Phải tới tận năm 21 tuổi (mùa giải 2008/09), Leo Messi mới được khoác chiếc áo số 10 của Ronaldinho sau khi siêu sao người Brazil rời Camp Nou và gia nhập AC Milan. Trong khi đó, Fati được mặc áo số 10 mang tính biểu tượng vĩ đại của Messi khi chân chạy cánh sinh năm 2002 thậm chí còn chưa bước sang tuổi 19.
Messi phải chơi 4 mùa giải (2004/05-2007/08) để được mặc áo số 10 tại Barca. Còn Fati chỉ cần 2 mùa (2019/20 và 2020/21).
Điều đó khiến Barca phải nhận nhiều bình luận tiêu cực từ người hâm mộ. Nhưng vì sao đội bóng áo đỏ lam lại làm như vậy và liệu, Barca có đáng bị chỉ trích hay không?
Luật La Liga
Có vô số ý kiến yêu cầu Barca phải treo vĩnh viễn áo số 10 của Messi. Rõ ràng, siêu sao người Argentina hoàn toàn xứng đáng với sự tri ân đặc biệt này vì anh là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử Barca.
Nhưng ban tổ chức La Liga không phải fan hâm mộ của "Gã khổng lồ xứ Catalan". Điều luật giải quy định, mọi câu lạc bộ bắt buộc phải đăng ký số áo từ 1 đến 25. La Liga không cấm Barca treo áo số 10 của Messi, nhưng nếu làm điều đó, đội bóng của chủ tịch Joan Laporta chỉ được đăng ký tối đa 24 cầu thủ cho mùa giải mới, thay vì 25.
Như vậy, Barca phải chấp nhận thiệt quân nếu để trống áo số 10 của Messi. Chịu mất 1 cầu thủ trong cả 1 mùa giải chỉ vì 1 số áo. Liệu điều đó có đáng để Barca hy sinh hay không?
Ai xứng đáng hơn Fati?
Nhìn vào đội hình hiện tại của Barca, thật khó để tìm được cái tên nào đó xứng đáng hơn Fati - sản phẩm nổi bật nhất của lò đào tạo trẻ La Masia ở thời điểm hiện tại (chỉ tính những cầu thủ đang chơi cho Barca).
Cầu thủ gốc Guinea-Bissau còn giống Messi ở một điểm, cả 2 người họ đều trưởng thành từ La Masia. Thậm chí, thời gian Fati gắn bó với La Masia (2012-2019) còn nhiều hơn cả Messi (2000-2003).
Video công bố áo số 10 của Fati
Messi được coi là cầu thủ mang đậm bản sắc, truyền thống của Barca, là niềm tự hào của La Masia khi mới tiếp nhận áo số 10 và Fati cũng như vậy. Cầu thủ người Tây Ban Nha cũng được đánh giá là bảo bối và tương lai của Barca.
4 kỷ lục của Fati trong màu áo Barca:
1. 31/8/2019: Cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử Barca ghi bàn ở La Liga (16 tuổi, 304 ngày; Osasuna 2-2 Barca; vòng 3)
2. 14/9/2019: Cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử ghi bàn và kiến tạo trong cùng 1 trận đấu ở La Liga (16 tuổi 318 ngày; Barca 5-2 Valencia; vòng 4)
3. 12/10/2019: Cầu thủ ghi bàn trẻ nhất lịch sử Champions League, lập kỷ lục Guinness (17 tuổi, 40 ngày; Inter Milan 1-2 Barca; vòng bảng)
4. 2/2/2020: Cầu thủ trẻ nhất lịch sử La Liga lập cú đúp (17 tuổi, 94 ngày; Barca 2-1 Levante; vòng 22)
Vì sao người ta lại ác cảm với Fati?
Lý do đơn giản đến từ việc nhiều người so sánh Messi ở tuổi 34 với một Fati ở tuổi 18, thay vì so sánh cả 2 cầu thủ ở cùng 1 độ tuổi giống nhau. Nếu so sánh như vậy, đương nhiên bất cứ ai cũng có thể khẳng định Fati hoàn toàn không xứng tầm với chiếc áo số 10 Messi để lại.
Khi El Pulga rời Barca, anh đã có tới 13 năm khoác áo số 10 trong màu áo đỏ lam. Trong khi đó, Fati mới chỉ có 3 mùa giải chơi cho Barca và còn cả một tương lai rộng mở ở phía trước. Sự so sánh này hoàn toàn không công bằng với Fati.
Thay vì vậy, hãy so sánh Messi và Fati ở tuổi 17:
Số liệu thống kê trong màu áo Barca | Fati | Messi |
Trận
| 36 | 9 |
Phút thi đấu | 1.580 | 233 |
Số lần đá chính và chơi trọn vẹn cả trận | 3 | 1 |
Bàn thắng | 11 | 1 |
Kiến tạo | 1 | 0 |
Phút/bàn | 143,64 | 233 |
Tạm kết
Thật khó để tìm kiếm một cầu thủ trẻ đủ tầm vóc so sánh với mẫu cầu thủ trăm năm có một và được xếp vào hàng huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử như Messi. Nhưng khi Barca buộc phải đưa áo số 10 vào tay ai đó, Fati chính là sự lựa chọn hợp lý nhất và tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Đơn giản bởi tương lai của Barca đang được đặt trên đôi vai của chàng trai này.
Tất nhiên, Fati vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều khi mặc một chiếc áo quá "rộng", khi đeo một số áo quá "nặng" trên lưng. Giờ là lúc để Fati cố gắng vượt qua áp lực, chứng minh bản thân và bứt phá để trở thành một ngôi sao lớn.