Sông Tô Lịch (sông Tô) là một con sông nhỏ, vốn là một nhánh nhỏ của sông Hồng, dẫn nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ. Sông Tô Lịch của hiện tại dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng, đường Khương Đình, đường Kim Giang về phía Nam rồi chuyển dòng sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ đoạn thuộc Hữu Hòa, Thanh Trì.
Sự đặc biệt của dòng sông Tô không chỉ vì nó nằm giữa Thủ đô, uốn quanh ôm lấy vùng đất ngàn năm văn hiến, cất giữ bao giá trị lịch sử văn hóa từ thuở xưa. Mà nó còn đau đáu một thực trạng: Ô nhiễm nghiêm trọng.
Bởi thế mới có câu:
“Tất cả dòng sông đều chảy", Tô Lịch thì không!
Không chỉ có hơn 280 cửa xả nước thải mà theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Bùn đen, rác thải quện đặc quánh yếm khí đến mức rêu không mọc được. Mùi nước sông bốc lên hôi thối, nồng nặc, đặc biệt khi những ngày hè oi ả về, cá chết ngửa bụng, bọt khí lềnh bềnh mặt sông.
Nhiều thập kỷ nay, các đề án cải tạo sông Tô Lịch vẫn chưa có tác dụng. Người ta đành “bó tay”, sông Tô “chết dần chết mòn”.
Vào năm 2008, trận lũ lụt lịch sử ngày ấy đã khiến người dân Hà Nội kinh ngạc một phen khi nước sông Tô “trong vắt”. Bởi vậy, người ta lại nuôi mầm hi vọng có thể thau rửa được nước sông, khiến chúng xanh hiền hòa trở lại.
Năm 2009, Hà Nội có đề án dùng nước sông Hồng thau rửa sông Tô Lịch. Theo đề án này, nước sông Hồng sẽ được dẫn dòng vào sông Tô nhằm giảm nồng độ ô nhiễm, qua đó làm sống lại dòng sông này. Nhưng đây lại là bài toán khó, chưa thể nghiệm thu.
Việc tách nước thải và tạo được dòng chảy cho sông Tô giữa điều kiện địa chất lẫn tự nhiên thay đổi do đô thị hóa chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Mười năm sau, vào tháng 5/2019, Hà Nội lại thí điểm phương án làm sạch nước sông Tô bằng công nghệ nano-bioreactor do Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật - Việt (JVE) đảm nhận. Một tháng sau, báo cáo kết quả thí điểm cho thấy các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi cũng giảm đáng kể, nước có dấu hiệu trong xanh hơn.
Nhưng, việc khoanh vùng thí điểm tại một khu vực tù đọng không mang lại kỳ vọng nếu áp dụng vào dòng chảy thực tế và lượng nước thải liên tục xả ra từ khu dân cư hàng trăm mét khối mỗi ngày.
Đến giữa tháng 7/2019, thành phố xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây cũng phần nào giúp nước sông Tô Lịch được cải thiện. Hành động này đã gây thiệt hại đáng kể cho dự án cải tạo nước của JVE trước đó.
Dòng sông Tô đã có những lúc trong xanh, mát lành như thế này.
Các đề xuất cải tạo vẫn được đề ra, đáng chú ý gần đây là hội thảo khoa học quốc gia về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch vào tháng 7/2022.
Theo đề xuất này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE cho biết nhiều năm nay Hà Nội đã và đang thực hiện một số dự án cải tạo sông. Dựa vào kinh nghiệm thi công, phía JVE đề xuất làm bốn năm xong tuyến hầm ngầm chống ngập với chiều dài khoảng 11 km. Hầm ngầm này sẽ giúp sông Tô Lịch thoát được lượng nước mưa lớn, đảm bảo khu vực xung quanh không bị ngập cục bộ. Qua đó, cũng sẽ trả lại sự sạch đẹp cho dòng nước sông Tô.
Mô hình cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh". (Ảnh tư liệu)
Ở đâu đó, khi kế hoạch cải tạo sông chưa thành, có người đề xuất là “cống hóa” (lấp sông) sông Tô Lịch khiến dư luận dậy sóng. Khi ấy, nhà sử học nổi tiếng GS. Lê Văn Lan cũng phải thốt lên rằng:
“Hãy về đọc lịch sử Tô Lịch! Đọc đi! Để những ai lăm le giết chết dòng sông này phải dừng lại, để không hổ thẹn với cha ông nghìn đời trước và con cháu nghìn đời sau”.
Vì sao chúng ta nặng lòng muốn cải tạo sông Tô Lịch đến vậy?
Không phải tự nhiên, nhắc đến sông Tô trong quá khứ, người ta lại nhức nhối cõi lòng đến vậy. Nếu từng đặt trên đến và sống tại mảnh đất nghìn năm văn hiến, từng hít khí trời, chạm ánh nắng đầy linh khí này, tần suất hai từ Tô Lịch xuất hiện trong cuộc sống chúng ta phải đến quá nửa đời người.
Bởi, dòng sông Tô, vô cùng đặc biệt.
Hà Nội có đặc trưng của thành phố sông (ville-fleuve). Khái niệm “tứ giác nước” của cố GS. Trần Quốc Vượng được giới khoa học đánh giá cao khi là điểm sáng nghiên cứu về lịch sử sông Tô.
Theo GS, “Tứ giác nước Thăng Long” bao gồm cạnh phải tứ giác là sông Hồng, cạnh đáy dưới là sông Kim Ngưu, cạnh trái và trên cùng đều là sông Tô Lịch. Theo thời gian, phần sông Tô Lịch cạnh trên, từ đường Bưởi dọc đường Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng đã bị “cống hóa” (lấp). Theo khái niệm này, kinh đô Thăng Long được bao bọc bởi bốn con sông hoặc nhánh sông mà chúng gặp gỡ, kết nối thành bốn cạnh tự nhiên của tứ giác nước.
"Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này"
Theo sử sách xưa, thời kỳ khởi nguyên, dòng sông Tô có thể thông với sông Hồng bằng một số cửa. Rồi cũng bị phù sa lấp dần. Sau đó từ thời Lý đến thời Lê, cửa chính của sông Tô Lịch là Giang Khẩu (vị trí phố Chợ Gạo bây giờ).
Trải qua bao thăng trầm, bãi bể nương dâu, chẳng ai nghĩ phố xá đông đúc bây giờ của Hà Nội lại từng có mạng lưới giao thông đường thủy với thuyền bè tấp nập đến tận cửa như vậy. Ngày ấy, các thương lái có thể từ sông Đáy vào sông Nhuệ rồi vào thành bằng sông Tô. Và ngược lại, ra biển cũng rất dễ dàng. Đây là một ngọn nguồn để giải thích cho phố phường Hà Nội xưa tại sao nhà lại hẹp mà chạy dài đến vậy. Bởi ngay sau nhà, có thể là bến thuyền tấp nập vào ra.
Nhờ được dung dưỡng bởi nguồn nước khổng lồ của sông Hồng, sông Tô đã trở thành con đường huyết mạch kinh tế giúp kinh thành Thăng Long trở thành trung tâm sầm uất. Ngay cửa sông là thương cảng, trên bến dưới thuyền những chặng hàng hóa nối tiếp nhau. Các vạn làng từ ấy mà đông đúc hơn. Ngay cả khi quân Chiêm Thành tấn công kinh thành, thuyền chiến chạm hẳn vào bến Thái Tổ trên sông Tô. Vào tận đến thành như vậy, sông Tô ngày ấy hẳn là sâu và rộng lắm.
Các cửa sông và dòng chảy thay đổi, cộng thêm lượng phù sa dồi dào từ sông Hồng bồi lắng, ụ đắp tại các cửa phân lưu đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống. Có những khi người dân phải nạo vét, khơi dòng. Ấy là khi dòng sông Tô làm tròn tình nghĩa nối hai bờ Đông Tây kinh thành.
Sự hưng thịnh, tấp nập ấy tồn tại đến khi thực dân Pháp lấp sông Tô từ Thụy Khuê qua Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược rồi phố Ngõ Gạch. Cho đến năm 1889, sông Tô Lịch chỉ còn là một con sông không có cửa vào! Dòng sông Tô tấp nập cuộn sóng ấy trở thành một "con mương dài" phẳng lặng, nằm chờ chết.
