Vì sao ông Trump phải mời bằng được Nga vào "liên minh quốc tế không Trung Quốc"?

Thu Ngọc | 03-06-2020 - 10:46 AM

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga tham gia cuộc họp thượng đỉnh 7 nước công nghiệp nhất thế giới (G7) sắp tới - theo SCMP.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho rằng, động thái này nằm trong nỗ lực của ông Trump nhằm thành lập một nhóm nước kiềm chế Trung Quốc.

Tổng thống Trump không nói liệu ông có muốn nhóm G7 trở thành nhóm G11 vĩnh viễn hay không, nhưng cho biết muốn mời cả 4 bốn quốc gia trên tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và nhấn mạnh rằng ông cảm thấy nhóm này đã trở nên “rất lạc hậu”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah nói ông Trump muốn hội nghị thượng đỉnh thảo luận vấn đề Trung Quốc, sau khi căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề như cách ứng phó đại dịch Covid-19 và luật an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hồng Kông.

Hàn Quốc và Australia là các đồng minh lâu đời của Mỹ đã ủng hộ kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19, cũng như thể hiện quan ngại về luật an ninh Hồng Kông.

Ấn Độ, quốc gia giữ vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington, cũng đang có một loạt các bất đồng với Trung Quốc, bao gồm vấn đề tranh chấp biên giới ở Ladakh.

Vì sao ông Trump phải mời bằng được Nga vào liên minh quốc tế không Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và đồng cấp Nga Vladimir Putin họp báo sau hội nghị thượng đỉnh song phương tại Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018 (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Nga - nước đang xây dựng quan hệ đối tác kinh tế chiến lược với Bắc Kinh và bị rút tư cách thành viên của G8 từ sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 - đang cân nhắc việc tham gia một tổ chức do Mỹ lãnh đạo. Tuy vậy, ông Trump nhiều lần đề nghị khôi phục tư cách thành viên cho Moscow do tầm quan trọng chiến lược của quốc gia này trên thế giới.

Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cho biết tổng thống Trump đang cố gắng huy động sự hỗ trợ từ các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc.

"Mục đích của nhóm này rất dễ hiểu. Đó là cô lập Trung Quốc. Động thái này sẽ chỉ là điểm khởi đầu, và sẽ còn nhiều biện pháp hạn chế trong tương lai," ông Ni nói.

John Lee, thành viên cao cấp tại Viện Hudson ở Washington, cho biết Mỹ "có thể đang tìm cách thúc đẩy một chương trình nghị sự đánh giá trách nhiệm Trung Quốc trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19".

Với sức mạnh kinh tế gia tăng vượt bậc trong thập kỉ qua, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng tầm ảnh ảnh hưởng trong các thể chế và nền tảng đa phương. Đây là mối lo ngại ngày càng tăng ở Washington. Mới đây, Trump cáo buộc Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên ông đã quyết định rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Vì sao ông Trump phải mời bằng được Nga vào liên minh quốc tế không Trung Quốc? - Ảnh 2.

(Ảnh: DPA)

Một liên minh quốc tế "không Trung Quốc"

Ý tưởng mở rộng G7, với các thành viên hiện tại là Mỹ, Ý, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và Canada, có thể là nỗ lực mới nhất của Washington để thành lập một liên minh quốc tế mà không có Trung Quốc.

Ông Wang Wen, trưởng khoa điều hành tại Viện nghiên cứu tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết, Mỹ sẽ không thể thành lập "một chiến tuyến chiến tranh lạnh toàn cầu chống lại Trung Quốc".

"Một điều hoàn toàn chắc chắn rằng sức mạnh mềm và khả năng lãnh đạo của Mỹ đang bị suy giảm rất nhiều. Tầm ảnh hưởng của siêu cường số 1 thế giới trong các vấn đề toàn cầu sẽ ngày càng suy yếu," ông Wang nói. Ông trích dẫn tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Mỹ.

"Các quốc gia khác không muốn chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Chỉ có lãnh đạo Mỹ tưởng tượng rằng Washington có thể xây dựng một liên minh chống Trung Quốc mà thôi."

Ông Wang cho rằng việc hoãn hội nghị thượng đỉnh G7 đã phản ánh Mỹ không kiểm soát được đại dịch Covid-19 hiệu quả. Ông chủ Nhà Trắng hy vọng tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 để thể hiện “sự bình thường hóa”, nhưng phải hoãn kế hoạch sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo không tham dự.

Thời gian của cuộc họp thượng đỉnh này đã được lùi ít nhất là tháng 9.

Tham vọng của Mỹ là "hão huyền"?

Ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nghi ngờ khả năng Mỹ có thể xây dựng thành công một liên minh chống Trung Quốc. Ông cho rằng ý tưởng chia rẽ quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là “hão huyền”.

“Ấn Độ sẽ không đồng quan điểm với Mỹ. Mối quan hệ của Trung Quốc với Hàn Quốc đang thực sự được cải thiện,” ông Wu nói với SCMP.

Đồng thời, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh địa chính trị, kinh tế và công nghệ, cùng với chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn của nước này, đang thúc đẩy mối quan tâm của các nước tìm kiếm điểm tương đồng trong nhận thức vềTrung Quốc.

Hôm thứ Sáu, 29/5, nước Anh cho biết họ đang hối thúc Mỹ thành lập một câu lạc bộ gồm 10 quốc gia phát triển riêng công nghệ mạng không dây 5G và giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, nước Mỹ đã đề xuất một sáng kiến mới tinh được gọi là Mạng thịnh vượng kinh tế tập hợp các quốc gia và doanh nghiệp hoạt động "dựa trên cùng tập hợp các giá trị chung".

Shahar Hameiri, phó giáo sư tại Trường Khoa học Chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Queensland, cho biết "có căn cứ để giả định" rằng đề xuất của Trump về việc mở rộng G7 có liên quan đến sự đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có lẽ chúng ta đang ở thời điểm mà sự chia rẽ giữa hai cường quốc, Mỹ và Trung Quốc, đang là tiền đề để phát triển các nền tảng hoạch định chính sách hoặc các tổ chức quốc tế mới không có Trung Quốc.

Phó giáo sư Shahar Hameiri

Hameiri nói thêm rằng Bắc Kinh có thể hứng chịu “một đòn đánh mạnh”, nếu bị loại ra khỏi bất kỳ sáng kiến ​​mới nào do Mỹ khởi xướng nhằm “chuyển hướng sang một hình thức tổ chức kinh tế quốc tế mới không giống với hệ thống hiện tại mà Trung Quốc đang hưởng lợi”.

Tuy nhiên, ông không nói rõ rằng các quốc gia khác trong nhóm có “hào hứng” thuận theo xu hướng này và liệu có sự thay đổi đáng kể nào trong nhóm G7 không. Các thành viên G7 đều có sự phụ thuộc nhất định về lợi ích kinh tế và thương mại với Trung Quốc, nên sẽ khó đạt được sự đồng thuận trong việc cô lập và kiềm chế Trung Quốc.

Quan hệ Australia và Trung Quốc là một ví dụ. Dù hai nước có bất đồng do Canberra ủng hộ đề xuất điều tra nguồn gốc Covid-19, song Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Ông James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết các quan chức xứ chuột túi sẽ rất thận trọng với đề xuất của tổng thống Trump.

"Hành động này cho thấy ông Trump công khai huy động một nhóm chống lại Trung Quốc, và đang cố thuyết phục Nga tham gia nhóm mới, một quốc gia mà Australia trước đã công khai chỉ trích trước đây. Tôi thấy kế hoạch này không khả thi," ông Laurenceson nói.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.