Được dịch từ bài gốc "From the Pjanic-Arthur transfer to questions over Ronaldo's sale: Could Juventus be relegated again?" của Mark Doyle trên Goal.com.
Chiến thắng trước Salernitana và Genoa mang lại chút thư giãn tạm thời cho Juventus bên trong sân cỏ. Còn ở bên ngoài sân, Bianconeri đang sa lầy trong một cuộc điều tra tài chính vốn được coi là bê bối lớn nhất ảnh hưởng đến bóng đá Ý kể từ sau thời "Calciopoli".
Vào năm 2006, Juventus bị giáng xuống hạng Serie B và bị tước 2 chức vô địch Serie A vì vai trò của họ trong một vụ bê bối trọng tài. Ngoài Juve chịu phạt, AC Milan, Fiorentina, Lazio và Reggina bị trừ điểm.
Lần này, trọng tâm là vấn đề tài chính, và cụ thể là plusvalenza (lãi vốn).
Lãi vốn là gì? Liệu Juve đang thực sự đối mặt với nguy cơ bị giáng xuống giải hạng hai một lần nữa? Thương vụ Cristiano Ronaldo nằm ở đâu trong scandal này?
Plusvalenza là gì?
Trong bóng đá, plusvalenza (lãi vốn) về cơ bản là lợi nhuận thu được từ một vụ chuyển nhượng. Ví dụ, Juventus ký hợp đồng mua một cầu thủ với giá 100 triệu euro theo hợp đồng 5 năm. Họ sẽ phân bổ chi phí quyền đăng ký (quyền được thi đấu ở 1 giải đấu hoặc 1 CLB) của cầu thủ này trong suốt thời hạn hợp đồng, thường chia đều trong 5 năm. Nếu chia như vậy, giá trị khấu hao của cầu thủ sẽ là 20 triệu euro mỗi năm (100 triệu euro chia cho 5 năm).
Nếu Juve bán cầu thủ đó sau 3 năm với giá 60 triệu euro, họ sẽ thu được khoản lãi vốn 20 triệu euro từ quyền đăng ký của anh ta (60 triệu euro trừ đi 40 triệu euro còn lại theo giá trị khấu hao).
Tại sao lãi vốn lại quan trọng trong bóng đá?
Bởi vì chúng được tính trực tiếp vào lợi nhuận hàng năm của câu lạc bộ. Lãi vốn có tầm quan trọng lớn hơn bao giờ hết vì sự ra đời Luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA hơn một thập kỷ trước.
Như chúng ta đã biết, bảng cân đối kế toán của CLB bóng đá đang bị giám sát gắt gao và những CLB bị phát hiện vi phạm FFP có thể đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Do đó, áp lực dồn lên họ trong việc cân đối sổ sách hàng năm là rất lớn.
Một số câu lạc bộ được cho là đã dùng đến cách thổi phồng giá trị cầu thủ để có thể kiếm lợi nhuận từ chuyển nhượng. Biện pháp này thường được thực hiện với các cầu thủ trẻ. Những sản phẩm tự đào tạo của Học viện là cây nhà lá vườn, họ thường gia nhập lò miễn phí, nếu bán được thì khoản tiền thu về là lợi nhuận thuần túy.
Vì giá của các cầu thủ trưởng thành từ học viện có thể bị thổi phồng quá mức, nên rất khó để xác định giá trị thực của họ.
Chính vì lẽ đó, nhiều câu lạc bộ thường chèn thêm những cầu thủ có giá trị không rõ ràng vào các giao dịch trao đổi cầu thủ hoặc gán cầu thủ cộng thêm tiền mặt để giúp cân bằng sổ sách.
Đây là vấn đề của riêng bóng đá Italy?
Vào mùa giả 2018/19, mùa giải cuối cùng trước khi Covid-19 hoành hành, 20 câu lạc bộ Serie A thu về tổng cộng 699 triệu euro tiền lãi - nhiều hơn bất kỳ giải đấu nào khác của "Big Five" (top 5 giải đấu hàng đầu châu Âu).
Đáng chú ý, con số này cao hơn số tiền mà 20 đội Serie A kiếm được từ giao dịch thương mại trong cùng năm tài chính (647 triệu euro), nó nhấn mạnh mức độ phụ thuộc của Serie A vào thị trường chuyển nhượng để thu lợi nhuận.
Các câu lạc bộ Premier League, La Liga và Bundesliga đều đang tạo ra nhiều tiền hơn nhờ bản quyền truyền hình và các thỏa thuận tài trợ, thay vì mua và bán cầu thủ.
Rõ ràng, không có gì sai khi thu lợi nhuận từ chuyển nhượng. Vấn đề chỉ nảy sinh khi đội bóng thổi phồng giá trị cầu thủ. Hành động này tập trung ở Ý và chủ yếu ở Juventus.
Tại sao Juventus lại là tâm điểm của vụ bê bối?
Mùa hè năm ngoái, Arthur Melo chuyển từ Catalunya đến Turin, trong khi Miralem Pjanic lại đi theo hướng ngược lại.
Một cách chính thức, hai giao dịch này không được kết nối với nhau. Họ không được công bố như một phần của cùng một vụ chuyển nhượng. Barcelona tuyên bố Juve đồng ý trả 72 triệu euro cho Arthur, trong khi Pjanic được mua về với giá 60 triệu euro.
Cả hai đội bóng đều ở trong tình thế buộc phải thổi phồng giá trị cho cầu thủ sắp ra đi của họ để kiếm lợi nhuận. Đó là một thỏa thuận phù hợp với cả đôi bên, đặc biệt là Barca đang thiếu tiền khi họ sắp phải công bố lợi nhuận trước khi kết thúc năm tài chính.
Cả Arthur (72 triệu euro) và Pjanic (60 triệu euro) rõ ràng đều không xứng đáng với khoản phí tương ứng của họ, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hiện tại, nhưng điều đó không quan trọng. Cuộc trao đổi này chủ yếu về tài chính hơn là bóng đá.
Barca và Juve không bị đe đoạ điều tra thương vụ này, chứ đừng nói đến sự trừng phạt. Cho đến bây giờ...
Juve bị điều tra như nào?
Hiện có 3 cơ quan riêng biệt của Italy đã xem xét kỹ lưỡng các vụ chuyển nhượng liên quan đến Juventus và nhiều câu lạc bộ khác, bao gồm vụ hoán đổi Pjanic-Arthur, Danilo (37 triệu euro) đến Turin và Joao Cancelo (65 triệu euro) ) chuyển đến Manchester City.
Chỉ hơn một năm trước, COVISOC, Ủy ban giám sát Serie A, đã bắt đầu điều tra "hàng tá" thương vụ liên quan đến việc định giá cầu thủ. Họ đã chuyển phát hiện của mình cho Công tố viên ở Turin, đơn vị này mở một cuộc điều tra tội phạm vào tháng 5 với tên gọi "Prisma".
Vào ngày 12 tháng 7, CONSOB, cơ quan quản lý tài chính chịu trách nhiệm giám sát giao dịch của các câu lạc bộ được niêm yết trên sàn chứng khoán (như Juventus), đã bắt đầu xem xét 62 vụ chuyển nhượng trong các mùa giải 2018/19, 2019/20 và 2020/21. 42 trong số đó liên quan đến Juve.
Theo Sky Sport Italia và ANSA, những thương vụ này trị giá tổng cộng 282 triệu euro tiền lãi.
Juventus có phải là câu lạc bộ lớn duy nhất tham gia?
Một số thương vụ bị soi xét có liên quan đến Sampdoria, Roma và Atalanta, bao gồm việc bán Cristian Romero cho Tottenham. Vụ chuyển nhượng đắt giá nhất đang bị điều tra được cho là của Victor Osimhen, người đã chuyển từ Lille đến Napoli năm ngoái.
Mức phí, trên giấy tờ, ít nhất là 70 triệu euro, nhưng Napoli cài thêm 4 cầu thủ được định giá tổng cộng 20 triệu euro, gồm: thủ môn Orestis Karnezis và 3 cầu thủ từ Serie C - Claudio Manzi, Ciro Palmieri và Luigi Liguori. Họ lập tức bị giải phóng hợp đồng mà không có nổi 1 lần ra sân cho Lille.
Khi được hỏi về cuộc điều tra tính hợp pháp của vụ chuyển nhượng Osimhen, chủ tịch Napoli, Aurelio De Laurentiis nói với New York Times: "Tôi không lo lắng vì tôi là một chiến binh".
Trong tuần qua, cuộc điều tra đã tăng cường về mức độ, đặc biệt là điều tra vai trò của Juve trong tất cả. Juve tham gia vào 2/3 vụ chuyển nhượng. Họ còn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và nằm dưới sự quản lý của cảnh sát tài chính Italy, Guardia di Finanzia.
Tại sao Ronaldo bị nhắc tên?
Theo tờ Gazzetta, cựu tiền đạo của Juventus có thể bị thẩm vấn bởi các nhà điều tra, khi họ đang cố gắng tìm ra một "khoản thanh toán bí mật" được Juve chuyển cho CR7.
Một số hãng thông tấn Italy đăng tải cuộc trò chuyện được ghi âm giữa luật sư Cesare Gabasio và giám đốc của Juventus, Federico Cherubini, có liên quan đến một "tài liệu nổi tiếng mà về mặt lý thuyết không nên tồn tại".
Cho đến nay, các nhà điều tra không tìm thấy tài liệu nào như vậy trên sổ sách của Juve. Theo tình hình hiện tại, hoàn toàn không có hàm ý Ronaldo làm bất cứ điều gì sai trái, nhưng tờ Gazzetta hé lộ rằng Công tố viên Turin có thể yêu cầu làm rõ vấn đề này từ phía Manchester United.
