riêng cho những tín đồ ẩm thực khi đến với Hà Tiên.

Công dụng của lá chúc trong ẩm thực

Cây chúc, hay còn gọi cây chanh Thái, chanh Makrut, chanh Kaffir hay chanh Magrood, có nguồn gốc từ châu Á, hiện được trồng rộng rãi trên thế giới để làm gia vị, hương liệu và mỹ phẩm. Khu vực châu Á, cây thường sống ở Lào, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Lá chúc thuôn dài hay hình ngọn giáo, mép lá khía răng cưa hoặc còn nguyên, chóp lá tròn có khi lõm, có lúc nhọn, màu xanh thẫm, cuống lá có cánh rộng hoặc to bằng phiến lá, tạo thành hình số 8, mùi thơm hăng nồng, vị chua the giống lá chanh, bưởi non lại vừa giống tinh dầu lá cari tươi.

Là cây thân gỗ thuộc chi Cam chanh, cây chúc trưởng thành có thể cao từ 2-10m, thân cây có gai ngang. Lá chúc to hơn, vị the nồng và gắt hơn lá chanh thông thường, không bị đắng và mùi hương giữ được rất lâu. Vỏ quả chúc xù xì, trông khá lạ mắt. Chính những đặc tính độc đáo này đã tạo nên công dụng đặc biệt của lá chúc trong ẩm thực, khiến món ăn trở nên hấp dẫn và thơm ngon hơn rất nhiều.

Lá chúc non được dùng trong món salad, thêm vào khi nấu súp, cà ri bằng cách xắt nhỏ hoặc làm nước sốt ướp thịt heo, thịt bò hay thịt gà. Với các món gà luộc, cá lóc hấp, ếch xào lăn, thịt kho, cá kho, gỏi gà, lẩu,... bạn có thể rắc lá chúc thái sợi lên để tăng thêm hương vị cho món ăn.

Gà đốt Kampot - Món ngon phải thử ở Hà Tiên - Ảnh 8.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM