Đều đặn mang tới những nội dung hài hước, quảng cáo sáng tạo tới khán giả, hai thành viên "chủ chốt" của kênh TikTok Thủng Long Family - cặp đôi Trần Tụ Long (hay còn được biết đến là ông Thủng) và Phan Tuyết Nga (biệt danh là bà Bom) - vốn là hai người bạn đời đã ở bên cạnh nhau được 9 năm. Hiện tại, tuy cả hai đã bận rộn thêm đôi chút với sự xuất hiện của cô con gái nhỏ nhưng tình yêu với công việc content creator vẫn luôn được họ duy trì, học hỏi và làm mới như cách họ giữ ngọn lửa hôn nhân vậy.
• Công việc hằng ngày của anh chị hẳn chỉ gắn liền với "nghĩ idea"?
Phan Tuyết Nga: Chúng tôi nghĩ ý tưởng trong cả tuần, cả tháng; ngay từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho tới lúc đi ngủ, hai vợ chồng cũng bàn về ý tưởng của ngày mai. Nhiều ý tưởng xuất phát từ một khoảnh khắc hai vợ chồng trêu nhau thôi, sau đó cả hai cùng ngồi xuống bóc tách vấn đề để khi ý tưởng được triển khai lên video, khán giả thấy vui. Từ những người bạn chơi cùng nhóm nhảy, trở thành hai người yêu nhau cho tới khi kết hôn sống chung một nhà, nên lối tư duy ra sao, chúng tôi quá hiểu nhau. Ban đầu, mỗi người đóng góp một chút để cùng cải thiện nhưng hiện tại, một người có thể làm trọn một "idea".
Trần Tụ Long: Chính xác hơn, bây giờ, nghĩ ý tưởng là sự phối hợp đánh bóng bàn qua lại giữa hai vợ chồng. Ý tưởng chúng tôi xây dựng, triển khai đưa lên video bắt buộc phải là một phần tính cách hằng ngày của cả hai. Thời điểm mới bắt đầu xây dựng kênh, chúng tôi nhận được nhiều lời khuyên nên thường xuyên "xào nấu" những ý tưởng trước đó để kênh nhanh tăng followers, dễ được chú ý hơn. Nhưng chúng tôi không làm như vậy vì tin tưởng vào màu sắc riêng của mình. Đồng thời sản xuất nội dung và thể hiện cá tính tôi luyện cho cả hai khá tốt về tư duy và hiệu quả như thế nào, khán giả có thể tìm kênh của gia đình chúng tôi trên TikTok để kiểm chứng! (cười)
• Dễ nhận ra, số lượng video quảng cáo của hai anh chị đang chiếm đa số trên kênh. Vậy Thủng Long Family có sợ đánh mất hình tượng mình xây dựng ban đầu hay không?
Phan Tuyết Nga: Kể cả có làm quảng cáo, chúng tôi vẫn giữ "chất" của mình và đều muốn gửi tới khán giả những nội dung đầu tư chỉn chu nhất. Chúng tôi biết chứ, kênh đăng ngày càng nhiều quảng cáo nhưng hi vọng khán giả luôn đón nhận chúng như một nội dung thích thú để chờ, để xem. Vì thế, bản thân hai vợ chồng cũng luôn cố gắng trau dồi kiến thức để đa dạng nội dung trên kênh.
Trần Tụ Long: Nói gì thì nói, mục tiêu hướng tới số một của những người làm giải trí vẫn là chinh phục khán giả nên nội dung chắc chắn phải được trau chuốt. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ để mình có cơ hội phát triển tốt hơn trong công việc là đồng hành cùng các nhãn hàng trong các chiến dịch quảng cáo. Tôi nghĩ chẳng có ai "dại" đi từ chối lợi ích kinh tế cả, vậy phải làm sao để cân đối được cả hai? Quảng cáo không xấu, nhiều sản phẩm tốt nhưng không được nhiều người biết đến, nên nhãn hàng cũng cần kênh để "phủ sóng" sản phẩm đến gần khán giả hơn. Hai vợ chồng tự bảo nhau tìm cách để dung hòa 2 yếu tố ấy với nhau, vừa có thể tạo ra content vui phục vụ khán giả vừa giúp truyền tải thông điệp của nhãn hàng. Vì thế, chúng tôi dồn tâm huyết gấp nhiều lần vào kịch bản quảng cáo so với nội dung ngày thường.
