Atiso có tên khoa học là Cynara scolymus, loại cây lâu năm có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, được người Hy Lạp và La Mã cổ trồng để lấy hoa làm rau ăn.
Atiso được người Pháp đưa vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhưng nhiều nhất vẫn là thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) với diện tích khoảng 150ha.
Thổ nhưỡng và khí hậu ở Đà Lạt là điều kiện quan trọng để cây Atiso phát triển nhanh, có nhiều dinh dưỡng và hàm lượng Cynarine cao nhất Việt Nam (hợp chất có công dụng đặc biệt đối với bảo vệ gan và tăng cường sức khỏe).
Atiso là thảo dược có tính mát, vị ngọt hơi nhần nhận đắng, lành tính, nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nên từ lâu, người dân địa phương đã dùng hoa Atiso pha trà uống hàng ngày, sấy khô để làm trà túi lọc có tác dụng thanh lọc, giải độc cơ thể, giúp làm đẹp da, ngừa mụn trứng cá, đặc biệt là mụn viêm.
Khi trưởng thành, cây Atiso có thể cao từ 1,5-2 mét, lá cây dài từ 50-80cm, thân cao, thẳng và cứng, có khía dọc, phủ lông trắng như bông. Lá Atiso có dạng hình trứng, mép lá hình răng cưa, hoa nở ở phần giao nhau giữa lá và thân chứ không có cuống hoa.
Hoa Atiso còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon để tẩm bổ sức khỏe, giúp kích thích tiêu hóa, điều hòa khí huyết, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, giảm cholesterol trong máu...
Hoa Atiso màu tím nhạt, tràng hoa màu vàng hồng hoặc tía, đài hoa nhiều nhánh bao quanh màu xanh, đế hoa phủ lớp lông tơ khá dày, bổ ra có nhiều thịt. Hương thơm của Atiso rất đặc trưng, mùi ngai ngái quyện với cỏ cây dịu nhẹ thường làm người ta nhớ đến hương sắc núi rừng, giúp tâm trạng thư thái, nhẹ nhàng hơn.
Mùa thu hoạch Atiso thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Thời điểm thu hoạch thích hợp nhất là lúc nụ hoa Atiso vừa nhú, độ lớn vừa đủ non, ăn ngon miệng, nếu hái khi nụ lớn quá thì sẽ giảm bớt dưỡng chất, nụ bị cứng và ăn có vị đắng. Vào mùa thu, khi các lá đài mềm tươi chuyển màu đỏ đậm, người dân sẽ tập trung hái hoa Atiso trong khoảng 15-20 ngày.
Hoa Atiso ở Đà Lạt được chia làm hai loại:
Hoa Atiso bông nhọn: thường có màu tím đậm, cánh mỏng và ít cơm, cánh dài chĩa ra bên ngoài. Loại này có vị đắng, thích hợp để làm trà hoặc phơi khô.
Hoa Atiso bông to tròn: cánh úp vào trong tạo thành búp lớn tròn trịa. Khi bông còn non, cánh có màu xanh, khi chín tới gốc, lá dần chuyển sang màu tím. Loại này được sử dụng phổ biến để nấu ăn vì cơm dày, khi nấu ra nước ngọt, ít đắng, ăn mát và vị thơm đặc biệt.
1. Lẩu hoa Atiso
Nếu bạn đã quá quen thuộc với lẩu bò hay bò nhúng giấm thì hãy chuyển sang khám phá phiên bản đặc biệt hơn: Lẩu hoa Atiso. Đây là đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt mà bất cứ du khách nào khi đến với thành phố ngàn hoa cũng không thể bỏ qua.
Thành phần chính của lẩu gồm thịt bò và hoa Atiso, kết hợp với các loại rau xanh của Đà Lạt, nước dùng có vị ngọt thanh, thơm đậm đà còn thịt bò thì mềm và thơm, ăn kèm mì trứng.
Hoa Atiso chứa nhiều chất chống ôxy hóa hơn tất cả các loại rau khác, vừa có tác dụng giải nhiệt và thanh lọc cơ thể, kích thích tiêu hóa, an thần, lọc máu, vừa giúp tăng cường sức đề kháng và làm đẹp da từ bên trong.
Chính vì tính bổ dưỡng của hoa Atiso nên khi chế biến thành món lẩu, nó trở nên đặc biệt và khác hẳn với hương vị của các món lẩu mà bạn đã từng thưởng thức.
Cùng nhau quây quần bên nồi lẩu hoa Atiso nóng hổi giữa tiết trời se lạnh của Đà Lạt là trải nghiệm vô cùng thú vị cho du khách gần xa.
2. Salad Atiso
Nguyên liệu:
1 hoa Atiso lớn; 100g hoa Atiso hộp; 100g ớt chuông; 100g hành tây; 50g cà chua ngâm; 100g cồi sò điệp; 2 thìa súp giấm; 1/3 thìa cà-phê muối; 2 thìa cà-phê đường; 1/2 thìa súp dầu ô-liu; 1/2 thìa cà-phê mùi tây băm; dầu ăn.
Cách làm:
Dùng mũi dao cắt bỏ phần nhụy có gai, màu tím trong ruột hoa, ngâm và rửa nhiều lần cho sạch, để ráo.
Đun nóng nồi hấp, cho hoa Atiso vào hấp chín. Sau đó trụng qua nước lạnh để hoa tươi màu hơn.
Hành tây, ớt chuông, cà chua ngâm thái sợi.
Xào sơ cồi sò điệp với 1 thìa súp dầu ăn. Hòa tan giấm, đường, muối, dầu ô-liu thành sốt dầu giấm.
Cho cồi sò điệp, hoa Atiso hộp thái nhỏ, các loại rau, củ, mùi tây vào, rưới sốt dầu giấm. Trộn đều.
Khi ăn, tách từng cánh hoa Atiso để thưởng thức trọn vẹn phần lõi non của hoa. Thêm nước sốt nếu thích.
3. Canh hoa Atiso hầm táo đỏ
Nguyên liệu:
1 hoặc 2 bông Atiso (tùy hoa lớn hay nhỏ); 300g xương đuôi heo; 200g thịt bắp hoặc thăn heo; 5-6 quả táo đỏ; 10g hạnh nhân; 2 củ cà rốt.
Cách làm:
Cắt riêng phần bông và phần cọng của Atiso. Phần bông đem rửa sạch, tước hết phần cứng bên ngoài, chẻ làm 4, lấy hết phần nhụy bên trong vì nếu để nguyên nhụy, nước hầm canh sẽ bị đục và giảm vị ngọt hấp dẫn. Phần cọng tước bỏ xơ, cắt khúc 3cm.
Xương và thịt heo rửa sạch, chặt phần đuôi heo thành khúc vừa ăn, thái thịt thành từng lát mỏng. Táo đỏ có thể để nguyên hoặc cắt làm đôi, bỏ hạt; cà rốt gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn.
Chần sơ qua thịt heo và hoa Atiso với nước nóng để thịt săn lại. Phần xương đuôi heo hầm cho thật nhừ, sau đó cho thịt cùng hoa Atiso, táo đỏ, hạnh nhân và cà rốt vào nấu chín. Nước canh màu trong, chân giò và các nguyên liệu hầm chín nhừ, đồng thời ngấm gia vị đậm đà tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn.
Nêm nếm phù hợp với khẩu vị của gia đình và tắt bếp, ăn nóng cùng cơm hoặc bún, mì.