Được phát mình vào năm 1947, cho đến nay, AK-47 vẫn được xem là một trong số những loại vũ khí chiến đấu phổ biến nhất thế giới. Không những vậy súng tiểu liên AK-47 còn được vinh dự góp mặt trên một số lá quốc kỳ cũng như một biểu tượng đầy kiêu hãnh và vẫn còn được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều quốc gia. Vậy tại sao loại súng đơn giản, khả năng chính xác không quá cao, khá lỗi thời này lại được ưu ái như thế?
Phát minh đi vào lịch sử quân sự thế giới của người Nga
Năm 1944, chàng thanh niên Mikhail Kalashnikov 24 tuổi tham gia một cuộc thi thiết kế mẫu sung mới trong quân đội Liên Bang Xô Viết vì ngay sau khi nhận thấy những bất ổn của các mẫu súng tiểu liên thời bấy giờ. Tuy không giành được chiến thắng, nhưng 2 năm sau đó Kalashnikov vẫn tiếp tục tham gia cuộc thi.
Năm 1946, anh đăng ký dự thi với hai mẫu súng có tên gọi AK-1 và AK-2, lần này anh được lọt vào vòng hai cùng một vài mẫu súng do các thí sinh khác chế tạo. Cuối năm 1946, Kalashnikov đã thực hiện cải tiến AK-1 lần cuối, và sau lần nâng cấp này, khẩu tiểu liên huyền thoại trong lịch sử quân sự thế giới đã ra đời.
Chai Vodka Kalashnikov 41 độ được tạo hình theo súng AK-47
Năm 1949, quân đội Liên Xô lần đầu tiên đưa vào sử dụng chính thức vũ khí đặc chủng do Kalashnikov sáng chế. Lúc này súng được gọi đơn giản là súng trường tự động Kalashnikove (Avtomat Kalashnikova), gọi tắt là AK-47, cỡ nòng 7,62mm. Cũng kể từ đó, AK-47 trở thành vũ khi cá nhân nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Ước tính súng đã có mặt trên 70 quốc gia với gần 180 triệu khẩu được sản xuất (80 triệu là AK-47 mẫu nguyên bản và 100 triệu là các mẫu biến thể, cải tiến).
Tại sao AK-47 được ưa chuộng trên khắp thế giới?
Thiết kế của AK-47 không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là khá đơn giản. Tuy nhiên, sự đơn giản này lại trở thành điểm mạnh của súng. So với những mô hình súng trường tấn công khác, AK-47 có khoảng cách lớn hơn giữa các bộ phận cơ học của nó, điều này giúp cho súng khó bị nghẽn, dù ở trong địa hình cát ở Sudan hay bùn ở Nicaragua.
Khẩu AK-47 mạ vàng của Saddam Hussein.
Một lợi thế khác mà chỉ AK-47 mới có đó là giá thành rất rẻ, trung bình người dùng mất khoảng 12 đô la là đã có thể sở hữu một khẩu súng loại này. Vừa gọn nhẹ, vừa rẻ lại dễ sử dụng ngay cả với các tân binh, không khó để giải thích vì sao AK-47 lại được ưa chuộng đến vậy.
Không chỉ là một vũ khí, AK-47 đã trở thành một nét văn hóa trong khía cạnh quân sự
Ngày nay, mức độ phổ biến của AK-47 khiến nó thậm chí còn tạo ra ảnh hưởng nhất định về mặt văn hóa. Nhiều quốc gia ở châu Phi đã đưa hình ảnh AK-47 lên quốc kỳ - xem nó như một biểu tượng của tầng lớp dân nghèo quật khởi.
Mở đầu cho trào lưu đưa súng lên quốc kỳ là đất nước Mozambique. Năm 1983, biểu tượng cuốc sắt bắt chéo AK-47 được lắp thêm lưỡi lê của đất nước này ra mắt, gợi nhớ đến lịch sử đấu tranh của người dân nhằm thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Bồ Đào nha. Sau đó, một loạt quốc gia hướng ứng trào lưu như Zimbabwe, Burkina Faso (từ năm 1984-1997) và Đông Timo (từ năm 2007).
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Quốc kỳ Zimbabwe, Đông Timo, Burkina Faso và Tổ chức Hezbollah
Tranh thêu của phụ nữ Afghanistan
Tại nhiều quốc gia khác như Ai Cập, Nga để kỷ niệm vũ khí huyền thoại này, người ta đã dựng lên những công trình kiến trúc mô phỏng hình dạng súng. Hoặc đơn giản hơn, như ở Afghanistan, hình ảnh AK-47 đã trở thành họa tiết phổ biến cho các bức tranh thêu của phụ nữ.