Lấy ý tưởng từ "Cầu tõm", hay được gọi với cái tên "hạnh phúc giản đơn", tôi muốn truyền tải một nét văn hoá rất riêng trong đời sống của người Việt Nam từ xa xưa đến nay lên bộ trang phục dân tộc. Có thể hơi "táo bạo" trong ý tưởng nhưng với tôi và rất nhiều người Việt Nam, "Cầu tõm" là một phần ký ức tuổi thơ hồn nhiên và thời niên thiếu hài hước, gắn liền với con sông, bờ đê... cùng những con người chân chất, thật thà ở vùng quê nghèo.
Nhắc đến "Cầu tõm", ai cũng nghĩ đến miền Tây, nhưng ít ai biết rằng cầu tõm được nhắc nhiều nhất và đi vào thơ ca là ở khu vực Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) và đặc biệt gắn liền với giai thoại "9 củ thành 10" mà không phải ai cũng biết.
"Hà Nam 9 củ thành 10
Cho dân Cầu tõm mỉm cười ăn khoai
Ước mơ bao tháng năm dài
Ông ăn củ nứt phần tôi củ lành"
Câu thơ này vẫn được các cụ và các bạn trẻ sử dụng nghêu ngao, nếu ai có dịp về Hà Nam chắc chắn sẽ nghe. Và cho đến ngày hôm nay, "Cầu tõm" vẫn là hình ảnh rất quen thuộc của người dân, đặc biệt ở miền Tây. Người dân nơi đây, dù cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, có điều kiện hơn về mọi thứ nhưng họ vẫn giữ gìn nét "truyền thống" này, nhà nào cũng có một chiếc "Cầu tõm" và cũng gắn liền với 1001 câu chuyện hài hước, bình dị chốn miền quê.
Có thể nói, "Cầu tõm" chính là nét văn hoá rất riêng của người Việt chúng ta, ai chưa một lần trải nghiệm thì qua bộ trang phục có thể hiểu hơn về "hạnh phúc giản đơn" này.
Phần trên trang phục được làm từ gỗ cây và khi trình diễn thì có thể bung cửa ra để lộ bộ trang phục lộng lẫy bên trong, phần tà áo màu xanh thướt tha tái hiện lại hình ảnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy mộc mạc, nhưng bộ trang phục lại rất sang trọng và lộng lẫy, lên sân khấu vẫn toả sáng. Dù bộ trang phục có được chọn hay không, tôi vẫn rất vui khi tự mình chia sẻ những ký ức về tuổi thơ của mình bên "Cầu tõm".