Một câu chuyện đau lòng và cũng khiến nhiều phụ huynh "giật thót" những ngày qua chính là vụ án thanh niên giết người yêu 16 tuổi ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Theo lời khai ban đầu tại cơ quan Công an, H. và nạn nhân V. yêu nhau, V. sinh năm 2005, đêm 23/2 H. đón V. về nhà ngủ. Đến trưa 24/2 khi biết gia đình đi tìm, vì lo sợ, H. và V. thống nhất cùng tự tử; H dùng tay bóp cổ V. đến tử vong và nhảy xuống ao cạnh nhà tự tử nhưng không thành, sau đó đi ra cầu Thái Hà tiếp tục tự tử thì bị bắt giữ.
=> Xem chi tiết vụ việc TẠI ĐÂY.
Một bi kịch xảy đến, người ra đi mãi mãi, người tù tội, và đằng sau là nỗi đau không bao giờ bôi xóa được của hai gia đình...
Muôn kiểu học trò... yêu
Trong quá trình tư vấn tâm lý của mình, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung Tâm Hỗ Trợ phát triển Giáo Dục Hòa Nhập Diệp Quang) đã gặp khá nhiều trường hợp các em học sinh yêu sớm.
Đó là một bạn trai học lớp 10 tính tình lạnh lùng, hướng nội với cuộc sống khép kín trong một gia đình không toàn vẹn: Bố mẹ ly dị, em ở cùng nhà nội, mẹ thì đã bỏ đi còn bố thì lại không biết cách gần gũi con. Em chỉ có 1 con mèo làm bạn, đi đâu cũng muốn mang theo cùng.
Ngoài ra, em có một cô bạn gái ở tỉnh khác, quen nhau qua mạng xã hội – nhưng mối quan hệ của em bị người cậu và dì ngăn cấm vì "bạn gái" của cháu quá sắc sảo, ăn nói khéo. Họ cho là cô bạn này chỉ lợi dụng tình cảm của cháu mình mà thôi. Kết quả là sau một thời gian, với sự giáo huấn của cậu và dì, cậu bé này đã bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của tình yêu mà không lường đến những hậu quả sau đó.
Đó là một cô bé với bề ngoài không thu hút lắm nhưng học giỏi. Cô bé để ý một người bạn trai trong lớp, anh chàng này là một người "sáng giá" trong lớp, được vài bạn gái vây quanh. Do bị chế giễu và những mâu thuẫn với các bạn gái, cũng không được sự quan tâm của "đối tượng" nên cô bé bắt đầu sa sút trong việc học, tự ti và không còn hứng thú đến trường. Chỉ đến khi đến chuyên gia tâm lý, được chỉ ra những giá trị của bản thân, nữ sinh này mới hiểu ra, tự điều chỉnh và trở lại làm trò giỏi, con ngoan.
Chuyên gia Lê Khanh cho rằng, việc cặp đôi yêu nhau rồi đi đến suy nghĩ "như phim" là phải cùng nhau tự tử cho vẹn nghĩa ân tình không phải là một trường hợp cá biệt. Nhiều em tuổi teen ý thức giá trị bản thân yếu kém và chưa hiểu rõ ý nghĩa đích thực của tình yêu không đơn thuần chỉ là những cảm xúc mà còn là sự quan tâm và tôn trọng, nên đã có những ứng xử lệch lạc với nhau và với những người thân của mình.
"Lứa tuổi này dễ bị ảnh hưởng bởi những câu chữ bay bổng trong tiểu thuyết hay phim ảnh, có những ảo tưởng về tình yêu. Các em chỉ nhìn, chỉ biết là "mình đã yêu" và hãy yêu hết mình, qua những cảm xúc và cả những nhu cầu "bản năng" về thể chất khi bước vào lứa tuổi dậy thì.
Hầu hết các cuộc tình này đều phải "rút vào vòng bí mật". Một khi bị phát hiện, hầu hết đều phải đối mặt với những phê phán và ngăn cấm và không thể có sự chọn lựa. Trong khi đó, người lớn thường không hiểu càng cấm thì lại càng khiến cho tình yêu "phát triển" nhưng lại "thăng hoa" ngoài vòng kiểm soát", chuyên gia Lê Khanh cho biết.
Ứng xử ra sao nếu con yêu?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, không ít phụ huynh đánh mất con chỉ vì không có cách ứng xử khéo léo khi phát hiện con yêu sớm. Ở lứa tuổi dậy thì, những đứa trẻ đều đang muốn chứng tỏ mình "đã lớn", thích làm ngược lời cha mẹ, dễ nghe lời bạn bè. Vì thế, chỉ cần ngăn cấm, đánh mắng, con sẽ lập tức phản kháng bằng những hành động bồng bột, nông nổi, nhẹ thì cãi lại, nặng hơn thì bỏ nhà đi.
Việc giáo dục để cho các em tuổi teen ý thức được giá trị của tình yêu không thể chỉ trong một sớm một chiều, qua những bài học "kỹ năng sống"; "giá trị sống" mang tính lý thuyết trong sách vở hay chỉ là những lời nói có cánh trong các khóa học "mì ăn liền" mà cần có từ ý thức của các bậc phụ huynh cũng như những hướng dẫn đúng đắn, chân tình từ các thầy, cô bằng năng lực sư phạm và kinh nghiệm sống.
Điều quan trọng nhất ở đây vẫn là sự thấu hiểu và tôn trọng của bố mẹ. Các em cần phải có sự hiểu biết về giá trị của tình yêu, có nhận thức đúng đắn về các nhu cầu của cảm xúc, của thể chất để thấy rằng: Khi đã yêu không chỉ là phải biết tôn trọng người bạn mình, mà còn phải biết tôn trọng chính mình.
Trong những cuộc trò chuyện mỗi ngày một ít với con, người cha người mẹ dần dần cho con hiểu thế nào là tình bạn, tình yêu chân chính. Không nên giảng giải lý luận dài dòng hoặc mạt sát người yêu của con hay khẳng định con là loại hư hỏng. Bởi vì tất cả những kẻ đang yêu đều nghĩ rằng tình yêu của họ là chân chính và người họ yêu là tốt đẹp.
Cha mẹ cũng cần nói cho con biết những "nguy cơ" của việc đi quá giới hạn trong tình yêu để giúp con biết tự bảo vệ mình, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.
Trong mỗi con người đều tiềm ẩn những tình cảm tốt đẹp, khi con cái mắc sai lầm trong tình yêu, thậm chí trở thành đứa trẻ hư hỏng là lúc đòi hỏi ở bạn tình yêu thương con nhiều nhất và nỗ lực chăm sóc giáo dục con cao nhất, chứ một trận đòn roi hay chửi mắng tàn tệ không giải quyết được vấn đề.
Chính sự tự tin, lòng tự trọng trong quá trình trưởng thành tại gia đình và trong một nền giáo dục có ý thức về trách nhiệm, mới là điều các bạn trẻ cần có để có thể phát triển đúng hướng cho tình yêu trong lứa tuổi học trò.
Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh đã tu nghiệp về Tâm lý lâm sàng trẻ em tại Cộng hòa Pháp (năm 2000); Được đào tạo về Trị liệu Hệ thống gia đình (năm 2004 – 2006) tại Đại học Catholique Louvain APSY – Bỉ. Hoạt động trong Lĩnh vực Tâm lý Trẻ em từ năm 1990 đến nay. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách về tâm lý trẻ em như: Trẻ Tự Kỷ – Những thiên thần bất hạnh – NXB Phụ Nữ 2004; Mẹ ơi tại sao Tập I, II – NXB Phụ Nữ 2005...