Chị nhận định ra sao về điểm khác biệt của kênh YouTube Quach Anh Makeup Artist so với các kênh YouTube của các beauty vlogger khác?
Thời điểm tôi bắt đầu làm YouTube là từ năm 2013 nhưng trong 3, 4 năm trở lại đây, tôi được chú ý nhiều hơn cả. Bởi lẽ, ngày trước, tôi chỉ làm YouTube vì thấy thích thôi, không chiến lược truyền thông, không để ý đến xu thế trang điểm trên MXH. Tôi ngây ngô lắm, khi ấy tôi mở cửa hàng kinh doanh riêng nên cá nhân mình chỉ thấy hình ảnh về makeup nếu được chuyển sang dạng video clip sẽ tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà thôi.
Dần dần, tới khi thế giới beauty vlog được nhiều người quan tâm, tôi mới nhìn lại về việc mình tham gia YouTube như thế nào. Tự nhận thấy điểm mạnh của mình là làm content khá đa dạng, có kỹ thuật, chuyên môn trang điểm và biết hướng vào những gì người xem tập trung nhất, tôi cũng thấy điểm yếu của mình từ đó mà ra: vì học quá bài bản, chuyên nghiệp nên cách nói chuyện trong các video của tôi vẫn bị "cứng", không gần gũi, tự nhiên. Các bạn YouTuber khác thậm chí còn làm những chủ đề liên quan tới cuộc sống thường ngày, tạo kết nối với người xem nhưng quỹ thời gian một ngày của tôi không dành 100% cho YouTube được. Vì thế, các bạn followers ít khi thấy tôi "public" cuộc sống cá nhân lên MXH, tôi cũng đặt ra nguyên tắc cho riêng mình: YouTube là nơi tôi chia sẻ mọi thứ xoay quanh makeup mà thôi.
Vậy chắc hẳn chị là một người phụ nữ vô cùng bận rộn?
Hiện tại, tôi đang làm rất nhiều: làm nghề của mình – MUA (makeup artist - PV), đào tạo học viên trang điểm, quản lý 1 store chuyên về makeup, chịu trách nhiệm phát triển 1 thương hiệu mỹ phẩm cũng như vai trò YouTuber, KOL. Mọi thứ tôi đang làm giống như một hệ sinh thái vậy, tất cả công việc đều bổ trợ cho nhau. Tôi không rạch ròi xem xét YouTube đã giúp mình bao nhiêu phần trăm trong công việc hiện tại nhưng nhờ có kênh truyền thông này, cửa hàng tôi có thêm khách hàng, thêm học viên vì họ muốn học cách làm việc của mình, muốn xem những gì mình làm được cũng như muốn được tạo cảm hứng trong nghề trang điểm.
Nhiều anh chị trong nghề nhận xét rằng tìm một người như tôi không hề dễ vì tôi có thể làm được nhiều thứ dù tôi chưa giỏi nhất. Bởi không ít quan niệm vẫn cho rằng công việc trang điểm chỉ là công việc luôn luôn đứng ở cánh gà, phía sau các nghệ sĩ nổi tiếng, giúp cho khách hàng tỏa sáng trên sân khấu. Tôi không nhìn nhận như vậy, nếu biết cách, mình vẫn có thể tỏa sáng được dù ở vị trí nào đi chăng nữa.
Một ngày hiện tại của tôi khá bận rộn, các công việc "sít" nhau vô cùng. Buổi sáng 8-9h thức dậy, buổi tối 1-2h đêm tôi mới ngủ. Tôi càng bận hơn khi có em bé nên cuối tuần tranh thủ làm đồ ăn cho con hay 1 tuần sắp xếp 2 buổi để em bé đi học bơi. Mấy năm nay, tôi chưa xem một bộ phim dài tập nào, có chăng vẫn đi xem vài bộ phim chiếu rạp hoặc xem video tóm tắt phim để hiểu mọi người xung quanh đang nói gì. Tôi mê công việc nên người khác bận rộn, tôi cũng không muốn mình nhàn. Điều buồn cười là, tiền đổ vào tài khoản mình nhưng thi thoảng tôi vẫn phải hỏi chồng, tôi cũng chẳng tiêu đến tiền mấy nên trong túi gần như không có tiền.
