Trong thời đại công nghệ phát triển, việc cấm đoán không phải giải pháp kiểm soát tốt nhất việc chơi game của con cái. Như trong một bài tâm sự trên mạng xã hội của ông bố có con trai thích chơi game, anh thừa nhận mình từng có những hành động nóng giận mà kết quả nhận lại không như ý:
“Mình từng đập smartphone, laptop khi phát hiện con chơi game. Kết quả không làm cho con hết chơi game, mà vẫn cứ lén lút chơi khi có thể. Còn mình thì tốn tiền mua lại máy mới”.
Người này tự đặt câu hỏi cho chính mình rằng việc ngăn con chơi game là vì con hay vì sự ích kỷ của chính mình? Và rồi anh nhận ra, việc đập phá thiết bị điện tử nhằm thoả mãn cơn tức giận của chính mình chứ không phải vì sự tiến bộ của con. Do đó, anh cũng thừa nhận sai và xin lỗi con về hành động này.
Sau đó, ông bố mẫu mực đã chủ động thay đổi mình bằng cách khéo léo đặt ra thỏa thuận và cùng con thực hiện nghiêm túc mỗi ngày với mong muốn giúp con hiểu thứ tự ưu tiên công việc, thực hiện thỏa thuận với thái độ hợp tác.
“Trở lại với việc chơi game, mình đã chấp nhận việc con chơi, đồng ý cho con chơi với các điều kiện: sau khi xong bài tập, chỉ từ 1-2 giờ/ ngày. Sau đó rút dần xuống ngắn hơn, hôm nào có lỗi thì nghỉ chơi. Tất nhiên, việc này phải giám sát, chứ không chỉ yêu cầu bằng mệnh lệnh.
Từ đó, từng bước, từng bước con giảm dần và bỏ hẳn chơi game, giờ chỉ xem chơi game trên YouTube thôi. Như hôm nay đi chơi công viên cả ngày, tối về cho xem YouTube đúng 30 phút” - ông bố tỏ ý hài lòng.
Mối quan hệ hòa hợp cha mẹ - con cái là cơ sở để cha mẹ giáo dục con cái, nếu trẻ còn nhỏ nhiều phụ huynh có thể áp đặt nhưng khi lớn hơn, nhiều đứa trẻ ngoan ngoãn trở nên rất nổi loạn và mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên căng thẳng:
“Muốn con tốt hơn mỗi ngày, trước hết phải chấp nhận thực tế mà con mình “đang là”. Sau đó mới tìm cách từng bước, từng bước cùng con thay đổi. Chứ nếu chỉ là khẩu lệnh, roi vọt sẽ không hiệu quả.
Nó cũng tựa như câu chuyện, một người dắt thỏ, một người dắt rùa đi dạo công viên. Người dắt rùa thấy thỏ đi nhanh, đã quát tháo, thậm chí dùng roi quất vào lưng giục rùa đi nhanh hơn. Kết quả, rùa vẫn là rùa, còn người dắt rơi vào vòng luẩn quẩn, càng ngày càng bực mình hơn” - vị phụ huynh chia sẻ từ trải nghiệm của mình.