• Tức là danh tiếng của một KOL có dựa vào hợp đồng quảng cáo, thưa anh chị?
Trần Tụ Long: Tôi cho là có nhưng chỉ dựa vào một khía cạnh thôi, rõ ràng nhất là số lượng bạn nhận quảng cáo là bao nhiêu và những nhãn hàng đó có phải nhãn hàng lớn/chất lượng hay không. Bản thân những thương hiệu trước khi "book" một KOL, họ đều tìm hiểu, nghiên cứu trước rồi; thậm chí, KOL càng lớn, nghiên cứu càng kĩ. Nếu như KOL đó được các nhãn hiệu lớn "book" thường xuyên thì đó là một KOL chất lượng, nhưng nếu như thường được các nhãn hiệu nhỏ book thì cần phải dựa vào các yếu tố khác để đánh giá song song.
Phan Tuyết Nga: Bản thân chúng tôi cũng "khó tính" trong việc lựa chọn nhãn hàng. Chúng tôi còn đặt ra nguyên tắc nhận quảng cảo từ trước khi bắt đầu làm TikTok nhưng rất may đều nhận những lời mời đúng với "gạch đầu dòng". Trước khi đồng ý, chúng tôi yêu cầu nhãn hàng gửi link sản phẩm, link fanpage, giấy tờ hoạt động liên quan tới sản phẩm; nếu sản phẩm đó gần như chưa phổ cập tới khách hàng hoặc feedback không tốt, mình sẽ từ chối. Cả hai luôn đặt mình vào vị trí người tiêu dùng để biết cảm giác ra sao khi xem một video quảng cáo cứ khen "Sản phẩm này tốt lắm" hay truyền tải một chi tiết về sản phẩm không đúng. Tất nhiên, làm quảng cáo, đôi khi mình không tránh được lỗi dù đã kĩ càng, cẩn thận thế nào đi nữa, điều quan trọng là mình sửa sai ra sao và có tiếp tục mắc không.
• Nhiều người vẫn dùng từ "trẻ trâu" để đánh giá nền tảng TikTok. Anh chị nghĩ thế nào?
Phan Tuyết Nga: Chúng tôi cũng từng nghĩ như vậy nhưng kể từ khi nghiêm túc với nghề, chúng tôi coi đó là một công cụ để mọi người học tập, giải trí hoặc đơn giản chỉ xem. Bố mẹ tôi thậm chí cũng dùng luôn. Độ tuổi của khán giả trên TikTok ngày càng phủ rộng hơn, nội dung đa dạng hơn dành cho nhiều lứa tuổi. Nhiều thầy cô, bác sĩ, luật sư cũng "chơi" TikTok để chia sẻ kiến thức cho mọi người. Ngày trước, mọi người chọn nội dụng vui để xem còn bây giờ, họ lọc nội dung nào trên TikTok có lợi hay không có lợi để học hỏi.
Trần Tụ Long: Chắc chắn rồi, sẽ có một bộ phận những khán giả chưa tiếp cận nhiều với nền tảng video này sẽ giữ suy nghĩ như thế. Tuy nhiên, mình phải phân định cảm xúc và lí trí thật rõ ràng. Vì tư duy gắn chặt hai quan điểm nền tảng mới và sự trẻ trung, nên sau đó suy nghĩ bị áp đặt: "À, vì nó "trẻ trâu" nên ít người dùng hơn các nền tảng khác". Trên thực tế, theo thống kê, nền tảng TikTok đang là nền tảng sở hữu lượt xem nhiều hơn YouTube, Facebook, thậm chí cả lượt download. Hơn nữa, TikTok có thể mang lại nhiều giá trị hữu ích cho khán giả một cách dễ dàng bằng một "cái lướt tay". Các cô bác 40-50 tuổi sản xuất một nội dung dài hơn 1 phút trên các nền tảng khác khá tốn công sức và độ phủ khá khó nhưng chỉ với 30 giây, họ đã có thể làm được trên TikTok rồi.