Chị có được gì từ sự nổi tiếng?
Là một KOL nhưng công việc chính của tôi vẫn là một MUA, đứng sau cánh gà và làm việc với các celeb. Ở đó, mình làm việc thầm lặng lắm, mặc gì cũng được, làm gì cũng được, nói chuyện vô tư. Nhưng một khi đã bước ra khỏi phía sau hậu trường, tôi luôn phải cẩn thận hơn từ cách ăn mặc, cách nói chuyện đến lối makeup. Một ngày bình thường, tôi trang điểm vô cùng đơn giản, chỉ có kem chống nắng và son môi. Tất nhiên, được nhiều người biết đến hơn cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị chứ, thu nhập cao hơn, lại được khẳng định bản thân mình.
Nghề makeup không nhàn như mọi người nghĩ đâu, công việc này đòi hỏi bạn phải có một sức khỏe thật tốt: dậy sớm, đứng lâu 8-10 tiếng/ngày, bê cốp rất nặng. Đi chụp X-quang, bác sĩ nói cột sống tôi bị cong vì hằng ngày đứng quá nhiều. Hơn nữa, đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hình dung đúng về công việc của chúng tôi nên đôi khi thiếu sự tôn trọng, không ít bậc phụ huynh cho rằng học hành không đến nơi đến chốn mới theo nghề này. Ngày trước, khi làm công việc này, tôi chưa nghĩ đến việc cần xã hội công nhận đâu mà chỉ muốn gia đình, người thân thay đổi cách nhìn nhận về mình.
Vì suy nghĩ nếu ngày nào cũng dậy sớm, bê cốp trang điểm cho khách hàng thì đầu óc tôi sẽ chẳng thể phát triển hay sáng tạo thêm, tôi đã buộc mình tìm hướng đi mới! Và thành quả là những gì tôi đang có.
Công việc bận rộn như vậy, tại sao chị quyết định thành lập một thương hiệu mỹ phẩm?
Điều đầu tiên, quyết định này rất phù hợp với ngành nghề tôi đang theo. Hơn nữa, thời điểm trước đó, nhiều nhãn hàng ở Hàn Quốc đã đặt vấn đề làm thương hiệu mỹ phẩm với tôi, thậm chí hỗ trợ gần hết quy trình nhưng tôi lại băn khoăn tại sao mình phải theo họ? Tôi thấy ở Việt Nam chưa có thương hiệu mỹ phẩm nào dành cho makeup bài bản cả, thực tế mỹ phẩm Âu Mỹ hay Hàn Quốc vẫn chưa thực sự phù hợp với người Việt vì các yếu tố khác biệt như thời tiết, cấu trúc gương mặt, làn da… Vậy tại sao tôi không lựa chọn một con đường riêng cho mình?
Trước đó, tôi cũng kết hợp với một số bên để tạo ra những sản phẩm collab. Tuy nhiên, vì bản thân là một MUA, khắt khe hơn khi đánh giá một sản phẩm nên đôi khi tôi chưa thấy hài lòng về lắm. Thật may mắn khi bộ sưu tập đầu tiên của Lemonade 2 năm trước đã tạo ra những hiệu ứng tốt, 1 ngày có tới 5000 đơn đặt hàng, nhân viên xử lý không kịp. Ban đầu, chúng tôi chỉ bán trên website của nhãn hàng nhưng những bộ sưu tập sau đã được bày bán trong các store quốc tế như Guardian, Aeon Mall và trên các trang thương mại điện tử như Shopee.
Một sản phẩm ra mắt "tiêu" tốn của chị bao nhiêu thời gian?
Tôi có cơ hội được làm việc cùng rất nhiều các anh chị dày dạn kinh nghiệm về mỹ phẩm trong công ty, họ phụ trách mảng marketing, kinh doanh, phân phối, xuất nhập khẩu. Tính tôi nghệ sĩ nên không thể ôm hết mọi việc được, chức vụ của tôi ở Lemonade hiện tại là Founder và Giám đốc phát triển sản phẩm. Quá trình nghiên cứu một sản phẩm nhanh nhất mất 6 tháng, chậm nhất 1 năm, thậm chí có những bộ sưu tập chưa bao giờ được ra mắt.
