Không rõ sỏi mầm có từ bao giờ nhưng món ăn này là đặc sản "riêng có" của vùng sông nước Hậu Giang, cùng với nhiều món ngon nức tiếng khác như chả cá thác lác, bún gỏi dà (già), đọt choại, bưởi năm roi...
Thoạt nghe tên gọi sỏi mầm, hẳn nhiều người nghĩ đến món ăn "mầm đá" trong truyện Trạng Quỳnh hoặc món ăn này có hình dạng giống viên đá, thậm chí được làm từ... sỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, sỏi mầm là công cụ được sử dụng trong quá trình chế biến chứ không phải nguyên liệu của món ăn.
Tuy không quá cầu kỳ trong cách chế biến nhưng "sỏi" chính là "linh hồn" của món ăn này. Có thể nói, sỏi mầm là một trong những món đặc sắc nhất của ẩm thực Hậu Giang được giới sành ăn đánh giá cao.
Để cho ra món sỏi mầm hoàn chỉnh, nguyên liệu không thể thiếu chính là thịt lợn (heo) rừng (hoặc thịt bò) cùng với đôi bàn tay tài hoa của người đầu bếp cũng như các gia vị tẩm ướp thịt. Miếng thịt sẽ được làm chín bằng nhiệt tỏa ra từ những viên sỏi nóng. Bởi vậy, sỏi mầm còn có tên gọi khác là "heo rừng nướng sỏi".
Thịt heo rừng nuôi thả trên núi hoặc heo nhà thả rông, trọng lượng khoảng 15kg sẽ cho những thớ thịt săn chắc, thơm ngon và ít mỡ, thích hợp để làm món sỏi mầm. Thịt heo được chế biến thành nhiều món ngon như nướng ống tre, nướng chao, đút lò, hầm măng, xào lăn... nhưng ấn tượng đặc biệt với du khách đến Hậu Giang chính là heo rừng nướng sỏi.
Sau khi giết mổ, heo được sơ chế và treo lên cho ráo nước. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, để miếng thịt tươi ngon, không bị nhão và giữ nguyên vị đậm đà, săn chắc thì nên thấm khô bằng khăn sạch chứ không nên rửa bằng nước.
Tiếp đó, người ta sẽ thái thịt cho thật đều với độ mỏng vừa phải rồi ướp chung với các loại gia vị như tiêu, hành, tỏi, ớt, ngò gai, bột ngọt... trong khoảng 15 phút để thịt thấm đều.
Khâu ướp thịt được xem là công đoạn quan trọng, đóng vai trò quyết định tạo nên hương vị của món ăn. Khi những hòn sỏi được nung tới nóng già cũng là lúc món ăn được dọn lên. Bạn chỉ cần nhanh tay gắp từng miếng thịt đã được tẩm ướp giai vị rải đều lên mặt sỏi để nướng.
Được tiếp xúc với hơi nóng của sỏi, thịt sẽ trở nên mềm mại, thơm ngon, hương vị đậm đà, quyến rũ, vừa dai vừa mềm, ít có món nướng nào sánh kịp. Nhiệt tỏa ra từ các hòn sỏi sẽ làm cho miếng thịt săn lại, chuyển sang màu vàng nhạt.
Khi miếng thịt đến độ chín, ngả màu vàng ươm, đượm mùi gia vị tẩm ướp vô cùng hấp dẫn. Nghe tiếng “xèo xèo” của mỡ bám trên bề mặt sỏi nóng, hương thơm ngào ngạt theo làn khói mỏng lan tới mọi giác quan là có thể thưởng thức được ngay.
Những người thích ăn cay có thể tăng thêm lượng ớt xanh để miếng thịt có vị cay nồng đặc trưng, tỏa mùi thơm phức, không lẫn với bất kỳ món nướng nào.
Tùy theo sở thích của mỗi người mà cách thưởng thức sỏi mầm cũng khác nhau. Có người thích chấm muối tiêu chanh ớt nhưng đa phần người miền Tây “khoái” kiểu gắp miếng thịt trên sỏi nóng cuốn vào lá rau xà lách, kèm chút rau thơm, chấm nước mắm chua ngọt pha tỏi ớt.
Hương vị thơm ngon của món sỏi mầm chính là sự tổng hòa của thịt heo rừng dai, ngọt quyện với rau sống xanh mát cùng rau thơm đặc trưng và phần nước chấm đậm đà.
Viên sỏi tuy nhỏ bé nhưng giữ được nhiệt rất lâu, khiến cho thú vui thưởng thức sỏi mầm được nâng tầm trở thành “mỹ thực” trong mỗi cuộc nhậu của người miền Tây chất phác.
Vừa thư thả nhâm nhi ly rượu đế, vừa nhẩn nha nhấm nháp từng miếng thịt heo rừng nướng sỏi, thực khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon, dân dã, mộc mạc mà tinh tế của ẩm thực miệt vườn sông nước Hậu Giang.