Vụ bé trai 13 tuổi bị rắn cắn suýt chết khi lén nuôi: Là loài độc mạnh chỉ sau hổ chúa

Hoa Hướng Dương | 06-05-2022 - 19:54 PM

(Tổ Quốc) - Đây là loài rắn gì?

Mới đây, vào chiều 3/5 tại khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương, một bệnh nhân nhi 13 tuổi (ở Hà Nội) đã phải nhập viện trong tình trạng bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức và có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Theo gia đình cho biết, bé trai rất thích nuôi động vật hoang dã và đã tự ý mua trên mạng ba con rắn lục về nuôi; khi thay chuồng cho rắn thì bé bị rắn cắn vào ngón tay trỏ của tay phải. Ngay sau đó thì người nhà đã đưa nạn nhân tới bệnh viện để cấp cứu. 

Vụ bé trai 13 tuổi bị rắn cắn suýt chết khi lén nuôi: Là loài độc mạnh chỉ sau hổ chúa - Ảnh 1.

Rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: Gia đình bệnh nhi cung cấp

DANH TÍNH CON RẮN ĐỘC

Các bác sĩ đã nhận dạng được con rắn cắn bệnh nhi này là một con rắn lục đuôi đỏ (danh pháp hai phần: Trimeresurus albolabris) thuộc họ Rắn lục (Viperidae), đây là một loài rắn độc nguy hiểm và rất phổ biến ở Việt Nam.

Trên báo Tuổi trẻ, TS.BS Lê Ngọc Duy, trưởng khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết mức độ độc của rắn lục đuôi đỏ chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa và nọc độc mạnh hơn khi rắn cái đang trong thời kỳ mang thai.

Hiện bệnh nhân đã được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm cũng như kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương ; hiện, sức khỏe của bé trai đã ổn định sau một ngày chữa trị.

Vụ bé trai 13 tuổi bị rắn cắn suýt chết khi lén nuôi: Là loài độc mạnh chỉ sau hổ chúa - Ảnh 2.

Rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: Animalia

Cơ thể của con rắn là một màu xanh lục, với phần đuôi màu nâu đỏ, đầu tam giác đặc trưng ở các loài rắn lục và dài tối đa khoảng 60 cm với cân nặng khoảng 300gram. Loài rắn này phân bố chủ yếu trên khu vực núi cao, khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn hay khu vực Tây Bắc.

Tuy nhiên, hiện nay chúng xuất hiện ở khá nhiều nơi khác như Cần Thơ, Quảng Ngãi và ở Nam Đàn - Nghệ An cũng có. Chúng đang gia tăng số lượng và số ca rắn lục đuôi đỏ cắn cũng tăng cao do xuất hiện ở nhiều khu dân cư mà lý do có thể là do sự biến đổi khí hậu.

Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ có hơn 20 thành phần khác nhau, trong đó có chất đông máu (Procoagulant) khiến cho nạn nhân bị chứng rối loạn đông máu, làm chảy máu chân răng, hệ tiêu hóa, máu não, phổi, tiết niệu... cực kỳ nguy hiểm.

Do có hai răng nanh độc lớn nên vết cắn sẽ để lại dấu răng nanh khá rõ ràng, chỉ sau vài phút thì vết cắn sẽ sưng nề nhanh, đau nhức và máu chảy liên tục không tự cầm. 6 tiếng sau thì vết thương sẽ lan rộng làm toàn chi sưng to, đau nhức, xuất huyết dưới da, hoại tử cơ...

Nặng hơn, có thể gây sốc phản vệ, tụt huyết áp, suy thận cấp, gây chóng mặt, buồn nôn, làm nạn nhân tử vong nhanh chóng; tuy nhiên, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời và sử dụng huyết thanh kháng nọc thì nạn nhân hoàn toàn có thể vượt qua cơn nguy hiểm. 

CẦN LÀM GÌ KHI BỊ RẮN LỤC ĐUÔI ĐỎ CẮN?

Nếu bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì có thể tham khảo thực hiện các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân ra khỏi phạm vi ban đầu của con rắn, nếu đã đập chết hay bắt sống thì cần giữ lại để mang tới bệnh viện để nhận dạng nhằm giúp các bác sĩ nhanh chóng sử dụng huyết thanh kháng nọc phù hợp.

- Tránh để nạn nhân cử động, tốt nhất là nẹp phần tay hay chân bị rắn cắn để làm chậm sự lây lan của nọc độc. Đồng thời, tháo bỏ các đồ trang sức, nới lỏng quần áo chật tại vị trí vết cắn để tránh gây chèn ép.

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý rồi dùng miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị rắn cắn, tuyệt đối không nên cố gắng hút nọc độc hay garô. Hãy đặt nạn nhân sao cho vùng bị cắn thấp hơn vị trí tim, kể cả trong suốt quá trình đi tới bệnh viện

Ngoài ra cần tuyệt đối tránh sử dụng loại thuốc dân gian hay cổ truyền, mẹo truyền miệng hay đưa tới thầy lang. Hãy tranh thủ thời gian vàng để cứu sống nạn nhân bằng cách chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM