Không có con đường nào đảm bảo sự an toàn tài chính cho tất cả mọi người. Hoàn cảnh cá nhân khiến cho con đường của mỗi người khác nhau, nhưng dù ở độ tuổi nào, vẫn luôn có một cái đích để tất cả cùng hướng tới – tuổi nghỉ hưu.
Trên con đường đến tuổi nghỉ hưu, sẽ có những lựa chọn ta cần thực hiện, và chúng cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, sự kiện trong đời và phong cách sống của từng người. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về đặc điểm tài chính của từng độ tuổi, và những việc cần làm để giữ cho tài chính bản thân luôn ổn định, đi đúng hướng trong những năm tháng của độ tuổi đó.
Những năm tuổi 20
Ở độ tuổi này, việc nghỉ hưu còn quá xa vời. Nhưng đây có thể là thời điểm quan trọng nhất để bắt đầu tiết kiệm vì ta có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ lãi kép – những khoản lãi tăng lên ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm.
Mặc khác, đây cũng thường là thời điểm ta kiếm được ít tiền nhất trong sự nghiệp và ngân sách có thể eo hẹp, trong khi bản thân vẫn phải hoàn thành một số mục tiêu và nghĩa vụ về tiền bạc.
Và để tiết kiệm được đúng hướng, dưới đây là một số việc cần làm:
-Trích từ 10% đến 15% tiền lương dành cho quỹ hưu. Nếu không thể, hãy bắt đầu với từng chút một, sau đó cố gắng tăng lên theo từng tháng, từng năm theo thu nhập.
-Tạo các tài khoản tiết kiệm tự động trích ngay từ tiền lương hàng tháng.
-Thử đầu tư vào một số dạng tài khoản hưu trí như Roth, vì một người lao động khi mới bắt đầu sự nghiệp thường có mức lương thấp nhất và có thể sẽ bị đánh thuế cao hơn khi sắp đến tuổi nghỉ hưu.
-Để dành tiền cho những trường hợp khẩn cấp.
Những năm tuổi 30
Đây là độ tuổi mà mọi người đã có thể mua nhà, xây dựng doanh nghiệp, lập gia đình, ... Rất nhiều khoản chi tiêu phải tính tới, nhưng cũng không được bỏ quên việc tiết kiệm cho tuổi già.
Dù thu nhập giai đoạn này có ở mức khá giả, trung bình, hay thấp, mỗi người vẫn nên cố gắng phân bổ một khoản tiền nhất định vào tài khoản hưu trí, đồng thời tăng số tiền tiết kiệm ngay khi ngân sách cho phép.
Hãy ghi nhớ những việc sau ở độ tuổi 30 để tình hình tài chính của bản thân không đi lệch mục tiêu đã đặt ra:
-Đánh giá lại tình hình tài chính và nếu có khoản chi tiêu nào không phù hợp, cắt giảm đi.
-Tìm cách để tăng thu nhập: Ngay cả một số tiền nhỏ thu được từ việc bán đi những đồ đạc không cần thiết cũng có thể đóng góp vào khoản tiết kiệm hưu trí.
-Đa dạng hóa các tài khoản hưu trí: có thể thử một số loại hình tiết kiệm như quỹ hưu trí tư nhân (401(k)) hay Roth IRA.
Những năm tuổi 40
Đây là thập kỷ mà phần lớn mọi người sẽ có tiền lương ở mức đáng kể. Và việc nghỉ hưu giữa chừng không phải là điều quá xa vời, một khi ta đã đủ điều kiện tài chính.
Tất nhiên, các nghĩa vụ tài chính vẫn còn đó — chẳng hạn như trả góp mua nhà, học phí của con cái, chăm sóc cha mẹ già, ... Đến lúc này, để dành 10% đến 15% hoặc nhiều hơn tiền lương vào quỹ nghỉ hưu vẫn là một việc cần được duy trì.
Để ổn định tài chính trong độ tuổi này, hãy cân nhắc những điều sao đây:
-Hạn chế tăng chi tiêu khi thu nhập tăng lên, từ đó đóng góp thêm nhiều tiền vào tài khoản hưu trí.
-Cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu.
-Chuẩn bị các tài liệu quan trọng như di chúc hay giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe. Đây đều là những tài liệu thiết yếu, và bất cứ ai cũng nên chủ động để soạn sẵn phòng khi cần đến.
-Kiểm tra lại tên những người thụ hưởng trên các tài khoản hưu trí hay các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo những lợi ích đó đến đúng người.
Những năm tuổi 50
Giờ đây, việc nghỉ hưu không còn xa. Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về thời điểm ta muốn nghỉ hưu và mức chi tiêu có thể là bao nhiêu. Cần nhìn nhận một cách trung thực về tình hình tài chính của bản thân.
Đây là lúc nên đóng góp tích cực hơn nữa cho tài khoản hưu trí. Lúc này, vẫn nên đầu tư tiền vào một số lĩnh vực an toàn như cổ phiếu uy tín để tiếp tục sinh lời, đồng thời dự phòng tình huống thị trường đột ngột bước vào giai đoạn suy thoái.
Hãy ghi nhớ và thực hiện những lời khuyên sau ở độ tuổi 50:
-Tiếp tục phân tích chi tiêu (đây là một trong những quy tắc bất di bất dịch trong thế giới tài chính cá nhân)
-Tìm người tư vấn để đánh giá việc phân bổ tài sản của bản thân: liệu ta có đang đầu tư đúng mức cho tương lai hay không, hay đầu tư quá nhiều vào cổ phiếu hoặc trái phiếu?
-Kiểm tra lại quyền lợi an sinh xã hội mà mình được hưởng cũng như quá trình làm việc từ trước đến này. Điều này sẽ giúp mỗi người nhận về chính xác những quyền lợi của bản thân.
Tuổi 60 và 70
Đây là độ tuổi mà hầu hết mọi người đều đã không còn làm việc. Mặc dù vậy, vẫn có những người sẵn sàng lao động thêm để đảm bảo tài chính cho bản thân.
Đây là lúc phân tích các nguồn thu nhập ta có khi nghỉ hưu: An sinh xã hội, tiết kiệm (bao gồm cả tài khoản hưu trí), lương hưu, ... Đồng thời, ta cũng cần quan tâm thực sự đến tình hình sức khỏe và chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Lúc này cũng không nên ngừng đầu tư, vì ta có thể vẫn sống khỏe mạnh thêm hàng chục năm. Cần tiếp tục duy trì những khoản đầu tư đã có, giữ cho dòng tiền luôn ổn định.
Vậy hãy nhớ thực hiện những điều này ở độ tuổi 60 và 70:
-Liệt kê tất cả các loại tài sản và nợ phải trả, cũng như những khoản mà người khác đang vay mượn. Từ đó, hoàn trả đầy đủ, không để bản thân vướng bận thêm vào nợ nần.
-Khi đang ở độ tuổi 60 và còn khỏe mạnh, hãy xem xét mua bảo hiểm dài hạn. Lập kế hoạch chi tiêu cho các dịch vụ khác như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc dài hạn, ...
-Bên cạnh tình hình tài chính, cần tập trung vào sức khỏe. Luôn năng động, học một kỹ năng mới, làm những gì mình thích, …
-Duy trì một danh mục đầu tư nhẹ nhàng, không cần quá thận trọng nhưng cũng không nên quá rủi ro để tránh đánh mất tất cả những gì đã gây dựng.