Mùa hè là mùa cây trái ra hoa kết quả. Vào thời điểm trái cây leo giá vì lạm phát, còn gì khó chịu hơn khi bạn nhìn thấy đủ loại xoài nhãn vải mít chín mọng treo lủng lẳng ngay trước mắt mà chẳng thế hái ăn?
Thế nhưng đó là lại hiện thực phũ phàng diễn ra tại rất nhiều tỉnh thành ở miền nam Trung Quốc. Thậm chí, trên mạng Internet nước này thậm chí lưu truyền một câu ngạn ngữ rằng: Chưa bị xoài chín rơi đập vào đầu, không phải là người Quảng Tây thực sự.
Đó là vì tại các thành phố của tỉnh này, cây trồng ven đường đều là cây ăn trái. Mít, xoài, nhãn vải... và hầu hết chúng sẽ cùng ra hoa kết trái vào mùa hè, khiến người dân nơi đây được chứng kiến cảnh một siêu thị trái cây như treo ngay trên đầu mỗi khi ra đường.
Nghĩ tới đây, nhiều người có thể mơ mộng tới viễn cảnh thiên đường tuyệt đẹp, khi trái cây ở khắp ngoài đường và chỉ đơn giản trèo hái hoặc vặt ăn mỗi khi mình thích.
Tuy nhiên, thực tế có thể không đẹp như tưởng tượng.
Đúng là ở Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và các tỉnh miền nam Trung Quốc khác, cây ăn quả thường được dùng làm cây phủ xanh đô thị. Trong đó, nổi bật nhất là Nam Ninh, một khu vực địa cấp thị, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây.
Ngay từ những năm 1970, Nam Ninh đã đặt ra chính sách phủ xanh bằng cách trồng cây ăn quả trên đường phố.
Vào thời điểm đó, Nam Ninh vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình đô thị hóa và trên đường thì xe đạp nhiều hơn ô tô. Do đó, không có vấn đề gì khi cây ăn trái được trồng với quy mô lớn trên các đường phố. Và khi trái cây chín, bộ phận chăm sóc đô thị sẽ bố trí nhân công thu hoạch đồng loạt.
Nói cách khác, nửa thế kỷ trước, khi đi dạo ven đường ở Nam Ninh, người dân nơi đây có thể trực tiếp hái được một trái xoài chín mọng để ăn.
Thấy được lợi ích ban đầu, về sau Nam Ninh ngày càng trồng thêm nhiều cây ăn quả. Ngoài bốn loại cây phổ biến là mít, xoài, sấu, đào sau đó còn có thêm cả vải, nhãn, quất, ổi, khế, táo tàu… Cả thành phố vào mùa hè như một siêu thị trái cây khổng lồ.
Về số lượng, đào là loài cây ăn quả chiếm ưu thế tuyệt đối, chỉ tính riêng khu vực đô thị Nam Ninh đã có khoảng 30.000 cây. Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 cây xoài và khoảng 1.000 cây mít.
Tuy nhiên, với sự phát triển của đô thị hóa, giấc mơ “trái cây miễn phí” cũng dần tan biến.
Đầu tiên là khi quá trình đô thị hóa phát triển, số lượng xe ô tô lưu thông trên đường tăng lên theo cấp số nhân, cùng với đó là khí thải công nghiệp, khói ô tô và khói bụi xây dựng trong thành phố đã ảnh hưởng trực tiếp nhất là cây cối ven đường. Phải chịu tác động của nhiều loại khí thải khác nhau, cây cối trên đường phố dần héo úa, lá trở nên xỉn màu và quả cũng xấu hơn. Nhìn vẻ ngoài đáng thương của cây ăn quả, nhiều người nói rằng họ không còn muốn cầm lên ăn như trước.
Hơn nữa, quan trọng là những loại quả này đã ăn không còn ngon như trước. Xoài thì ít thịt, hột to, nhiều xơ, ăn có vị chua. Mít cũng tương tự, ít múi, kém ngon, độ chua cao. Đào cũng chẳng khá khẩm hơn. Chưa kể, cùng với việc phun thuốc bảo vệ cây khỏi sâu bệnh thường xuyên, các nhà chức trách phát hiện ra các loại trái cây đã có dư lượng kim loại nặng và thuốc trừ sâu, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Tất nhiên, đối với những cây ăn quả được trồng ven đường, thì việc ra quả không phải là nhiệm vụ chính của chúng.
Là cây phủ xanh đô thị, chúng không chỉ có giá trị làm cảnh mà còn có giá trị sinh thái. Cây xanh đường phố có thể duy trì sự cân bằng của carbon và oxy, tăng độ ẩm không khí, giảm bớt "hiệu ứng đảo nhiệt" ở các khu đô thị và cải thiện môi trường sinh thái. Nói một cách đơn giản, nếu thành phố là một bể cá lớn bẩn thỉu, thì cây cối trên đường phố chính là kẻ nhặt rác trong đó.
Nhưng không phải loại cây nào cũng có thể là cây trồng trong đô thị.
Để phủ xanh đô thị, cây cần đáp ứng ít nhất 3 điều kiện để có thể được lựa chọn, hay nói vui là "trở thành công chức và được cấp chứng chỉ". Thứ nhất, cây đường phố phải có tán lớn và tạo bóng râm. Thứ hai là cây phải có khả năng thích nghi cao, sức phát triển tốt và ít sâu bệnh. Thứ ba, chúng cần có khả năng đề kháng trước việc cắt tỉa và yêu cầu việc chăm sóc ít.
Đào, xoài và các loại cây ăn quả khác nhìn chung đáp ứng các điều kiện trên. Chúng có cành và lá dày đặc, có tác dụng làm giảm tốc độ gió và giữ bụi lại trên đường phố. Mặt lá của một số cây ăn quả sần sùi, xù xì, có nhiều lông tơ, với chất nhờn tiết ra có thể hút bụi và khí độc hại, có vai trò lọc sạch không khí. Các cây ăn quả phát triển dày đặc cũng hấp thụ và giúp giảm bớt tiếng ồn từ giao thông thành phố .
Tuy nhiên, các loại cây ăn quả như vải, nhãn lại không thích hợp làm cây trồng trên ven phố. Bởi để trồng hai bên vỉa hè, cây có yêu cầu về chiều cao thông thủy (khoảng cách từ điểm thấp nhất của cành cây đến mặt đất) từ 2,5 mét đến 3 mét, chưa nói tới trồng giữa hai làn đường.
Do đó, các loại cây ăn quả như vải, nhãn với tán thấp hầu hết đã được trồng trong các không gian xanh chuyên dụng và không gian xanh cho người dân như công viên, sân chơi...
Tuy nhiên, hầu hết các cây ăn quả có một nhược điểm lớn khi sử dụng như cây trồng trong đô thị, đó là việc chăm sóc bảo dưỡng chúng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn. Vì quả sẽ rụng tự nhiên sau khi chín, với số lượng lớn sẽ gây ô nhiễm đường phố, tạo mùi hôi, thu hút ruồi muỗi.
Các loại trái cây lớn hơn, chẳng hạn như xoài và mít, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt là trong mùa mưa bão từ tháng sáu đến tháng bảy.
Chưa kể việc thu hái nếu được thực hiện cũng rất kỳ công.
Ví dụ như vải hay nhãn, quả của chúng tương đối nhỏ và khi chín thường tự rụng, yêu cầu công nhân vệ sinh phải nhanh chóng thu dọn kịp thời. Trước khi mùa mưa bão đến, gần như toàn bộ nhân lực của bộ phận vệ sinh môi trường phải đồng loạt ra quân, loại bỏ thủ công những loại trái cây lớn, đồng thời cắt tỉa những cành chết, cành gãy, cành bị sâu bệnh. Thuốc trừ sâu cũng phải được phun thường xuyên, bởi cây ăn trái thu hút đặc biệt nhiều loại sâu bệnh.
Theo chia sẻ của một công nhân vệ sinh ở Nam Ninh thì việc dọn trái cây rụng còn khó hơn lá rụng. Bởi khi chín rụng, trái cây thường bị dập và hỏng, việc làm sạch chúng đôi khi phải dùng tay không chứ chẳng thể quét bằng chổi đơn thuần.
Nhận ra vấn đề phát sinh, chính quyền thành phố Nam Ninh đã dần hạn chế trồng cây ăn quả và thay thế chúng bằng các loại cây xanh đô thị truyền thống.
Theo một nghiên cứu năm 2011 về phủ xanh đô thị ở đây, cây ăn quả hiện chỉ chiếm 12,7% tổng số cây xanh, trong đó chỉ có đào và xoài còn được tiếp tục trồng trên các làn đường giao thông và cây xanh vỉa hè.
Đọc tới đây, có thể bạn sẽ nghĩ, nếu cây ăn quả bên đường không ăn được cũng gây ra quá nhiều phiền phức trong việc duy trì, tại sao chúng vẫn được trồng?
Câu trả lời là việc ngoài tác dụng bảo vệ hệ sinh thái đô thị, các loài cây đặc trưng còn là bộ mặt, điểm nhấn của một thành phố.
Đối với một số khu vực, thì các loài cây như xoài, mít, đào và các loại cây ăn quả khác chính là những giống cây bản địa có lịch sử lâu đời. Và từ lâu, chúng đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa đô thị.
Hơn nữa, hình ảnh hai bên đường cây trĩu quả, các màu vàng đỏ xen lẫn lá xanh đã tạo nên một cảnh sắc đặc trưng của các thành phố phía Nam. Chúng cũng tượng trưng cho thảm thực vật tươi tốt, sản vật trù phú của một thành phố. Nếu tận diệt những cây ăn trái ven đường, thành phố đó sẽ mất đi nét đặc sắc và quyến rũ vốn có.
Vì vậy, chính quyền các địa phương này vẫn tiếp tục trồng cây ăn trái dù quả của chúng vẫn không thể ăn được. Dẫu sao, các thành phố phía Nam Trung Quốc cũng có lợi thế về trồng trọt, hoa quả có chất lượng tốt và giá thành rẻ nên người dân nơi đây có rất nhiều sự lựa chọn, thay vì phải thèm muốn những trái cây mọc ở vỉa hè.
Tham khảo Sina, NetEase