Vì sao doanh nghiệp Việt không mặn mà với việc xây dựng trải nghiệm nhân viên?

Nhật Anh | 12-11-2020 - 07:52 AM

(Tổ Quốc) - Trải nghiệm nhân sự là khái niệm không mới, nhưng tại Việt Nam hiện nay, đa số doanh nghiệp chú trọng đến xây dựng trải nghiệm khách hàng hơn là để ý tới trải nghiệm của nhân viên trong công ty.

Trải nghiệm nhân viên (Employee eXperience) được giải thích là các điểm chạm, sự tương tác, kết nối giữa nhân viên và công ty xuyên suốt quá trình làm việc của họ.

Theo nghiên cứu của KennedyFitch, doanh nghiệp, nếu xây dựng trải nghiệm nhân sự tốt, có thể đạt được 4 lợi ích sau: Tối ưu nguồn lực của doanh nghiệp, có những lợi thế cạnh tranh riêng, trải nghiệm khách hàng tăng cùng trải nghiệm nhân viên và phát triển được chiến lược số

Thực tế ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng trải nghiệm nhân sự nhưng chưa thấy rõ hiệu quả. Điều này được chứng minh trong báo cáo "Trải nghiệm nhân viên Việt Nam 2020: Hiện tại và những điều có thể làm trong tương lai" do ACheckin thực hiện. Báo cáo cho thấy, trải nghiệm nhân viên Việt Nam nhìn chung dừng ở mức độ khá, chưa có phần trải nghiệm nào chạm đến mức tốt. Ngoài ra, trải nghiệm về cơ hội phát triển tiệm cận mức tệ (57%).

"Làm trải nghiệm nhân sự ở Việt Nam hiện nay có nhiều khó khăn bởi tư duy của người lãnh đạo còn nghĩ rằng điều đó cần thiết hay không, chưa có nhân sự chuyên biệt phụ trách và thường HR sẽ phải kiêm nhiệm và rào cản về chi phí đầu tư môi trường vật lý của doanh nghiệp", bà Dương Thuý Quỳnh, Giám đốc truyền thông Navigos Group Việt Nam lý giải tại Talkshow Trải nghiệm Nhân viên - Hàn trình từ Tốt đến Tuyệt vời do Acheckin tổ chức.

Cũng theo báo cáo của đơn vị này, có tới 40% giám đốc nhân sự và quản lý cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp chưa từng đọc, nghiên cứu về trải nghiệm nhân viên. Chỉ có 21% doanh nghiệp có vị trí quản lý chuyên trách về trải nghiệm nhân viên.

Việt Nam đang thiếu rất nhiều tài liệu về cách xây dựng trải nghiệm nhân viên bài bản và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Vì vậy, nếu doanh nghiệp làm bản năng, xây dựng trải nghiệm theo dạng manh mún, nhỏ lẻ mà không có chiến lược, bài bản thì rất lãng phí về chi phí, thời gian, con người.

Vì sao doanh nghiệp Việt không mặn mà với việc xây dựng trải nghiệm nhân viên? - Ảnh 1.

Xây dựng trải nghiệm nhân viên bắt đầu từ việc lãnh đạo phải có niềm tin và tích cực lắng nghe nhân viên

Các chuyên gia cho rằng nếu có điều kiện, chủ doanh nghiệp nên đầu tư vào môi trường vật lý để nhân viên hào hứng hơn khi đến làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, cần cân đối giữa khả năng tài chính và việc xây dựng trải nghiệm bởi mục tiêu không phải để công ty trở nên quá bắt mắt mà là tạo cảm hứng làm việc cho nhân sự.

Ngoài ra, điều các chuyên gia nhấn mạnh đó là cần phải lắng nghe nhân viên một cách trọn vẹn để thấu hiểu và có quyết định đúng. Bên cạnh hai yêu tố là trải nghiệm công việc và trải nghiệm môi trường, lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm trải nghiệm "0 đồng" bằng cách tích cực truyền cảm hứng cho nhân viên, ví như trao cho họ sự tin tưởng, động viên, tình cảm gần gũi, thực tâm mong nhân sự tốt lên,...

Để trải nghiệm nhân sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp phải thật sự hiểu, coi trong hoạt động này trong quá trình gây dựng công ty.

Đại diện Navigos Search Việt Nam chia sẻ: "Lãnh đạo phải hoàn toàn hiểu họ mất những nhân sự tài năng thì doanh thu, lợi ích của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, ví như có thể đánh mất thông tin, và nhiều "nỗi đau" khác. Họ cần cam kết về mặt thời gian, cam kết về tài chính, vì tài chính cũng góp phần mang lại trải nghiệm nhân viên hiệu quả. Để giúp lãnh đạo nhìn rõ vấn đề có thể sử dụng phương pháp lượng hoá bằng ROI (Return On Investment) tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư tức là chi phí mất đi khi nhân tài rời bỏ, và chi phí kiếm ra được khi họ có được nhân tài".

Trong khi đó, ông Phạm Công Trình, Giám đốc Công nghệ của Vua Nệm tiết lộ lãnh đạo đơn vị này luôn coi trải nghiệm nhân sự là vũ khí cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường.

"Chiến lược về giá, sản phẩm, marketing... đều có thể bị copy tuy nhiên văn hóa doanh nghiệp. trải nghiệm nhân sự là thứ không thể copy được. Vì có yếu tố con người trong đó. Chừng nào nhóm người gốc gác ban đầu còn ở lại văn hóa này sẽ không bao giờ mất đi".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM