Trong chương trình Tự do tài chính số 34 với chủ đề "MONEY U30", các chuyên gia đã cùng chia sẻ những câu chuyện tiền bạc để giúp các bạn trẻ đi xa hơn trong hành trình ổn định và tự do tài chính, đặc biệt là người sắp bước vào ngưỡng tuổi 30.
Đây là một trong những cột mốc quan trọng nhất đời người. Ở độ tuổi này, chúng ta thường kiếm tìm những thành tích trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Mọi người bắt đầu bỏ qua sự trẻ trung, sôi nổi của tuổi đôi mươi để đào sâu và chinh phục những thách thức riêng. Trong đó, không thể thiếu những trách nhiệm về tài chính.
Phong cách sống của giới trẻ cũng được chia ra 2 kiểu khác biệt: Sống nhanh - Sống chậm. Quan điểm về đầu tư tài chính của mọi người cũng tương tự như vậy. Trong khi một nhóm các nhà đầu tư trẻ thích "tiền nhanh", một nhóm khác lại muốn "tiền chậm".
Lý giải về vấn đề này, anh Hans Nguyễn - chuyên gia đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, cho rằng: "Người trẻ U30 hầu như đều có tình trạng chung, đó là thiếu sự quan tâm tới tài chính cá nhân, đặc biệt là giai đoạn mới bắt đầu đi làm. Cho nên cần cẩn trọng với tình trạng 'tiền tới nhanh - đi cũng nhanh'."
"Về cơ bản, nhanh hay chậm đều có hai mặt. Tiền tới nhanh vẫn tốt hơn tiền tới chậm, nhưng tiền đi chậm chắc chắn sẽ tốt hơn tiền đi nhanh. Hầu hết mọi chuyện đầu tư đều cần có thời gian. Trồng một cái cây cũng cần có thời gian để cây lớn, nuôi con cũng cần có thời gian để con trưởng thành, việc đầu tư cũng tương tự như vậy. Vẫn có những trường hợp tiền tới nhanh, nhưng rất ít hoặc rất khó, vì thế cần chấp nhận tiền tới chậm nhưng đều đặn sẽ tốt hơn", anh chia sẻ.
Một "lão làng" khác trong hành trình làm giàu chia sẻ về điều này là anh Trần Khánh - Giám đốc kinh doanh môi giới, vùng Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC). Anh cũng cho rằng: "Tuổi trẻ ai cũng có tâm lý muốn tiêu xài, trải nghiệm nhiều thứ. Đến một mốc thời gian nhất định, chẳng hạn như lập gia đình, mọi người mới bắt đầu trưởng thành và mong muốn có kế hoạch tài chính tốt hơn."
"Bao giờ cũng vậy, cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh. Tiền bạc cũng tương tự như vậy, mà đôi khi tiền đi còn nhanh hơn tiền đến. Không phải tự nhiên mà trên thị trường chứng khoán, chúng tôi vẫn có câu: Thị trường đi lên bằng thang bộ, nhưng đi xuống bằng thang máy. Như vậy, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng khi thị trường đảo chiều, không nên quá nhanh, quá vội vàng", anh cho biết.
Theo chuyên gia, những người trẻ U30 có rất nhiều ưu điểm là sự nhanh nhạy, quyết đoán và thêm chút liều lĩnh. Đồng thời, cũng phải nhìn nhận rằng, nhược điểm của người trẻ là thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Điều này khiến họ dễ vấp phải những cái bẫy trên thị trường.
Chìa khóa cho người trẻ để đầu tư thông minh hơn chính là: Trang bị kiến thức, có kỹ năng phòng ngừa rủi ro, và không nên đặt kỳ vọng về lợi nhuận quá lớn.
"Nếu mong đợi x2, x3 tài khoản, điều này rất khó có thể thực hiện. Người ta thường nói, 'high risk - high return', nếu bạn cứ mải mê theo đuổi kỳ vọng quá nhiều thì cũng phải đối mặt với rủi ro rất lớn", anh Trần Khánh đưa ra lời khuyên.
Quản lý cao cấp kênh đào tạo phân phối Dragon Capital Vietnam DCVFM cũng chia sẻ: "Để đầu tư tài chính tốt hơn, các bạn trẻ nên có kiến thức tài chính cơ bản. Chẳng hạn như, một vài định luật tài chính, biết tính lãi suất như thế nào, hiểu tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro… Đồng thời, cần phải có kỷ luật. Hiểu đúng là một chuyện, nhưng mình có thể áp dụng đúng hay không mới là vấn đề. Hàng ngày, đối mặt với rất nhiều cám dỗ trên thị trường, chỉ cần làm tốt 2 điều này thôi thì mọi người đã có thể đạt kết quả tốt hơn mặt bằng chung."
Giữ tiền hay kiếm tiền quan trọng hơn? Chuyên gia bật mí bí quyết vừa giữ tiền vừa kiếm tiền hiệu quả