Dòng sông Tô xưa kia thông ra sông Hồng, là huyết mạch giao thương phát triển kinh tế mạnh mẽ, sầm uất. (Ảnh tư liệu)
Sông Tô Lịch - Long mạch trấn giữ đất Thăng Long
Chẳng có một nền văn minh nào được hình thành mà không cần đến "phong thủy" - "sông nước". Kinh thành Thăng Long cũng vậy. Là điểm sáng của nền văn minh châu thổ sông Hồng, phù sa lẫn trầm tích sông Hồng lắng đọng, bồi đắp hàng nghìn năm đã tạo nên một Thăng Long - Kẻ Chợ hào hùng, một Hà Nội thịnh vượng từ xa xưa.
Những văn tịch cổ đã thể hiện dấu ấn của dòng sông Tô rất đậm nét. Ngay từ Đại Việt sử ký toàn thư, Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ có nhắc đến: "Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thinh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
Hay trong Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ có nhận xét: "Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này".
Đúng như vậy, "dải đai thắt" ấy chính là sông Tô Lịch - một trong những thế phong thủy tụ huyệt long mạch tỏa linh khí nuôi dưỡng đất Việt phồn vinh. Theo dòng lịch sử cho thấy, Thăng Long vẫn là kinh đô của nhà Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng và hiện đang là Thủ đô của nước ta.
Khai sinh hai chữ “Tô Lịch”
Tìm ngược về quá khứ khai sinh của dòng sông Tô phải nói đến làng Long Đỗ. Thời xưa, xưa lắm, từ những năm đầu Công nguyên, giữa vùng châu thổ đầy ắp phù sa bồi tụ có một khu đất xanh tốt, cao ráo mà dân gian vẫn gọi là núi Nùng (nùng nghĩa là tươi tốt). Giữa núi Nùng có một huyệt đạo nên sử xưa gọi là núi Long Đỗ (nghĩa là rốn rồng).
Cũng khi ấy, có nhóm người Việt cổ xuôi theo dòng sông Cái gặp vùng đất cao ráo ở núi Nùng, vì thế mà lập làng định cư. Ngôi làng cổ ấy cũng chính là tiền thân của kinh đô Thăng Long.
Tương truyền, đứng đầu là già làng sống nhân đức, tình nghĩa họ Tô tên Lịch. Sử cũ còn ghi: "Tô Lịch ở hương Long Đỗ là người tử tế, sống "ngũ đại đồng đường" mà vẫn êm ả. Khi gặp cảnh đói kém, đem hết của cải trong nhà ra giúp mọi người".
Khi Tô Lịch qua đời, để nhớ công đức của ông, dân làng đã lấy tên ông đặt cho con sông chảy trước làng. Hai chữ Tô Lịch từ ấy mà ra. Và cũng từ dân gian, "cặp bài trùng" núi Nùng sông Tô thành biểu tượng phong thủy địa linh - nơi ắt sinh nhân kiệt của kinh thành.
Năm 825, quan đô hộ Lý Nguyên Hỷ thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế khả quan mới tìm chỗ cao ráo để dời phủ lỵ đến. Nhân cơ hội ấy, quan đô hộ tiết trâu đặt rượu, mời các kỳ lão hương thôn đến ăn uống, rồi thuật chuyện tâu xin phong Tô Lịch làm thành hoàng thì trên dưới một lòng, đồng tình tất thỏa thiếp.
Đến năm 866, Cao Biền sang cai trị đất Việt, xây thành Đại La đã tôn thành hoàng Tô Lịch làm "Đô phủ Thành hoàng thần quân", tức là vị thần đứng đầu các Thành hoàng của phủ đô.
Điều này cho thấy, từ lát cắt dòng thời gian thì dòng sông Tô đã "đóng đô" trong lịch sử kinh thành, đóng vai trò quan trọng trong tâm thức của người Việt từ thuở ấy.
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, tôn thần làng Long Đỗ làm Bảo Quốc Trấn Linh Định Bang Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương, tức là vị Đại vương làm thần bảo hộ của Kinh đô Thăng Long.
Đền Bạch Mã nơi phụng thờ Bảo Quốc Trấn Linh Định Bang Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương. (Ảnh tư liệu)
Việt Điện U Linh tập có dẫn:
"Theo Cương Mục thì Tô Lịch là một nhánh của sông Nhị. Theo Thanh Nhất Thống Chí, sông Tô Lịch đi từ phía đông thành phủ Giao Châu chuyển sang phía Bắc rồi đi sang phía Tây thẳng đến sông Nhuệ. Xưa kia có người tên là Tô Lịch ở đấy, cho nên gọi sông ấy là sông Tô Lịch. Hồi đầu niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, Hoàng Phúc cho đào thêm, nhân đổi tên là sông Lai Tô. Nay ở phía đông tỉnh Hà Nội, huyện Thọ Xương có một cửa sông, đấy là chỗ phân lưu từ sông Nhị".
Tương lai nào cho ngọn nguồn văn hóa?
Trở về 2000 năm về trước, dòng sông Tô chuyên chở nhiều ký ức tươi đẹp của một dòng sông trù phú. Sách xưa cho biết, sông Tô ban đầu dài 30km, vừa sâu rộng, vừa lênh láng nước trong xanh, mát rượi.
Khi ấy, giao thương vừa nhộn nhịp, vừa tấp nập trên bến dưới thuyền. Chợ Đông Bạch Mã hồi đó nổi tiếng cả nước.
Đến thời Lý-Trần, các vua còn đi dạo chơi trên sông bằng thuyền rồng. Dọc theo sông Tô ngày ấy có nhiều cầu, đình am hai bên. Chuyện kể rằng, có lần vua dạo chơi trên sông Tô, đến cầu Mọc thì ghé vào đình vãn cảnh, quanh đình có cổ thụ sum suê, phong cảnh hữu tình đi vào cả câu ca:
"Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya"
Ngày tập nấp bán buôn hay vãn cảnh, đêm ngắm trăng đón sương sớm - những điều ấy nhìn về thực tại, có lẽ chẳng ai dám thở mạnh mà tưởng tượng điều ấy.
Mà từ việc nạo vét, sửa sang dòng sông Tô ấy đã tạo ra không biết bao điều kỳ bí, chẳng hạn như sự kiện "thánh vật sông Tô Lịch" gây nhiều hoang mang cho dư luận. Thực chất, lịch sử của dòng sông Tô không phải hình thành từ một sớm một chiều, mà bão táp năm tháng đã đi qua bao đời vua, bao nền văn mình từ xưa, từ khi Hà Nội vẫn còn là vùng lầy lội, ngập nước.
Người ta còn gọi là vịnh Hà Nội kìa.
Sau khi phù sa bồi đắp, những gò đất cao ráo dần nổi lên. Tương truyền hồi ấy phải có đến 12 đến 13 gò đất giữa hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng châu thổ. Khi ấy, có người còn cho rằng gò Đống Đa cũng là một trong những gò cao như vậy. Nhưng chẳng mấy ai để ý vì sự chú tâm đang dồn hết vào vị thành hoàng làng Long Đỗ tên hai chữ Tô Lịch kia.
Khi đã hiểu thêm về Tô Lịch, người ta sẽ thôi không hỏi về việc "Ai đã đặt tên cho dòng sông" nữa. Mà người ta muốn hỏi "Ai đã chặt đứt sự sống của dòng sông?"
Bao đời người dân kinh kỳ thịnh suy theo dòng nước, mà cũng phải cứa lòng nhìn người Pháp lấp sông, "bức tử" con sông tình nghĩa ấy vào năm 1889. Lấp rồi, "cống hóa" nữa, dòng sông Tô đã bị người Pháp bội bạc từ ngày ấy, héo mòn và "ốm" đến tận giờ.
Nếu một mai không còn dòng sông Tô nữa, sợi dây nào sẽ nối mạch quá khứ, hiện tại và tương lai để con cháu nghìn đời nhớ về lịch sử của cha ông? Và nếu dòng sông cứ "ốm" mãi, có phải những gì phù sa bồi đắp vài nghìn năm ấy sẽ phải vùi mình dưới bùn đen tù đọng?