Xe đậu phộng rang chao đỏ cực hiếm của người Hoa, hơn 50 năm nằm lọt thỏm ở góc phố nhưng vẫn tồn tại bền bỉ nhờ cái mùi vị “ăn rồi là mê”!

CAS; Ảnh: ANDY TRAN | 15-11-2021 - 11:06 AM

(Tổ Quốc) - Món ăn vặt tưởng chừng như "lỗi thời" giữa những phát triển phong phú của hiện đại nhưng vẫn có chỗ đứng trong lòng của rất nhiều người mấy chục năm qua.

Bên cạnh những món ăn chính hàng ngày thì các món ăn vặt cũng là thứ xuất hiện rất thường nhật như những quang gánh nặng trĩu khắp đường xá, quà bánh trên dây treo đầy tiệm tạp hóa. Tuy nhiên, ở thời nay, mọi người có quá nhiều sự lựa chọn với hàng loạt loại bánh kẹo sản xuất công nghiệp bày bán từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... Những thứ cũ xưa hiếm hoi được chú ý đến nữa, món cũ đôi khi chỉ được người cũ tìm về.

Ấy vậy mà trên đoạn đường Trần Hưng Đạo (Quận 5) góc giao với đường Ngô Quyền vẫn tồn tại một xe bán đậu phộng của một gia đình người Hoa. Sở dĩ có thâm niên lâu đời đến thế là vì đậu phộng ở đây mang công thức gia vị đặc biệt "độc nhất vô nhị" ở Sài Gòn. Trên chiếc xe đó chính là đậu phộng chao đỏ mang thương hiệu Minh Ký tồn tại hơn 50 năm qua.

Xe đậu phộng - Ảnh 1.

ĐẬU PHỘNG CHAO VẪN ÂM THẦM TỒN TẠI GIỮA NHỮNG SẢN PHẨM MỚI MẺ LÊN NGÔI

Chiếc xe nhỏ nằm ở góc đường của vợ chồng bà Lê Phụng Kim có hai loại đậu phộng làm nên "tên tuổi" là đậu phộng rang chao và đậu phộng sấy. Ông bà đã bán đậu phộng ở góc ngã tư đường đấy từ mấy chục năm trước. Theo lời chia sẻ của con gái bà Kim là từ khi cô 6 tuổi đã thấy ba cô làm đậu phộng đi giao khắp các nhà hàng ở Sài Gòn, bây giờ cô đã ngoài 50. Lúc đó người ta đặt hàng tấp nập từ ít cho đến nhiều, nhưng bởi gia đình neo người nên không kịp sản xuất.

Hồi xưa, thời mà trong rạp chiếu phim chẳng ai biết bánh snack là gì, bắp rang bơ là chi thì món đậu phộng của vợ chồng bà Kim là thứ mà được mua nhiều nhất chỉ xếp sau chiếc vé xem phim.

Xe đậu phộng - Ảnh 2.

Cách chế biến đậu rang chao đặc biệt của Minh Ký không làm mất đi bản chất ngọt, béo tự nhiên của hạt đậu, vị chao thơm nhẹ được kết hợp vào để hòa hợp với đậu chứ không phải "cho có mùi" rồi đậu một đằng, chao một nẻo. Do đó, cảm giác khi ăn đậu rang dù có hương vị của chao vẫn rất dễ ăn, điều này giúp cho những người đã yêu thích hay dùng qua thử cũng sẽ không cảm thấy quá đậm gây ngán.

Ngày nay, người ta quen dần với đậu phộng kết hợp với các loại gia vị từ mặn đến ngọt rất đa dạng và phong phú. Khi mà từng gói kẹo, bịch bánh nhỏ đều được đưa vào sản xuất theo dây chuyền, bao bì bắt mắt, trang trí rực rỡ thì đậu phộng rang chao của Minh Ký chỉ đơn giản bỏ vào bịch ni lông nhỏ, thêm một tờ giấy in chữ Hoa kèm chữ Việt giới thiệu về tên thương hiệu của mình. Tuy nhiên, với những người Hoa sinh sống lâu đời ở Sài Gòn nói chung và ở khu quận 5 nói riêng vẫn sẽ ưa thích hương vị của đậu phộng rang chao này. Không phải bởi vì họ ăn lâu thành quen mà vốn dĩ nó có sự đặc biệt riêng để "ở lại" trong lòng rất nhiều người.

Người trẻ bây giờ họ có quá nhiều sự lựa chọn bởi những món ăn vặt mới mẻ và phong phú hơn. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn những "người quen" chọn nhấm nháp từng hột đậu phộng rang thơm chao kèm bình trà nóng, ngồi hàn huyên đôi ba câu chuyện xa xưa.

Đậu phộng sấy ở Minh Ký cũng là một món khá "kén" với những người thích ăn hạt đậu luộc mềm. Với phương pháp sấy vẫn giữ nguyên hạt đậu trong vỏ nhưng hoàn toàn khô ráo hết nước. Theo đó, để làm ra được hạt đậu khô như thế phải qua quá trình luộc rồi phơi nắng cho nước bốc hơi hết, cho nên hạt đậu sấy teo lại nhỏ hơn bình thường. Người làm đậu phải canh mưa canh nắng để lỡ mưa xuống là xem như bỏ phí mẻ đậu vì lên mốc.

Xe đậu phộng - Ảnh 5.

Đối với những người ăn không quen miệng sẽ thấy cứng và không thích bằng hạt đậu luộc, nhưng nhai kỹ sẽ thấy hạt đậu sấy rất dẻo và béo bùi nên không kém cạnh đậu luộc chút nào. Đậu phộng sấy ở đây được gói bằng giấy báo, vô cùng đơn giản và mộc mạc nhưng lại nhận được sự ủng hộ của biết bao người trong mấy chục năm qua.

NGƯỜI THAY ÔNG BÀ GIỮ GÌN HƯƠNG VỊ CỦA ĐẬU PHỘNG CHAO

Sau bao nhiêu năm bền bỉ với chiếc xe đậu phộng, bà Lê Phụng Kim đã giao lại cho con mình duy trì để ở nhà nghỉ ngơi. Theo con gái của bà Kim chia sẻ: "Má bây giờ cao tuổi, tay chân yếu rồi không ngồi lâu được nên từ năm trước đã hết ra bán rồi, giao lại cho cô bán".

Ấy vậy mà ít ai biết mấy mươi năm qua vợ chồng bà Kim đã từ nghề làm đậu phộng rang chao mà nuôi sống cả gia đình. Lúc tuổi chưa cao, bà Kim mỗi ngày ngồi ở góc đường từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm mới dọn hàng về nhà. Bây giờ chỉ còn người con gái vừa phải chế biến sản phẩm ở nhà, vừa ra bán hàng nên đến tầm 2 giờ chiều mới thấy bóng dáng cô xuất hiện. Bất kể nắng mưa, xe đậu phộng rang chao đã ở đó đến thế hệ thứ hai.

Đậu phộng chao của người Hoa nằm lọt thỏm trong sự thay đổi của thời đại nhưng vẫn tồn tại bền bỉ ở góc ngã tư đường mấy chục năm qua - Ảnh 7.

Con bà Kim cho biết bà rất kỹ tính và muốn gìn giữ nghề gia truyền của gia đình nên dù có ra giá cao thế nào cũng không học được cái cách làm đậu phộng rang của Minh Ký. Để gìn giữ bí quyết riêng nên giờ cũng chỉ còn mỗi người con gái làm, không thuê thêm nhân công nên dù có nhiều chỗ đặt giao hàng cũng không kịp làm để nhận.

Vẫn là chiếc xe đậu nhỏ này sẽ tiếp tục duy trì hương vị đặc biệt của đậu phộng chao cho mọi người thưởng thức. Con gái của bà Kim khẳng định sẽ giữ gìn cho bằng được truyền thống của gia đình mình: "Bán tới chết chứ không bỏ được nghề, đâu có ai mà bán được mấy chục năm như vậy đâu. Mình làm không nổi nữa thì tới con mình bán, dạy cho nó làm".

NÔM NA VỀ NGUỒN GỐC CỦA ĐẬU PHỘNG RANG CHAO ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Những người Hoa lớn tuổi từng kể lại đậu phộng rang chao xuất hiện vào cuối thời nhà Thanh, là một nét ẩm thực của người Quảng Đông (Trung Quốc), do một người đầu bếp mù sáng tạo ra. Ở thời đó, đậu phộng được ngâm qua đêm với chao đỏ, phơi khô và rang trên chảo cát vàng hạt to. 

Khi món ngon đặc biệt này mang sang Việt Nam thì được "cải biên" lại, chỉ rang đậu với một lượng chao tương ứng đủ để dậy mùi thoang thoảng, mùi vị của đậu hòa hợp với hương thơm nhẹ của chao tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn này.

Nghe về chao đỏ tuy lạ mà quen vì thực tế các món chao đều có nguồn gốc từ Trung Quốc do quá trình lên men đậu nành. Sở dĩ xuất hiện loại chao có màu đỏ sậm là vì được ngâm trong loại bột nghiền từ gạo đỏ.

Chao đỏ rất được ưa chuộng và sử dụng phổ biến làm gia vị, đồ chấm cho các món ăn ở Trung Quốc (Ảnh: Internet)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM