Theo thống kê cứ 217 người sẽ có 1 người cần tế bào gốc để điều trị bệnh trong cuộc đời họ. Chính vì vậy, ngày càng nhiều gia đình lưu trữ máu cuống rốn cho con, không chỉ tạo nguồn tế bào gốc có sẵn trong trường hợp đứa trẻ không may mắc các bệnh trong tương lai mà còn có thể dùng để điều trị cho những người thân.
Máu cuống rốn là gì?
Cuống rốn là một bộ phận giúp cung cấp dinh dưỡng nuôi thai nhờ sự kết nối thai nhi với nhau thai trong tử cung người mẹ. Máu cuống rốn là máu được lấy từ cuống rốn và nhau thai sau khi sinh con và cắt rốn.
Trước kia, sau khi cắt rời khỏi em bé, dây rốn và bánh nhau (nhau thai) được xem như một loại rác thải y tế. Ngày nay, trước sự ra đời của nhiều phương pháp điều trị mới sử dụng tế bào gốc, máu cuống rốn sẽ được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ lại. Mục đích của việc lưu trữ tế bào gốc là phục vụ điều trị cho chính người sở hữu dây rốn đó hoặc các thành viên khác trong gia đình khi có vấn đề về sức khỏe.
Từ những năm đầu của thập niên 80, máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa một nguồn dồi dào tế bào gốc hệ tạo máu. Trường hợp ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên được thực hiện vào tháng 10/1988, bởi bác sĩ Eliane Gluckman - Bệnh viện Saint Louis, Pháp. Bệnh nhân là bé trai 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi, từ máu cuống rốn của em gái. Sau ghép tủy mọc tốt, bệnh nhân khỏi bệnh và cho đến nay bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng sức khỏe ổn định. Từ đó, máu cuống rốn được sử dụng ngày càng nhiều để ghép trên lâm sàng như một nguồn tế bào gốc để thay thế tủy xương.
Đến nay, trên thế giới đã có nhiều ngân hàng máu cuống rốn được thành lập và cũng đã thực hiện ghép nhiều ca máu cuống rốn đồng ghép và dị ghép. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội ngân hàng máu cuống rốn quốc tế NETCORD, đến quý 2 năm 2011, có 194.121 đơn vị máu cuống rốn được lưu trữ trong các ngân hàng và 9.358 trường hợp ghép tế bào gốc máu cuống rốn được tiến hành trên bệnh nhân từ nguồn người cho có quan hệ đồng huyết thống hoặc không đồng huyết thống.
3 lợi ích từ lưu trữ máu cuống rốn
Tế bào gốc là dạng tế bào đặc biệt, có khả năng tự tái tạo và biệt hóa thành những tế bào chuyên biệt. Chính những đặc điểm này mà tế bào gốc đang được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh di truyền, bệnh do cơ quan tạo máu, bệnh miễn dịch.
Tế bào gốc có thể lấy từ 3 nguồn: Máu ngoại vi, tủy xương, máu cuống rốn. Tuy nhiên, việc lưu trữ tế bào gốc máu ngoại vi và tủy xương đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, có xâm lấn và tốn kém hơn nên máu cuống rốn được ưu tiên sử dụng. Đặc biệt, tế bào gốc được lấy từ máu cuống rốn là những tế bào nguyên thủy hơn so với tế bào gốc được lấy từ máu ngoại vi và tủy xương. Nghĩa là tế bào gốc máu cuống rốn có độ thích ứng cao hơn, phát triển nhanh hơn và tạo ra những tế bào máu khỏe mạnh.
Máu cuống rốn có thể sử dụng điều trị hơn 80 bệnh lý nguy hiểm
Tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn nếu được lưu trữ có thể sử dụng trong điều trị hơn 80 bệnh lý bao gồm bệnh bạch cầu, u lympho, ung thư máu, suy tủy, bệnh tự miễn (tiểu đường) hoặc các bệnh rối loạn di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh).
Ngoài ra, tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: Cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào gan, tế bào thận, tế bào não, tế bào phổi, tế bào da và tế bào tuyến tụy. Vì vậy, ngoài điều trị huyết học, tế bào gốc máu cuống rốn còn được nghiên cứu trong điều trị nhiều bệnh lý khác như tổn thương tim, tổn thương tủy sống, tổn thương não.
Nếu lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn, sau này khi trẻ chẳng may mắc bệnh cần dùng tế bào gốc để điều trị, đây sẽ là nguồn tế bào gốc phù hợp nhất, không gây ra những phản ứng thải ghép của cơ thể. Thậm chí nếu người thân trong gia đình cần sử dụng tế bào gốc để điều trị thì khả năng phù hợp giữa người bệnh và mẫu tế bào gốc của trẻ sẽ cao hơn so với nguồn tế bào gốc từ những người không cùng huyết thống.
Có thể lưu trữ máu cuống rốn trong bao lâu?
Máu cuống rốn được thu thập và xử lý dễ dàng mà hoàn toàn không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Có thể áp dụng cho cả sinh thường và sinh mổ.
Việc lấy và lưu trữ máu cuống rốn rất đơn giản, không gây đau đớn
Trước đây, thời gian lưu trữ máu cuống rốn được xác định trong khoảng 25-30 năm. Song, các nhà khoa học cho rằng các tế bào được bảo quản trong điều kiện đông lạnh không có ngày hết hạn và máu cuống rốn đông lạnh có thể lưu trữ vô thời hạn. Điều này được dựa trên 2 giả thuyết:
- Tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ ở nhiệt độ < -190 độ C, mức ngừng hoạt động sinh học.
- Tinh trùng và các tế bào khác khi được lưu trữ trong vòng 50 năm vẫn có thể hoạt động sau khi giải đông.
Trước khi sinh, người mẹ cần đến các cơ sở lưu trữ tế bào máu cuống rốn xét nghiệm sức khỏe nhằm đảm bảo bản thân không mắc các bệnh truyền nhiễm, ung thư, bệnh miễn dịch, nhiễm trùng,...
Máu cuống rốn sau khi được thu thập sẽ được chuyển về ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn để tiến hành các bước xử lý tiếp theo nhằm loại bỏ những thành phần thừa, tinh lọc tế bào gốc và lưu trữ.
Nguồn tham khảo: BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM; hệ thống y tế Vinmec