Khi thử nghiệm sản phẩm, chuyện làm đi làm lại rất đỗi hiển nhiên, đặc biệt chất và vỏ hộp. Không ít đối tác của Lemonade đã nhận xét thẳng là chúng tôi rất khó tính nhưng vì đã làm việc cùng nhau nhiều nên họ hiểu và thông cảm được. Ở bộ sưu tập đầu tiên, tôi còn sang tận phòng lab ở Hàn Quốc để pha màu trước mặt họ, đưa tỷ lệ chuẩn để họ làm theo. Đôi khi, có những sản phẩm mình rất thích nhưng chưa chắc đã được số đông ưa chuộng, tôi cũng phải cân nhắc nhiều. Team kinh doanh cũng đưa cho tôi số liệu cụ thể để mình liệu sức bán trên thị trường Việt Nam và làm sao sản xuất cho hiệu quả.
Vì tôi là người đầu tiên phụ trách một sản phẩm "ra đời" trong công ty nên tôi không thể để một lỗi sai của mình gây ảnh hưởng tới những người khác. Trong công việc, chúng tôi cũng đưa ra những nhận xét rất thẳng thắn; team marketing luôn hỏi tôi trước khi đưa một sản phẩm ra mắt rằng tôi có tự tin về sản phẩm không, tự tin đến mức nào và vì sao lại tự tin như thế. Tôi thường đùa rằng, làm việc cùng nhau là đánh cược cùng nhau.
Chị nghĩ sao về việc so sánh các thương hiệu mỹ phẩm trên thị trường hiện nay, thậm chí là giữa Lemonade - thương hiệu của cá nhân chị và những thương hiệu khác chị đang làm hình ảnh đại diện?
Chuyện so sánh sản phẩm, đối với tôi, không có gì to tát. Bản thân Lemonade chọn hướng đi không giống với các thương hiệu khác, chúng tôi muốn tìm giải pháp trang điểm cho phụ nữ Việt Nam. Mỗi thương hiệu có một thế mạnh, mình phải biết thế mạnh của mình là gì. Muốn sống trên thị trường, mình phải có sự khác biệt, tạo ra thói quen mới cho người tiêu dùng. Khi tôi giới thiệu sản phẩm lip filler với các đồng nghiệp, họ hỏi tôi liệu có cần thiết không khi đánh mỗi son là đủ đẹp rồi. Cá nhân tôi nghĩ rằng mình phải tạo thói quen để người ta makeup đẹp hơn chứ không phải bây giờ người ta không cần thì mình chưa làm.
Trên thị trường ngày nay xuất hiện xu hướng "fast cosmetics", giống như fast food vậy, mỹ phẩm Hàn là một điển hình. Chúng tôi cũng thảo luận với nhau rất nhiều về vấn đề này. Tôi tin là mình hiểu thị trường mỹ phẩm Việt Nam cũng như nhu cầu của phụ nữ Việt để đưa tới những bộ sưu tập phù hợp với thị hiếu của đại đa số. Ở Thái Lan, mỹ phẩm "local" rất được yêu thích vì các nhãn hàng hiểu được đặc tính làn da cũng như cách trang điểm của người dân. Tuy nhiên, mặt bằng chung các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Việt Nam vẫn chưa phải những nước phát triển, người dân chưa sẵn sàng chi một số tiền lớn cho mỹ phẩm. Bởi thế, Lemonade chọn phân khúc trung cấp.
Nhiều người cứ "xui" tôi đã là KOL thì phải đẩy giá cao lên nhưng tôi quan niệm: Làm giá cao cho thương hiệu của mình không quan trọng bằng việc sản phẩm tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng, kể cả mình làm giá thấp nhưng khách hàng nhận về sản phẩm chất lượng tốt còn hơn là sản phẩm giá cao và số lượng bán ra không nhiều như mình hoạch định.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Ninh Linh
Thiết kế: Hương Xuân