Xe điện có thực sự “xanh” hơn xe xăng?

Thu Nga | 20-04-2021 - 19:19 PM

(Tổ Quốc) - Trước những băn khoăn về việc quá trình sản xuất pin và điện dùng để vận hành ô tô điện cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường không kém quá trình xả thải của xe xăng, các nhà hoạt động vì môi trường và các chuyên gia năng lượng đã lên tiếng.

Các nhà môi trường học ủng hộ xe điện

Giảm thiểu lượng khí CO2 và các loại khí gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người, giảm thiểu tiếng ồn so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống là những ưu điểm dễ thấy nhất của những chiếc xe chạy bằng động cơ thuần điện. Theo thống kê của EDF Energy, trong vòng một năm sử dụng xe điện thay cho xe động cơ đốt trong, bạn đã bớt xả thải ra không khí 1,5 triệu gram CO2, tương đương với 4 chuyến bay khứ hồi từ London đến Barcelona.

Tuy nhiên, nếu tính trong suốt vòng đời sản phẩm, kể từ khi bắt đầu quy trình sản xuất cho đến khi kết thúc quá trình sử dụng, xe điện vẫn tạo ra một lượng khí thải CO2 nhất định, trong đó chủ yếu tập trung trong giai đoạn sản xuất xe. Ngoài ra, lượng khí thải CO2 trong quá trình làm ra điện cũng đang bị tính cho xe điện.

Mặc dù vậy, kể cả khi sử dụng nguồn điện được tạo ra từ nguyên liệu hóa thạch thì theo tính toán, tổng lượng xả thải carbon từ xe điện vẫn thấp hơn khoảng 30% so với xe sử dụng nhiên liệu xăng hoặc dầu. Con số này chắc chắn sẽ cao hơn khi các nguồn điện gió, điện mặt trời ngày càng được ưa chuộng. Kỳ vọng của các hãng xe cũng như các nhà hoạt động môi trường là trong tương lai gần, xe điện sẽ giảm thiểu đến 90% lượng xả thải carbon so với xe sử dụng động cơ đốt trong.

Pin sẽ được tái chế thay vì vứt bỏ

Đầu tiên, cần khẳng định pin lithium-ion trên ô tô rất bền. Hầu hết nhà sản xuất xe điện hiện nay đều đưa ra chế độ bảo hành lên đến 8 năm (như Tesla, Nissan), cá biệt lên đến 10 năm cho pin xe điện. EDF Energy cho biết tuổi thọ của pin xe điện có thể kéo dài 10-20 năm trước khi cần thay thế.

So với pin lithium-ion trên smartphone vốn chỉ hoạt động tốt trong khoảng 500 chu kỳ sạc, các nhà sản xuất pin xe điện đã có giải pháp thông minh hơn để kéo dài thời gian hoạt động của pin. Cụ thể, pin xe điện sẽ bị "hãm" để người lái không thể sử dụng hết năng lượng mà nó lưu trữ, nhằm làm giảm số chu kỳ sạc cho pin. Cùng với những công nghệ khác như hệ thống làm mát thông minh, pin xe điện có tuổi thọ nhiều năm trước khi gặp vấn đề.

Xe điện có thực sự “xanh” hơn xe xăng? - Ảnh 1.

Ngay cả khi đã "nghỉ hưu" sau hàng chục năm sử dụng, pin xe điện vẫn còn hữu ích. Một trong những ý tưởng đã chứng minh hiệu quả là biến nó thành hệ thống trữ điện trong các hộ gia đình và toà nhà. Chẳng hạn, Nissan đã lên kế hoạch sử dụng pin xe điện để làm nguồn cấp dự phòng cho sân vận động Amsterdam Arena của câu lạc bộ bóng đá Ajax Amsterdam (Hà Lan).

Toyota chọn cách lắp đặt hệ thống pin dự trữ điện bên ngoài các cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản để trữ điện từ các tấm năng lượng mặt trời. Năng lượng này sau đó được dùng để cấp điện cho tủ lạnh, hâm nóng thức ăn bên trong cửa hàng.

Renault cũng đã công bố pin thải loại từ dòng xe điện Zoe EV sẽ tiếp tục được sử dụng cho hệ thống lưu trữ điện năng Powervault. Trong khi đó, kế hoạch của Volkswagen là mang đến "cuộc sống thứ 2" cho những viên pin bỏ đi bằng cách biến nó thành pin di động tại các trạm sạc.

Xe điện có thực sự “xanh” hơn xe xăng? - Ảnh 2.

Sau khi đã trở thành hàng "hết đát", các nhà sản xuất cũng sẽ tiếp tục tái chế pin xe điện nhằm tận dụng tối đa thứ nguyên liệu đắt đỏ này. Năm 2020, Volkswagen đã công bố kế hoạch hướng đến việc tái chế đến 97% linh kiện của pin. Các nhà sản xuất khác cũng đã có các kế hoạch tương tự ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu, phát triển công nghệ xe điện. Do đó, nguy cơ về một thứ rác thải hóa học như những bộ ắc quy axit-chì "hết đát" bị vứt bỏ vô tội vạ ngoài môi trường là điều không xảy ra đối với pin lithium-ion - bộ phận đắt tiền nhất trên mỗi chiếc xe điện.

Khi vấn đề về pin được giải quyết gần như triệt để, việc xe điện "phủ sóng" trên thị trường toàn cầu có vẻ như chỉ còn là vấn đề thời gian.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM