Virus 48.500 tuổi sống dậy và mối nguy của biến đổi khí hậu

Nhật Quỳnh | 01-12-2022 - 00:00 AM

(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học vừa "hồi sinh" virus 48.500 tuổi trong phòng thí nghiệm trong những nỗ lực tìm hiểu mối đe dọa khi biến đổi khí hậu đang ngày một tệ hơn.

Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học tại Pháp đã đánh thức virus ngủ đông có tuổi lớn nhất từng được nghiên cứu. Cụ thể, virus này được các nhà khoa học lấy về từ vùng băng vĩnh cửu tại Siberia, Nga, đã sống cách đây khoảng 48.500 năm. Đây cũng là một minh chứng cho thấy virus sống dai ra sao khi ở trạng thái đóng băng.

Mở hộp Pandora virus từ Siberia

Loại virus này thực ra là một trong chín loại virus đã được các nhà khoa học hồi sinh trong các mẫu vật lấy về từ Siberia, Nga cách đây vài năm. Những loại virus mà các nhà khoa học đã hồi sinh đều có tuổi đời chục nghìn năm tuổi, virus ít tuổi nhất ước tính đạt 27.000 năm.

Loại virus có tuổi đời lên tới hơn 48.500 năm được các nhà khoa học đặt tên là Pandoravirus yedoma, phỏng theo tên của Hộp Pandora - chiếc hộp chứa đựng những điều bất hạnh trong thần thoại Hy Lạp. Virus này được tìm thấy trong mẫu vật sâu 16m dưới lòng hồ Yukechi Alas, Nga.

Virus 48.500 tuổi sống dậy và mối nguy của biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Những vùng đất băng giá vùng cực có thể giải phóng nhiều loại virus nguy hiểm khi tan chảy. Ảnh: Андрей Михайлов / Adobe Stock

Nhà Virus học Jean-Michel Claverie tại Đại học Aix-Marseille, Pháp, đồng thời là tác giả của nghiên cứu, chia sẻ với tờ New Scientist: "48.500 năm là một kỷ lục thế giới".

Ngoài số tuổi khủng khiếp, virus này cũng có những đặc điểm rất khác so với virus ngày nay. Pandoravirus yedoma có thể được xếp vào "Virus cực lớn" khi có kích thước 1 micromet dài và 0,5 micromet bề ngang, đủ lớn để có thể nghiên cứu trực tiếp dưới kính hiển vi. Về mặt sinh học, loại virus này mang trên mình 2.500 gen, trong khi virus ngày nay chỉ có từ 10 đến 20 gen.

Virus 48.500 tuổi sống dậy và mối nguy của biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Virus 48.500 tuổi là pandoravirus, chuyên tấn công các loại sinh vật đơn bào,

Biến đổi khí hậu và nguy hiểm từ những vùng băng vĩnh cửu

Việc đánh thức virus vốn đã ngủ đông từ rất nhiều năm về trước được xem là một điều hết sức nguy hiểm, nhưng các nhà khoa học cho rằng đây là điều cần thiết để đánh giá các tác động có thể có với thế giới khi biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn tiêu cực.

Trong nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học ghi: "Một phần tư diện tích Bắc Bán cầu vẫn đang nằm dưới lớp đất đóng băng, còn gọi là lớp băng vĩnh cửu".

Khi lớp đất đá đóng băng này dần ấm lên và tan chảy, hàng loạt chất hữu cơ vốn bị đóng băng cả triệu năm, giờ cũng sẽ tan chảy theo. Một trong những tác động có thể kể tới chính là việc khí carbon dioxit có thể thoát ra và làm tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển, càng làm trầm trọng thêm hiệu ứng nhà kính.

Một vấn đề khác được nêu ra là "một phần của những vật chất hữu cơ này cũng có các loại vi khuẩn chứa diệp lục, cũng như các loại virus đã ngủ đông từ thời tiền sử". Các nhà khoa học cho rằng đánh thức những loại virus này trong một môi trường có kiểm soát là cách khả thi duy nhất để đánh giá bản chất của mối đe dọa có thể có với sức khỏe con người.

Virus 48.500 tuổi sống dậy và mối nguy của biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Đánh thức các virus ngủ đông trong môi trường có kiểm soát là cách thức. Ảnh: Anya Berkut/iStock

Khi băng vĩnh cửu đang che phủ hơn 1/4 diện tích Bắc Bán Cầu, đây rõ ràng là một vấn đề cấp bách. Số lượng sinh vật bị băng giá giam giữ có thể nói là lớn khủng khiếp, và nếu như chúng được thả ra chỉ trong vài thập kỷ thì có thể sẽ dẫn tới những căn bệnh lây nhiễm khủng khiếp với các vật chủ của chúng.

Hệ miễn dịch của tất cả các loài sẽ không thể nào chống chọi được với những loài virus/vi khuẩn mà đã không xuất hiện cả chục nghìn năm. Tất nhiên, hệ miễn dịch rồi sẽ thích ứng để chống chọi lại, nhưng có thể sẽ là quá muộn để ngăn chặn một thảm họa với tất cả các loại vi sinh vật, động thực vật trên Trái Đất.

Nguy hiểm khó lường

Mối nguy từ băng vĩnh cửu thực ra không hề chỉ nằm trong lý thuyết. Ở một vài nơi, những vùng đất băng giá đã bắt đầu tan chảy, và cũng nhờ đó mà giúp cho các nhà khoa học tiếp cận được những mẫu vật có giá trị của động vật Thời Đồ Đá. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy những mẫu vật của loài tê giác có lông đã tuyệt chủng 14.000 năm trước, họ cũng đã tìm thấy phần đầu tương đối nguyên vẹn của một con sói sống cách đây 40.000 năm.

Thậm chí, đất rã băng còn làm cho thị trường chợ đen buôn bán mẫu vật voi ma mút lông trở nên sôi động, đó là bởi những mẫu vật này rất dễ tìm thấy ở những vùng đất vừa rã băng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn nhiều lo lắng khi những loài virus nguy hiểm có thể truyền nhiễm có thể đang ngủ đông ở trong mẫu vật động vật. Một sự việc đáng nêu ra là virus 27.000 tuổi trong nghiên cứu nhắc đến trong bài được lấy trong mẫu vật nằm trong dạ dày của một con ma mút.

Virus 48.500 tuổi sống dậy và mối nguy của biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Mẫu vật voi ma mút lông con có tên Lyuba được tìm thấy ở Siberia. Ảnh: Aaron Tam/AFP/Getty Images

Trong một nghiên cứu đã được đăng tải, Giáo sư Claverie và cộng sự đã nhấn mạnh các loài vi khuẩn và virus cổ đại có thể nguy hiểm ra sao với mọi dạng thức sống ở thời hiện đại. So sánh với các đợt bùng dịch của virus hiện đại, vị giáo sư người Pháp Claverie cho biết rằng "các loại virus cổ đại sống lại có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn nhiều đối với động thực vật, và cả con người. [...] Thật không may là trong những ghi nhận về các đại dịch gần đây, mỗi loại virus mới, kể cả có liên quan đến các họ virus đã biết tới, thường luôn cần phát triển các loại thuốc đặc trị, như thuốc kháng virus hay vắc xin".

Các vùng cực băng giá của Trái Đất hiện nay có thể nói là vắng bóng người sinh sống, nhưng các nhà khoa học cho biết rằng con người đang tới thăm những vùng lạnh này nhiều hơn bao giờ hết, chủ yếu để khai thác các khoáng sản có giá trị cao như dầu, vàng hay kim cương mà thường có rất nhiều tại đây. Với kiểu khai khoáng mỏ lộ thiên, những tầng đất giá băng sẽ bị xới tung và đem lên mặt đất, tức là việc tiếp xúc với những virus cổ đại là một điều không thể tránh được.

Các nhà khoa học khác đã thường xuyên cảnh báo về nguy hiểm khi virus vùng băng giá thoát ra do biến đổi khí hậu, có thể dẫn tới việc con người phơi nhiễm với các mầm mống dịch bệnh có trong nước băng tan.

Chỉ một lượng băng nhỏ tan ra, vì bất cứ lý do nào, cũng có thể giải phóng đủ lượng virus nguy hiểm vào môi trường nơi hàng tỷ sinh mạng đang sống, và liệu có tình huống xấu nào có xảy ra hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM