Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Cách mạng hóa phong cách sáng tạo và trình diễn piano
Chủ nghĩa Lãng mạn trong âm nhạc kéo dài từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, và là thời kỳ đặc trưng bởi âm nhạc có độ phức tạp cao, mang tính cá nhân, chú trọng đến thể hiện cảm xúc. Trong giai đoạn này, Frédéric Chopin (1810 – 1849) là một trong những nhà soạn nhạc tiêu biểu, người đầu tiên khám phá những chiều sâu và độ phức tạp của cảm xúc thông qua các tác phẩm piano. Phong cách sáng tác và trình diễn piano của ông đột phá so với cách chơi đàn phím truyền thống, khác biệt với chất trữ tình cùng cách tiếp cận hòa âm độc đáo, nhấn mạnh các nốt đơn và có biến đổi lớn về tốc độ. Sự sáng tạo của Frédéric Chopin đã góp phần đưa âm nhạc Lãng mạn thời kỳ đầu đạt đến đỉnh cao và giúp đàn piano trở thành nhạc cụ phổ biến nhất thế kỷ 19.
Frédéric Chopin sinh ra tại Warsaw (Ba Lan), từ nhỏ đã được tiếp xúc với piano và bắt đầu đào tạo chuyên nghiệp từ năm 6 tuổi. Ông nhanh chóng bộc lộ tài năng âm nhạc phi thường và được ví như thần đồng âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Sáng tác đầu tiên của ông vào năm 7 tuổi là bản Polonaise, một trong những vũ điệu dân ca quen thuộc của người Ba Lan.
Những năm tiếp theo, Frédéric Chopin tập trung học tập, sáng tạo và biểu diễn âm nhạc. Không giống như hầu hết các nhà soạn nhạc cùng thời, Frédéric Chopin chủ yếu viết các bản nhạc piano độc tấu hơn là các bản giao hưởng hay opera. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng với nỗ lực không ngừng, kỹ thuật sáng tác piano điêu luyện, Frédéric Chopin đã định hình với những sáng tác đột phá, gồm các bản biến tấu trên một chủ đề của vở opera Don Giovanni, bản Nocturne giọng Mi thứ, Op.72 số 1, bản Polonaise giọng Rê thứ, Op.71 số 1…
Đặc biệt, là người yêu thích sự sáng tạo và thử nghiệm, âm nhạc của Frédéric Chopin liên tục phá vỡ các quy ước sáng tác âm nhạc trước đó và bổ sung vào kho tàng âm nhạc hàn lâm thế giới những hình thức mới. Ông tạo ra thể loại âm nhạc mới là Ballade, và cải biên một số thể loại như Nocturnes, Scherzos, Études, Prelude… để tạo ra hiệu quả âm nhạc mới. Trước Frédéric Chopin, thể loại Étude vốn là những bài tập cho người nghệ sĩ luyện kỹ thuật trên đàn piano, nhưng với sự cải biên của ông, Étude đã trở thành những tác phẩm âm nhạc đích thực.
Không dừng lại ở khả năng sáng tác, Frédéric Chopin có kỹ thuật biểu diễn vượt trội. Phá bỏ nhược điểm âm thanh một chiều của piano, bằng kỹ thuật điêu luyện, Frédéric Chopin biểu đạt các tầng cảm xúc khác nhau, từng nốt nhạc như chứa đầy năng lượng và có khả năng khơi gợi thành câu chuyện với nhiều trạng thái từ hạnh phúc thiêng liêng đến rối loạn hiện sinh…
Đồng thời, Frédéric Chopin thường xuyên thử nghiệm ngẫu hứng các nhịp điệu, cấu trúc mới trong các buổi hòa nhạc. Từ đó, ông khám phá ra những ý tưởng âm nhạc mới cùng nhiều kỹ thuật chơi piano khác nhau. Những đổi mới trong cách bấm ngón, sử dụng bàn đạp và xử lý chung đối với phím của Frédéric Chopin đã đưa âm nhạc của ông vượt khỏi phong cách piano truyền thống, tạo nên một cột mốc quan trọng trong lịch sử đàn piano. Hơn hết, các tác phẩm của ông đã trở thành tiêu chuẩn cho loại nhạc cụ này.
Sự sáng tạo vượt thời đại của Frédéric Chopin về phong cách, hình thức âm nhạc, hòa âm đã ảnh hưởng lớn đến các nhà soạn nhạc trong và sau thời kỳ Lãng mạn: Franz Liszt (1811 – 1886), Achille Claude Debussy (1862 – 1918), Gabriel Urbain Fauré (1845 – 1924), Richard Georg Strauss (1864 – 1949)… Đến nay, âm nhạc của ông vẫn được sử dụng rộng rãi trong biểu diễn cũng như đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên khắp thế giới.
Biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc trong âm nhạc
Thời kỳ âm nhạc Lãng mạn nổi bật với xu hướng âm nhạc mang tinh thần dân tộc. Các nhà soạn nhạc nỗ lực truyền tải âm hưởng tượng trưng cho quê hương, truyền thống dân tộc và các chủ đề về giải phóng đất nước. Là một trong những nhà soạn nhạc đầu tiên kết hợp yếu tố âm nhạc dân tộc vào tác phẩm piano, Frédéric Chopin đã biến hóa những giai điệu truyền thống dân gian Ba Lan trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa dân tộc trong âm nhạc.
Khi là sinh viên tại Nhạc viện Warsaw, Frédéric Chopin cùng bạn bè tham gia các kỳ nghỉ và buổi biểu diễn trên khắp Ba Lan. Theo những chuyến đi, ông được tiếp xúc trực tiếp với âm nhạc dân gian vùng đồng bằng Ba Lan và khởi lên niềm yêu thích mãnh liệt. Frédéric Chopin quyết tâm khám phá, nghiên cứu âm nhạc dân gian và truyền thống Ba Lan chuyên sâu hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào trước đó.
Đặc biệt, hàng quán cà phê Ba Lan là điểm đến quen thuộc của Frédéric Chopin trong tiến trình nghiên cứu âm nhạc dân gian và truyền thống Ba Lan. Ông thường xuyên lui tới các quán cà phê ở khu vực Miodowa, Kozia và Krakowskie Przedmiescie để gặp gỡ bạn bè có cùng đam mê, thảo luận về văn hóa, truyền thống nước nhà và cập nhật tin tức, bài phê bình về âm nhạc, sân khấu mới nhất.
Là không gian phản ánh sinh động đời sống xã hội của người Ba Lan, và là trung tâm thảo luận các vấn đề văn hóa, chính trị, nghệ thuật, những hàng quán cà phê như: Honoratka, Pani Brzezińska, Pod Kopciuszkiem, Dziurka và Wiejska Kawa… trở thành không gian yêu thích của Frédéric Chopin. Nơi đây đã diễn ra những buổi trò chuyện, quan sát, trao đổi tri thức giúp Frédéric Chopin thu nạp một lượng lớn kiến thức về văn hóa, truyền thống của quê hương Ba Lan, góp phần định hình sự nghiệp âm nhạc của ông.
Kết hợp giữa hòa âm và các vũ điệu dân gian Ba Lan như Mazurek, Kujawiak, Polonaise, Oberek… vào tác phẩm piano, Frédéric Chopin đã tạo nên nét đặc trưng trong phong cách âm nhạc của mình. Cũng từ đây, các thể loại âm nhạc dân gian truyền thống được phổ biến trong các phòng hòa nhạc và ghi dấu trên bản đồ âm nhạc châu Âu.
Đồng thời, cà phê quả sồi, một thức uống truyền thống của người Ba Lan được Frédéric Chopin yêu thích. Được pha chế cùng gia vị, đinh hương và mật ong, cà phê quả sồi được xem là nguồn năng lượng đặc biệt thúc đẩy tinh thần sáng tạo, sự năng động và tỉnh thức để Frédéric Chopin trở thành nhà soạn nhạc vĩ đại, cũng như chống chọi trong thời gian bạo bệnh cuối đời.
Ảnh hưởng bởi các sự kiện chính trị, năm 1831, Frédéric Chopin cùng phần lớn giới tinh hoa di cư đến Pháp. Cuộc sống tha hương càng làm sâu sắc tình cảm của Frédéric Chopin đối với quê hương và thúc đẩy khát vọng tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa của đất nước thông qua âm nhạc.
Luôn đau đáu về quê hương, Frédéric Chopin sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Ba Lan cùng kỹ thuật piano điêu luyện, sáng tác nên các tác phẩm thể hiện ý chí, tinh thần dân tộc và cảm xúc đa chiều của người dân Ba Lan, từ nỗi đau thương bi thảm của sự áp bức đến khí thế anh hùng giành quyền tự do. Các tác phẩm tiêu biểu có thể kể tới như Fantasy on Polish Airs hay Revolutionary Étude.
Sự biểu đạt chiều sâu cảm xúc và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, đã giúp các sáng tác của ông trở thành biểu tượng cho bản sắc và niềm tự hào dân tộc Ba Lan, và đưa Frédéric Chopin trở thành đại diện hàng đầu của chủ nghĩa dân tộc trong lịch sử âm nhạc thế giới. Tinh thần dân tộc trong âm nhạc của Frédéric Chopin mạnh mẽ đến mức vào thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã đã nghiêm cấm biểu diễn những bản Polonaise của ông tại Ba Lan, vì e ngại tính biểu tượng dân tộc ẩn chứa trong tác phẩm.
Thời gian sống tại Pháp, Frédéric Chopin luôn giữ niềm yêu thích đối với ẩm thực truyền thống Ba Lan, đặc biệt là cà phê quả sồi. Ông cũng thường xuyên tham gia các hoạt động gặp gỡ bạn bè, những nhân vật nổi tiếng, cùng ăn uống, trò chuyện và trao đổi âm nhạc tại các quán cà phê Cafe de Foy, Cafe Tortoni…
Sự cởi mở trong tính cách và âm nhạc tuyệt vời của Frédéric Chopin đã giúp ông tìm được nhiều cơ hội để thể hiện tài năng của mình và đạt được danh tiếng tại Pháp. Ông cũng nhận được sự tán dương của những nhân vật trong giới nghệ thuật Paris như nhà soạn nhạc Robert Schumann (1810 – 1856), Giacomo Meyerbeer (1791 – 1864), Hector Berlioz (1803 – 1869)… Trong thế kỷ 20 và 21, các tác phẩm của Frédéric Chopin vẫn luôn được hâm mộ và là chủ đề cho rất nhiều phim, sách, ảnh và tiểu sử dưới nhiều góc độ lịch sử khác nhau.
Mặc dù trải qua cuộc đời ngắn ngủi, nhưng Frédéric Chopin đã đóng góp những thành tựu vĩ đại cho lịch sử âm nhạc thế giới, từ bậc thầy về biểu đạt chiều sâu cảm xúc, đổi mới các thể loại âm nhạc, cách mạng hóa kỹ thuật piano, đến biểu tượng dân gian và niềm tự hào dân tộc của người Ba Lan. Đặc biệt, trong tiến trình sáng tạo âm nhạc vượt thường của Frédéric Chopin, cà phê và hàng quán cà phê đã góp phần thúc đẩy tư duy sáng tạo và định hình phong cách âm nhạc độc đáo của Frédéric Chopin, qua đó đưa âm nhạc thời kỳ Lãng mạn đạt đến đỉnh cao, xây dựng nên các chuẩn mực âm nhạc trường tồn.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Cà phê và sự hình thành các thuật ngữ đặc biệt