Người dân miệt vườn ở Tân Triều (Đồng Nai) thường kể rằng: năm 1869, một nhà thờ Công giáo nhỏ được dựng lên ở đây, cha xứ đã mang hai cây bưởi từ Brazil về trồng trước sân. Cây bưởi lớn rất nhanh, sai trĩu quả. Bà con thấy vậy liền xin chiết nhánh về trồng rồi nhân giống khắp vùng. Sau trận lụt Nhâm Thìn năm 1952, đất Tân Triều không trồng trầu nữa, người dân chuyển dần sang trồng bưởi.
Một thế kỷ trôi qua, cây bưởi đã có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Nai với hơn 20 giống bưởi khác nhau như: bưởi Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Đường Da Láng, bưởi Thanh Trà, bưởi Đường Hồng, bưởi Lựu, bưởi Xiêm...
Trong số đó, bưởi Đường Lá Cam và bưởi Ổi là hai giống bưởi Tân Triều được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Theo người dân nơi đây, sở dĩ bưởi Tân Triều ngon hơn bưởi ở các vùng khác do được phù sa sông Đồng Nai bồi đắp.
Bưởi Đường Lá Cam dáng quả lê thấp, vỏ quả láng nhẵn, khi chín có màu xanh vàng, tép bưởi thon nhỏ bó chặt, màu vàng ngà, vị ngọt thanh mát. Trọng lượng của bưởi Ổi tuy nhẹ hơn bưởi Đường Lá Cam nhưng vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng, vỏ sần, khi chín có màu vàng nhạt, múi dễ bóc tách.
Không chỉ nổi tiếng với những trái bưởi ngọt ngon mọng nước, xứ bưởi Tân Triều còn khiến bao thực khách mê mẩn bởi rất nhiều món ngon được chế biến từ bưởi như gỏi bưởi, rượu bưởi, chè bưởi...
1. Nem bưởi
Đến làng bưởi Tân Triều, thưởng thức những múi bưởi ngọt lịm, cắn miếng mứt bưởi thơm ngon bên ly chè bưởi thanh mát mà chưa từng nếm thử nem bưởi - món ngon "tưởng quen mà lạ"- thì quả thực là thiếu sót lớn.
Bằng những nguyên liệu đơn giản mà rất đỗi thân thuộc như vỏ bưởi, khế chua, đu đủ, ớt, lá vong nem… người dân xứ Tân Triều đã chế biến nên món nem bưởi cực kì lạ vị.
Người ta chọn những trái bưởi thật tươi, vừa đến độ lớn, gọt bỏ phần vỏ xanh, bào mỏng cùi trắng bên trong, luộc chín và xả nước cho hết đắng. Sau đó cho vào máy ép hết nước, dùng chảo rang khô. Khế chua ép lấy nước, đun sôi và vớt sạch bọt.
Tiếp theo là công đoạn chế nước khế vào phần vỏ bưởi đã rang khô theo đúng tỉ lệ, khuấy đều cho tan thành bột. Nêm gia vị muối, đường, tỏi… vào hỗn hợp bưởi và khế, đun nhỏ lửa tới lúc keo lại thì nhấc xuống để nguội.
Đu đủ xanh bào sợi mỏng, ép khô và trộn vào hỗn hợp đã "sên" đặc. Sau đó, vo nem bưởi thành từng viên tròn như lòng đỏ trứng gà. Màu nguyên gốc của nem bưởi chỉ hơi ngà vàng, nhưng tuỳ sở thích và khẩu vị mà các gia đình có thể chế màu thực phẩm để nem trông đẹp mắt và gia giảm thêm ớt hoặc rau răm.
Thành phẩm nem bưởi có vị chua cay, giòn sần sật và chút ngọt nhẹ mà không phải món nem chay nào cũng có được. Nem bưởi để vài tiếng cho rút nước, đợi nem săn chắc lại thì bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản và sử dụng từ 8 đến 10 ngày.
Điều đặc biệt là chỉ duy nhất nước khế mới làm cho cùi bưởi bào mỏng tan thành bột và tạo độ chua đúng vị nem bưởi. Khế càng chua, nem sẽ càng dậy mùi thơm ngon. Sở dĩ món ăn dân dã này được rất nhiều người ưa thích cũng bởi nem bưởi thường ăn kèm với nhiều món khai vị khác nhau, món chay hay món mặn đều dùng được.
2. Gà hấp bưởi
Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng như mít tố nữ, dế cơm chiên mắm, lẩu lá khổ qua rừng..., ở Đồng Nai còn có một món ăn cuốn hút du khách ngay lần đầu tiên thưởng thức. Đó chính là gà hấp bưởi - tuy không cầu kỳ nhưng lại có hương vị đặc trưng, thơm ngon hấp dẫn.
Không giống những món gà quen thuộc như gà nướng lu, gà ủ muối, gà hấp ống tre... đặc sản gà hấp bưởi trứ danh có công thức chế biến khác biệt khi kết hợp với trái bưởi da xanh để biến tấu thành phiên bản mới lạ, hấp dẫn chưa từng thấy.
Để làm món gà hấp bưởi đúng điệu, người Đồng Nai ưa dùng bưởi Tân Triều - loại trái cây ngon nức tiếng trong vùng. Những quả bưởi được chọn có kích thước vừa phải, nếu bưởi quá già thì vỏ sẽ dễ bị mềm, nát khi chế biến.
Quả bưởi được cắt rời phần đầu, moi hết ruột bên trong nhưng chừa lại phần cuống dùng làm nắp đậy khi đun nấu. Công đoạn này đòi hỏi sự kì công, khéo léo của đôi tay để phần vỏ bưởi không bị nứt hoặc đứt gãy.
Gà hấp bưởi nhất định phải chọn đúng gà ri hoặc gà đồi, da vàng ươm, thịt săn chắc, thơm ngọt. Gà được sơ chế sạch, để nguyên con nếu gà nhỏ hoặc chặt miếng vừa ăn, tẩm ướp các gia vị như đường, muối, bột ngọt, tiêu, ớt…
Để món ăn thêm dậy vị và có mùi thơm hấp dẫn, người ta thường ướp gà với lá bưởi thái nhỏ hoặc chút rượu bưởi. Sau khi thịt gà ngấm gia vị sẽ được đặt vào bên trong vỏ bưởi, đậy nắp quả và hấp cách thủy khoảng 45 phút để tất cả các nguyên liệu chín đều.
Món gà hấp bưởi ngon nhất khi ăn nóng. Thịt gà chín tới, mềm ngọt xen lẫn chút cay nồng đặc trưng của cùi bưởi. Chỉ cần mở nắp ra, làn khói nóng hổi dậy mùi thơm lừng của gà quyện gia vị và hương thơm của bưởi lan tỏa khắp không gian.
Điều khiến thực khách ấn tượng mạnh nhất chính là những miếng thịt vàng ươm, vị ngọt xen lẫn chút đắng riêng của bưởi nơi đầu lưỡi, thong thả tận hưởng để cảm nhận trọn vẹn hương vị của làng quê, mộc mạc, chân tình mà tinh tế đến lạ!