Theo tờ Corriere della Sera, người đại diện của Ronaldo, Jorge Mendes, có thể bị thẩm vấn và bị triệu tập sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Ngoài ra, Juventus cũng tiết lộ vào tối thứ năm tuần trước rằng Công tố viên Turin cũng đang điều tra thương vụ Ronaldo chuyển đến Old Trafford ngay trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè đóng cửa.
Điều gì có thể xảy ra với những người bị kết tội?
Theo Marco Donzelli, chủ tịch CODACONS, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Italy, 15 năm sau Calciopoli, Juventus có thể một lần nữa phải xuống hạng và bị tước chức vô địch Serie A.
Donzelli tuyên bố: "Hệ thống phát hiện những tội trạng rất nghiêm trọng và đưa ra ánh sáng sự nham hiểm trong những chức vô địch gần đây".
"Nếu Juventus giành lợi thế một cách bất hợp pháp trước các đối thủ với hoạt động kiểu này, thì tính cạnh tranh của giải đấu sẽ bị huỷ hoại. Do đó, Liên đoàn và Cơ quan quản lý cạnh tranh thị trường sẽ phải can thiệp và xử phạt những người chịu trách nhiệm.
"Vì lý do này và để bảo vệ hàng nghìn người hâm mộ, chúng tôi sẽ trình đơn khiếu nại lên Cơ quan chống độc quyền và Văn phòng Công tố Liên bang yêu cầu giáng Juventus xuống hạng Serie B, thu hồi một số chức vô địch quốc gia gần nhất giành được nhờ các hoạt động bất hợp pháp".
Hành vi gian lận kiểu Juventus không phải không có tiền lệ, dưới bất kỳ hình thức nào.
Vào năm 2008, AC Milan và đối thủ cùng thành phố Inter đều bị điều tra vì những cáo buộc liên quan đến lãi vốn nhưng cả hai câu lạc bộ đều không bị xử phạt, vì những khó khăn trong xác định giá trị thị trường thực sự của một cầu thủ.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thứ nhất, rõ ràng là hệ thống đang rất cần cải cách. Như một nguồn tin của COVISOC nói với ANSA: "Hiện tượng hạch toán sai có thể khiến các CLB rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hệ thống bóng đá Italy".
Chủ tịch FIGC, ông Gabriel Gravina từ lâu đã nhận thức vấn đề và hoan nghênh thực tế rằng nó hiện đang được giải quyết bởi một số cơ quan chức năng, cả bên trong và bên ngoài bóng đá. Ông nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã làm việc về vấn đề này trong 2 đến 3 năm qua cùng với cơ quan tư pháp thể thao".
"Ngoài ra, có một ủy ban cụ thể tại UEFA đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra một số biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề lãi vốn không hề dễ dàng. Rất khó để tìm ra một phương pháp xác định giá trị thực sự của cầu thủ. Tôi thấy rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu đề tài này nhưng một lĩnh vực mang đậm tính chủ quan như định giá cầu thủ không thể được biến thành một thuật toán".
Chủ tịch của FIGC cũng chỉ ra rằng kế toán sai là một sản phẩm của mô hình tài chính bóng đá đang bị phá vỡ, đã bị phơi bày một cách tàn bạo bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.
Về cơ bản, trong sự tuyệt vọng vì phải trang trải chi phí cắt cổ của tiền lương cầu thủ, một số câu lạc bộ chấp nhận rủi ro, gian lận hoặc tệ hơn là vi phạm các quy tắc. Như Gravina đã nói, "chi phí lao động không còn bền vững".
Khi nào cuộc điều tra sẽ hoàn thành?
Tại Juventus, giám đốc tài chính Cerrato và giám đốc đội U23, Giovanni Manna đã được thẩm vấn bởi văn phòng Công tố viên Turin, trong khi Giám đốc thể thao Cherubini và Giám đốc điều hành Maurizio Arrivabene bị thẩm vấn với tư cách là những người được "thông báo về sự thật".
Bộ đôi cựu giám đốc tài chính Marco Re và Bertola cũng được triệu tập nhưng theo tờ Corriere della Sera, cả hai đều từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
Vẫn chưa biết liệu Agnelli, Paratici và Nedved có bị thẩm vấn hay không. Tuy nhiên, người ta tin rằng cuộc điều tra có thể được hoàn tất trong vòng hai tuần tới.
Các cơ quan có liên quan sẽ xem xét Juve có vi phạm quy định tài chính hoặc thể thao nào không, sau đó xem xét các hình phạt.
"Chỉ có Calciopoli tệ hơn thế này", nội dung cuộc trao đổi giữa hai giám đốc của Juventus được ghi lại bởi đoạn băng nghe lén.