• Trước khi "chơi" TikTok, cả hai đều là giáo viên fitness phải không?
Phan Tuyết Nga: Chúng tôi nghỉ việc, nhảy việc cùng nhau. Trước đó, anh Long cũng làm content, còn tôi làm sự kiện. Khi dạy fitness, chúng tôi vẫn phải "dùng" não nghĩ bài cho học viên nhưng liên quan tới thể lực nhiều hơn. Còn hiện tại, chúng tôi vẫn sáng tạo nhưng ở một khía cạnh khác.
Trần Tụ Long: Tôi cho rằng có vài điểm tương đồng giữa công việc trước đó và công việc hiện tại của chúng tôi. Thứ nhất, về năng lượng, khi hướng dẫn học viên thực hiện động tác trong các lớp cardio - mô hình lớp học theo nhóm, chúng tôi vừa phải tập cùng trên nhịp nhạc vừa phải hò hét, hô hào. Chúng tôi bê nguyên năng lượng vào TikTok để phục vụ khán giả trong video, nói liên tục, "băm như chém chả". Thứ hai, về tính hành động, video của chúng tôi thường xuyên có những hành động như chạy, ngã, vung tay chân… rất mạnh là bởi cả hai xuất phát là dân thể thao nên có xu hướng truyền tải hành động chân thật hơn.
• Có câu "Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan", anh chị có thể chia sẻ những mâu thuẫn mình gặp phải trong công việc và cuộc sống không?
Phan Tuyết Nga: Giống như các cặp đôi khác, chúng tôi cũng có những lúc không vừa ý nhau nhưng phải nhấn mạnh, ở những người cá tính mạnh, cái tôi rất cao. Việc mình đưa ra ý tưởng mà không được chấp nhận, mình có khó chịu chứ hay có những khi, hai vợ chồng bàn luận với nhau về một ý tưởng nhưng không khớp về mạch tư duy, dễ xảy ra mâu thuẫn lắm!
Cuộc sống thường ngày, cả hai có thể còn nhường nhịn nhau nhưng đã trong công việc, mỗi người phải có chính kiến riêng, chúng tôi chọn thẳng thắn trao đổi như đồng nghiệp để giải quyết được vấn đề. Mình không suy nghĩ "đấy là chồng mình nên mình nhường", không phải. Cũng có những lúc đang giận, nhưng trong cảnh quay yêu cầu phải thắm thiết, mình cũng ôm theo đạo diễn chỉ thôi, nhưng sau shoot quay, mình giận tiếp (cười). Quan trọng nhất vẫn là hai người biết ngồi lại thẳng thắn nói chuyện với nhau sau mâu thuẫn: lúc nào nóng thì dừng lại, lúc nào bình tĩnh thì sẵn sàng nói chuyện.
Trần Tụ Long: Thực ra, ôm xong, mình cũng hết giận!
Phan Tuyết Nga: Phụ nữ khác đàn ông, giận dỗi lâu hơn đấy.
• Làm việc cùng nhau, ở cùng nhau, hiểu nhau quá, vậy bí quyết để giữ ngọn lửa tình yêu của hai anh chị là gì?
Phan Tuyết Nga: Tôi không nghĩ chúng tôi không bao giờ ở ngưỡng hiểu nhau quá. Mình có thể hiểu 98% anh ấy nhưng không thể chạm tới 100%, vì sở thích hôm nay của anh ấy có thể là pizza nhưng ngày mai lại là lẩu.
Trần Tụ Long: Làm nghề về sáng tạo, bản thân sự sáng tạo trong đầu hai đứa luôn có sự đổi mới mỗi ngày và chắc chắn đối phương không thể biết sự đổi mới trong đầu mình diễn ra như thế nào. Chính những mâu thuẫn nhỏ trong công việc và cuộc sống thường ngày mới cho thấy hai người chưa hiểu hết nhau. May mắn là nghề làm về sáng tạo thúc đẩy hai vợ chồng luôn muốn đổi mới.
Cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện!