Hiện nay, rất nhiều người lựa chọn đặt ra kế hoạch nghỉ hưu sớm từ khi còn rất trẻ. Một số lý do khiến cho trào lưu này được đón nhận một cách “nồng nhiệt” như vậy có thể kể đến: Áp lực với cuộc sống, áp lực về năng lực kiếm tiền của bản thân, muốn buông bỏ những thứ liên quan đến chuyện tiền nong khiến họ muốn “tiền đình”,...
Chính vì thế, việc chờ đến năm 50-60 tuổi rồi mới nghỉ hưu không còn hợp với số đông ở hiện tại. Đặc biệt là giới trẻ từ thế hệ 8x trở đi.
Lê Tuấn Nghĩa (1999, TP.HCM), công việc hiện tại là điều hành sàn TMĐT Amazon cho 1 công ty đa quốc gia về sản phẩm thể thao và nội thất. Mặc dù còn rất trẻ nhưng Nghĩa đã có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Digital Marketing, gần 2 năm kinh nghiệm làm việc trên các nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng. Ngoài ra, Nghĩa còn đang sở hữu một kênh blog riêng với các chủ đề xoay quanh kinh doanh và cuộc sống.
Ở độ tuổi còn khá trẻ như thế, nhưng Nghĩa đã có kế hoạch về nghỉ hưu sớm cho chính mình, bắt đầu từ khoảng 5-6 năm trước.
Cùng lắng nghe những chia sẻ về nghỉ hưu sớm dựa trên góc nhìn của Nghĩa nhé!
Chào Nghĩa,
Nghĩa có nghĩ kế hoạch "Tự do tài chính và Nghỉ hưu sớm" trước năm 30, 40 tuổi là điều khả quan hay không?
Đối với mình điều này hoàn toàn khả quan trong thế giới phẳng như hiện nay.
Mục tiêu “nghỉ hưu sớm” - FIRE (financial independence – retire early) chắc hẳn là đích đến của rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Bởi ở thế hệ này, họ được tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội sớm hơn thế hệ trước rất nhiều. Các bạn dường như hiểu được khái niệm và không muốn dành phần lớn thời gian cuộc đời của mình để vùi đầu vào làm việc và hy sinh cuộc đời mình cho thế hệ sau, như tâm niệm của ông bà, bố mẹ chúng ta.
“Chúng ta chỉ sống 1 lần” - Với câu nói này càng làm cho các bạn có động lực để thực hiện kế hoạch nghỉ hưu sớm khoảng tầm 30-40 tuổi. Một độ tuổi không quá già để tận hưởng cũng như đã đủ chín chắn về kinh nghiệm - kiến thức và thái độ sống.
Với Nghĩa, nghỉ hưu sớm chính xác là gì? Bạn có kế hoạch nghỉ hưu sớm hay không? Nếu có, thì bạn đang chuẩn bị tài chính thế nào để nghỉ hưu sớm?
Trước khi đưa ra quan điểm thế nào là nghỉ hưu sớm. Mình sẽ trả lời câu hỏi: "Nghỉ hưu sớm đem lại cho chúng ta những điều gì? "
- Nhiều thời gian hơn cho gia đình, vợ con và ba mẹ.
- Có đủ thời gian ngẫm nghĩ về cuộc sống và tìm hiểu về ý nghĩa cuộc đời .
- Thoải mái loại bỏ những mối quan hệ xã hội không cần thiết, chỉ bởi ta muốn là được.
- Đủ thời gian học những thứ ta thích.
- “Xõa” với đam mê từ thuở bé mà vì cơm, áo, gạo, tiền mà không có cơ hội thực hiện.
- Và còn rất nhiều điều nữa không thể kể đến nhưng nghe nó khá là tuyệt và đáng để phấn đấu rồi phải không?
Cũng như nhiều bạn trẻ cùng độ tuổi khác, mình cũng đặt cho bản thân 1 mục tiêu nho nhỏ với các lý do như bên trên. Nói kế hoạch cũng hơi xa nhưng để nghỉ hưu sớm thì chúng ta cần nhận thức vài thứ về việc nghỉ hưu.
Lật tẩy công thức tự do tài chính
Một công thức khá phổ biến mà mọi người có thể biết:
Số tiền cần để tự do tài chính = Chi phí chi tiêu 1 năm của bạn x 25 năm
Ví dụ: Việc chi tiêu cho bản thân bạn hàng tháng là 10 triệu VND:
Tức 1 năm bạn cần 10 x 12 = 120 triệu VND. Đây là số tiền bạn có thể đạt tự do tài chính và ổn định việc nghỉ hưu sớm là 120 x 25 = 3 tỷ VND
Nghe có vẻ đơn giản phải không. Nhưng thực sự cuộc đời không dễ dàng như vậy, với 1 số biến ngoài lề như lạm phát 4% và mất giá đồng tiền nữa (Từ năm 2008 đến nay 1 USD = 15.500 VND thì nay 1 USD = 23.000 VND tức tỷ lệ mất giá đồng tiền VN là khoảng 67%). Kể cả lãi suất 7%/năm của ngân hàng cũng không thể đảm bảo cho số tiền của bạn.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Đầu tư vào tài sản
Chắn hẳn bạn luôn nghe rằng là luôn đầu tư vào tài sản khi có thể đúng không? Cứ có tiền, đơn giản nhất là mua vàng, mua đất ở Việt Nam, sang hơn là tìm hiểu về đầu tư tài chính để đỡ FOMO (Fear of missing out). Nhưng tương tự như công thức tài chính kia thì nó cũng chẳng đơn giản như vậy.
- Vàng khi mới mua 1 cây thì tại Việt Nam có thời điểm chênh hơn 20 triệu so với giá vàng thế giới, tức là khi bạn mới mua bạn đã lỗ 20 triệu.
- Đất cũng tùm lum về mặt pháp lý hoặc bạn may mắn mua được đất không bị dính pháp lý. Nhưng để 5-10 năm mà bán không được giá, có khi kém hơn lạm phát hay lãi suất ngân hàng thì cũng coi như lỗ.
- Đầu tư thì nay đây mai đó, không tìm hiểu kỹ coi như là mất sạch tiền.
Đối với mình để dễ hiểu hơn thì tài sản nên chia làm 3 loại:
- Tài sản tăng tiến theo thời gian: ví dụ như bất động sản, hàng hóa giá trị.
- Tài sản tạo ra thu nhập: bất động sản để cho thuê.
- Tiêu sản biến thành tài sản: Ví dụ như mua vàng PNG mất ngay 20% giá trị nhưng để trong 10 năm tới thì có thể có lãi.
Với 3 loại tài sản này bạn phải cân nhắc phù hợp theo tài chính – thời điểm – kiến thức – may mắn để mua. Nếu mua sai thì ngay lập tức sẽ trở thành tiêu sản của bạn và rủi ro hơn nó biến thành món nợ khi bị mắc lừa.
Vậy qua những những chia sẻ dài dòng bên trên, tóm lại mình có kế hoạch gì cho bản thân?
Tính cho đến thời điểm hiện tại, mình vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu và khám phá điều đó bởi vì mình chưa đạt được. Nhưng thay vì kế hoạch mình tạo thành những nguyên tắc cho bản thân luôn luôn ghi nhớ và thực hiện:
- Chi vừa đủ: Ít hơn những gì mình kiếm được rất nhiều, ví dụ mình kiếm được 30 triệu mà mình tiêu 5 triệu, thì sau này kiếm được 60 triệu thì mình cũng chỉ tiêu 5 triệu. Mình thường tâm niệm là bản thân không có nhu cầu khoe mẽ và khẳng định cái mình cần khi có nhiều tiền chính là sự an yên trong tâm hồn.
- Tích lũy kiến thức mới thực hiện: Mình luôn cố gắng học dần cách hạn chế FOMO, tức là đừng thấy người ta đạt được mà mình lao vào như con thiêu thân, chúng ta có thể thấy hình ảnh rõ nhất khi nhiều bạn tán gia bại sản vì đầu tư thiếu kiến thức... Mọi thứ cần chạm đến sự bền vững, và điều này thì cần sự hy sinh về thời gian và công sức.
- Sức khỏe là vốn quý: Làm gì thì làm đừng quên tập thể dục và ăn uống điều độ. Nếu bạn bán thân mình để lấy tiền mà hy sinh tất cả mọi thứ từ ngoại hình, sức khỏe thì mình không muốn lao vào. Đến 40 tuổi mà phải chống gậy và lấy hết tiền mình chữa bệnh thì thà không kiếm tiền còn hơn.
- Tìm mọi cách để đẩy thu nhập mình tăng lên: Không hài lòng với thu nhập hiện tại của mình, luôn luôn tìm cách đẩy nó lên với tư duy đa nguồn thu nhập và mở rộng nó hết sức.
Chỉ đơn giản vài nguyên tắc này thôi và mình đã kiên trì nó 5-6 năm nay và đạt được ít thành quả nhất định về việc tích lũy tài sản, mối quan hệ cũng như kiến thức. Việc nghỉ hưu sớm hay tự do tài chính không phải là việc tiết kiệm đến mức bủn xỉn mà là việc biết đầu tư đúng nơi, đúng chỗ để tạo ra nhiều hiệu quả nhất cho bản thân.
Trong quá trình tích lũy tài chính đó, Nghĩa có gặp khó khăn gì không? Có vấp ngã trong tài chính nào khiến bạn phải “ghi nhớ suốt đời”, và cũng muốn nhắc nhở những bạn trẻ khác rút kinh nghiệm hay không?
Tất nhiên là có rồi, khó khăn thì bủa vây rất nhiều bởi đây không phải mục tiêu dễ dàng:
Ví dụ: Bản thân mình đã từng rơi vào trạng thái là thấy mọi người sở hữu đồ xịn, kiểu một chiếc điện thoại xịn hay ipad xịn, thì mình cũng đâm đầu mua 1 cái. Điều này vi phạm nguyên tắc đầu tiên của mình. Cuối cùng chỉ dùng nó để chơi game hay giải trí, tốn khá khá thời gian của mình để cai nghiện.
Hồi còn là sinh viên, mình hay kiểu đứng núi này trông núi nọ, mình thấy mọi người kiếm được tiền tỷ từ đầu tư tài chính nên sẵn sàng vay tiền mẹ mấy chỉ rồi bán để chơi, cuối cùng mất sạch. Gồng mình trả nợ, tiền thì chẳng thấy mà vàng thì cứ tăng.
Hài lòng và tự mãn với mức thu nhập của bản thân quá sớm. Cho đến khi COVID-19 xong thì mình mất sạch dự án. Rất may có một dự án mình vẫn giữ được mới sống sót qua mùa này. Sau đó mình nhận ra mình kém cỏi như nào và quyết tâm mở rộng tất cả khả năng của mình để kiếm thêm tiền, mở rộng tư duy của mình để học hỏi thêm.
Và còn rất nhiều sai lầm của mình trong con đường thực hiện FIRE.
Để có lời khuyên thì mình chỉ nghĩ là khi bạn đã đặt nguyên tắc cho bản thân thì hạn chế hết sức có thể đừng vi phạm nó mà thôi.
Nhiều người quan niệm cần có nhà, có xe rồi mới nghỉ hưu sớm được. Trên quan điểm cá nhân, thì anh nghĩ thế nào về điều này?
Đối với mình thì mình nghĩ quan niệm này khá là sai. Quan niệm “1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh” chỉ phù hợp thời cha ông. Với các bạn thời nay thì nó không còn phù hợp nữa rồi.
Bạn không hẳn có nhà mới là người có tài chính, việc có nhà dường như có thể là tiêu sản của bạn khi phải bỏ 1 đống tiền mua căn nhà, mua nội thất, trang trí,... mà giá trị thật của căn nhà tăng lên là nhờ mảnh đất. Bạn có thể bỏ 5 triệu/tháng thuê nhà và dồn tiền mua BĐS hoặc có cơ hội nào đó tốt hơn.
Tương tự như chiếc xe cũng vậy. Mình không biết nhưng ở TP.HCM thì tắc đường thường xuyên. Nếu như bạn không có nhu cầu để di chuyển xa, hoặc cũng không có nhu cầu phục vụ cho công việc, thì lý do thường thấy nhất khi mua xe chủ yếu để khoe mẽ và khẳng định bản thân. Khi này, chính chiếc xe đó sẽ là gánh nặng của bạn khi tiền xăng, tiền bảo dưỡng, tiền bảo hiểm cái xe thì “khùng” luôn.
Kết luận lại, nghỉ hưu sớm với mình không phải là một đích đến, bắt buộc phải có nhà hay xe thì mới được nghỉ. Đây là một quá trình dài để trải nghiệm, mục tiêu hướng đến là sự an yên và đảm bảo cho bản thân luôn thường trực. Khi đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm, bạn sẽ có nhiều lựa chọn trong cuộc sống hơn, và không bị bó hẹp trong 1 tư duy nào đó rằng bạn phải “như này như kia” mới đủ.
Cũng có thể nói, nghỉ hưu sớm là một lựa chọn để giải thoát bạn khỏi một cuộc đời nhàm chán. Bạn có thể tự do di chuyển nay đây mai đó, sống bằng số tiền bạn dành hàng chục năm tích lũy và đầu tư. Hoặc đơn giản là lựa chọn một nơi bất kỳ để dành phần đời còn lại ở đó, mà không cần suy nghĩ về chuyện tiền nong.
Bản thân mình luôn được tiếp thêm động lực sống và làm việc miệt mài hơn nữa, khi nghĩ về “nghỉ hưu sớm”. Để đến năm 40 tuổi, mình có thể du lịch trên nhiều nước. Hay ít nhất là không cần đưa ra 1 quyết định ép buộc bản thân phải làm chỉ vì “thiếu tiền”.
Cảm ơn Nghĩa vì những chia sẻ!