Ở bất cứ độ tuổi nào trẻ đều có những lúc bướng bỉnh, không nghe lời cha mẹ. Theo một nghiên cứu về sự phát triển trẻ em của Tiến sĩ John Sargent, một bác sĩ tâm lý trẻ em, đồng thời là Giáo sư khoa tâm thần học và khoa học hành vi làm việc tại trường Đại học Y Baylor (Mỹ), trẻ ở độ 2 - 3 tuổi tranh cãi với cha mẹ từ 20-25 lần mỗi giờ.
Tiến sĩ John nói: "Trẻ ở độ tuổi này đang bắt đầu nhận thức được rằng chúng có thể tự khẳng định mình và tranh luận với cha mẹ là cách để trẻ có được sự tự tin. Nói cách khác, thế giới vẫn là một cái gì đó rộng lớn và đầy bí ẩn đối với trẻ, vì vậy, con thường cảm thấy khá bất lực khi ở trong đó. Và chống đối, ăn vạ là những phương thức giúp con có được sự kiểm soát nhất định".
Hầu hết, đứa trẻ nào cũng có những suy nghĩ cơ bản như:
- Ai cũng nghe theo giác quan của bản thân đầu tiên, chả có lí do gì phải nghe theo lời ai cả.
- Những lời giáo huấn của cha mẹ chán ngắt, thậm chí cha mẹ bắt con bỏ điện thoại nhưng lại vẫn sử dụng.
- Cha mẹ nhiều khi cũng làm hỏng tivi, đánh vỡ bát chứ đâu phải riêng mình.
- Cha mẹ đôi khi cũng nói dối, còn bắt con nói dối theo. Vậy tại sao mình phải nghe lời?
Tuy rằng không có đứa trẻ nào tự khai nhận về suy nghĩ của mình như các điều trên nhưng đó lại là sự hiển nhiên nảy sinh trong đầu các bé, nhất là đối với trẻ lớn, nhận thức càng ngày càng có chiều sâu hơn.
Vậy cách thức thuyết phục con làm theo những điều mà cha mẹ cảm thấy đúng là gì? Dưới đây là một số các nguyên tắc được các chuyên gia tâm lý khuyên nên áp dụng như một loại thuốc đặc trị khi con không nghe lời.
1. Đừng vội vàng "lên lớp"
Khi con cãi lời hoặc có những hành động trái ngược với yêu cầu của bạn thì hãy… bình tĩnh. Đừng vội vàng lên lớp con theo kiểu "đã nói rồi mà không nghe", "sao con suốt ngày cãi lời mẹ". Không một ai trong chúng ta thích "được" lên lớp. Và trẻ cũng vậy. Đôi khi những lời răn đe sáo rỗng của bạn khiến con phát chán. Hãy dành thời gian để suy nghĩ, lựa lời để giải quyết.
Đừng bao giờ cố gắng thể hiện cái tôi quá lớn khi nói chuyện với trẻ
2. Làm gương cho con
Cách tốt nhất để giúp con điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực là cha mẹ phải làm gương. Muốn dạy con khoanh tay, cúi đầu, "dạ" một tiếng rõ to khi gặp những người lớn tuổi thì khi dạy con, bạn phải thực hiện động tác tương tự. Muốn dạy con bỏ rác vào thùng thì khi đi ngoài đường, bạn đừng bao giờ xả rác. Muốn dạy con đừng suốt ngày chơi game thì bạn cũng phải dành thời gian buông bỏ điện thoại thông minh.
3. Cha mẹ không được sử dụng từ "Không" khi từ chối con
Trẻ nhỏ giống như một miếng bọt biển lớn, có thể thấm hút tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh mình. Và nếu con nghe quá nhiều từ "Không" từ cha mẹ thì chắc chắn có nhiều khả năng con sẽ bắt chước theo. Thêm vào đó, việc cha mẹ thường xuyên từ chối, nói "Không" với con chỉ khiến trẻ ngày càng bướng bỉnh, chống đối hơn.
Hãy từ tốn, nhỏ giọng để trẻ thấy bản thân được tôn trọng
Thay vào đó, hãy nói với trẻ những gì bạn muốn con làm hơn là những gì bạn không muốn con làm. Chẳng hạn, khi trẻ nhảy trên ghế sofa, thì đừng la mắng, cấm đoán mà nên nhỏ giọng nói rằng: "Con ngồi xuống ghế nào. Con có thể ngã và bị thương nếu nhảy trên ghế".
4. Đặt luật gia đình
Các thành viên trong nhà cần thống nhất với nhau một số điều luật cơ bản như: con đi học về phải tắm, ăn cơm đúng giờ, mỗi ngày xem ti vi bao lâu, học bài lúc mấy giờ… khi nào cha chơi với con, mẹ sẽ thưởng gì khi con vâng lời… Tất nhiên là trong thưởng có phạt. Một khi cả nhà đều đồng ý với điều luật, bạn cần là người làm gương đầu tiên để có thể dễ dàng áp dụng khi trẻ làm sai.
5. Đối thoại và lắng nghe con nhiều hơn
Những mẫu thuẫn giữa phụ huynh và con cái sẽ càng leo thang nếu như biết cách làm lắng dịu. Trò chuyện với con tưởng chừng là việc mà ai cũng có thể làm được. Nhưng đối thoại, trò chuyện như thế nào để con nói ra hết những tâm tư, vướng mắc thì khi đó bạn sẽ hiểu con và giúp con chấp nhận ý kiến, chia sẻ của bạn.Khi con tâm sự ra được, ba mẹ lắng nghe được thì mối liên hệ trong gia đình mới có sự gắn kết.
6. Khi chuẩn bị xử phạt, hãy đếm từ 1-10
Như vậy là trẻ được thêm cơ hội để giải quyết khó khăn. Ví dụ: Khi con không chịu tắm, cha mẹ nói: Mẹ đếm đến 10 mà con không vào tắm thì mẹ sẽ... (một hình phạt gì đó). Sau đó cha mẹ đếm và sẽ thấy trẻ chạy vào tắm cực kỳ nhanh chóng.
Nguồn: UK Academy; Parents