Dây thìa canh còn có tên gọi khác là dây muôi, lõa ti rừng. Chúng được tìm thấy lần đầu tiên tại Ấn Độ và mới được phát hiện có ở nước ta vào năm 2006. Cách đây khoảng 2000 năm, loại cây này đã được sử dụng để điều trị bệnh.
Dây thìa canh có hai loại, là dây thìa canh lá nhỏ và dây thìa canh lá to. Thường loại cây lá nhỏ sẽ được sử dụng và nghiên cứu rộng rãi hơn ở trong và ngoài nước.
Dây thìa canh là loại cây dây leo, có nhựa mủ màu trắng. Lá cây có phiến bầu dục, trứng ngược, đầu nhọn và có mũi. Hoa nhỏ, có màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá.
Cây thường ra hoa vào tháng 7 và đậu quả vào tháng 8. Khi chín, quả của cây rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây dây thìa canh hay cây muôi.
Tại Việt Nam, lần đầu loại cây này được tìm thấy là tại một số tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa. Hiện nay cây được trồng và thu hoạch chủ yếu ở tỉnh thành Nam Định và Thái Nguyên.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Cứ nhắc đến tác dụng của cây dây thìa canh là người ta sẽ nghĩ ngay tới việc điều trị bệnh tiểu đường, hạ mỡ máu hoặc điều trị đái tháo đường.
Hiện nay, những căn bệnh này đang khá phổ biến tại Việt Nam, là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế thới. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiểu đường có thể gây nên những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như: Mù mắt, tổn thương hệ miễn dịch, suy tim, suy thận, tai biến đột quỵ,...
Những người mắc các bệnh này phải hết sức lưu ý trong việc ăn uống, tập luyện để cơ thể điều hòa và thích nghi.
Theo một vài phân tích y khoa, khi sử dụng dây thìa canh, cơ thể sẽ hạn chế khả năng tiếp nhận đường từ ruột. Hoạt chất chính trong dây thìa canh để điều trị tiểu đường là acid gymnemic, đây là một chất có tác dụng kích thích sản sinh tế bào beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh insulin, tăng hoạt lực của insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên.
Bên cạnh đó, trong dây thìa canh còn chứa peptide gumarin. Khi ăn và nhai loại lá này, chất peptide gumarin sẽ được tiết ra lấp đầy thụ thể ở lưỡi, khiến lưỡi bị mất đi cảm giác đối với vị đắng và ngọt tạm thời. Sau khoảng 2-3 tiếng sẽ giảm dần và lấy lại vị giác. Tác dụng này sẽ mất đi khi dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô.
Ngoài công dụng chữa bệnh tiểu đường dây thìa canh còn nổi tiếng với vai trò làm giảm cholesterol và triglycerid trong huyết tương.
Cảnh báo tác dụng phụ
Mặc dù theo các nghiên cứu, dây thìa canh vẫn đem lại những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, những chất bổ trợ trong dây thìa canh vẫn chưa được Cực quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chứng nhận. Vậy nên bạn không nên tự ý sử dụng sản phẩm này khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Bởi nếu tùy ý dùng không chừng mực và liều lượng có thể khiến bạn bị hạ đường huyết và nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay có không ít các loại dây thìa canh được bán ra thị trường, giá dao động khoảng 110.000 nghìn đồng/kg, đắt ngang ngửa 1 cân thịt heo loại ngon. Nhưng vì được bán tràn lan quá nhiều loại, không nhãn mác, không nguồn gốc nên người tiêu dùng dễ mua phải các loại hàng giả, hàng nhái. Uống vào không chỉ không làm giảm đường huyết mà còn bị nặng hơn do quá tin tưởng vào loại dược liệu này.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không được phép tùy ý sử dụng sản phẩm này nếu chưa được sự cho phép của bác sĩ. Một số trường hợp khác ít gặp hơn như cơ thể dị ứng với các thành phần trong dây thìa canh, tạo ra những tác dụng phụ, cần đi khám và tìm hiểu rõ thành phần trước khi dùng.
Nếu như người bệnh muốn sử dụng loại thảo mộc này để hỗ trợ điều trị cho bệnh lý của cơ thể, hãy tìm hiểu rõ nguồn gốc, các cơ sở sản xuất uy tín. Tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, bởi chúng sẽ gây tác dụng ngược lên cơ thể của bạn.