Là người Việt đầu tiên được đề cử vào ban điều hành quốc tế của tổ chức AIESEC, Milena Nguyễn đã có những trải nghiệm giúp cô thay đổi nhận thức. Từ một người nuôi ước mơ có cuộc sống ổn định, Milena đã tìm lại chính mình và trở thành một chuyên gia khai vấn kiêm huấn luyện viên yoga và thiền.
Câu chuyện của cô gái hướng nội là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chỉ cần bạn đủ quyết tâm, thành công sẽ theo đuổi bạn…
Từng theo học tại trường Đại học Hà Nội, vì sao chị lại chọn đến với yoga, thiền và khai vấn?
Trước đây, tôi theo học ngành Quản trị kinh doanh. Cũng giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, tôi có suy nghĩ rằng sau khi ra trường sẽ làm việc tại một công ty nước ngoài. Đó chính là mục tiêu lớn mà tất cả mọi người đều khao khát.
Tôi may mắn được tham gia vào tổ chức thanh niên quốc tế AIESEC và có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nhờ vậy, “đôi mắt” của tôi được mở ra và có cái nhìn rộng hơn so với trước đây.
Sau 6 năm làm việc, tôi có những bước tiến từ chi nhánh AIESEC ở Việt Nam tại Hà Nội đến ban lãnh đạo AIESEC quốc tế. Tại đây tôi có một dấu ấn đáng nhớ là trở thành người Việt Nam đầu tiên được chọn vào ban điều hành của AIESEC quốc tế. Trong những năm làm việc, tôi được học hỏi và mở mang nhiều hơn. Cũng từ đó, tôi có những ước mơ lớn hơn. Hay nói cách khác, làm việc tại AIESEC giúp tôi nhìn thấy những tiềm năng mới.
Sau khi hoàn thành trải nghiệm với AIESEC, tôi nghĩ mình cần có thời gian để hiểu bản thân trước khi đi tìm một công việc mới. Dù có rất nhiều lời mời làm việc từ các công ty, tổ chức lớn trên thế giới nhưng tôi quyết định từ chối tất cả, dừng lại 6 tháng để tìm kiếm bản thân. Trong thời gian đó, tôi đi du lịch, viết lách, suy ngẫm nhiều hơn. Sau hành trình nửa năm, tôi nhận ra mình muốn làm điều gì có ý nghĩa.
Tất nhiên, khái niệm về “ý nghĩa" với mỗi người sẽ không giống nhau. Có thể điều này tôi thấy ý nghĩa nhưng chưa chắc đã là ý nghĩa với người khác. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra điều gì có giá trị đối với chính mình là gì?
Tôi nhận ra điều giá trị nhất mình có thể làm đó là giúp mọi người tìm lại sự bình an. Trong quá trình làm việc tại AIESEC, tôi đã biết đến thiền và yoga. Những bài tập này mang lại cho tôi sự bình yên và hạnh phúc. Do đó, tôi quyết định mở trung tâm dạy yoga và thiền tại Hà Nội.
Quyết định bất ngờ đó mang tới cho chị những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Câu chuyện mở trung tâm đầu tiên của tôi không hề màu hồng. Trước khi trở về Việt Nam, tôi đã có thời gian làm việc tại Châu Âu. Thời điểm bố mẹ nghe tôi nói muốn trở thành HLV yoga, dạy thiền và mở trung tâm, họ đã rất bất ngờ. Thậm chí bố mẹ còn cho rằng tôi bị “dở hơi” vì tại sao không đi làm cho các công ty đa quốc gia.
Dù vậy, tôi vẫn lựa chọn đi con đường của riêng mình và mặc kệ sự phản đối của những người xung quanh. Tôi lấy hết tiền tiết kiệm của mình để mở trung tâm đầu tiên. Tôi vẫn còn nhớ ngày mở cửa trung tâm, đó là một trong những ngày tôi hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Tuy nhiên, sau 2 năm tôi phải đóng cửa vì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trong suốt 2 năm đó, đã có những tuần tôi dạy 20 lớp nhưng số tiền nhận lại mỗi tháng chỉ có 5 triệu đồng. Đây là số tiền tôi có thể tự trả lương cho chính mình sau khi chi trả tất cả các chi phí khác.
Với cương vị của một người khởi nghiệp, tôi đã thực sự thất bại. Tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều bài học để có thể mở ra doanh nghiệp về khai vấn của mình ngay sau đó.
Điều gì đã thôi thúc và cho chị niềm tin để tiếp tục khởi nghiệp ngay sau vấp ngã đầu tiên?
Đó có thể coi là màn đánh cược lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Khi mình ở dưới đáy, việc duy nhất có thể đó là đi lên.
Điều đầu tiên tôi đặt ra đó là học cách để trở thành một doanh nhân thay vì một người huấn luyện viên tốt. Trước kia, tôi cho rằng mình là người dạy yoga tốt về chuyên môn và nhiều khía cạnh khác. Nhưng sự thực là tôi chưa thể thành công.
Trải qua 2 năm liền nhận lương 5 triệu đồng/tháng, tôi chỉ có 10 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm. Trong khi đó, chương trình mà tôi đăng ký có học phí hơn 40 triệu đồng. Nhưng tôi vẫn quyết định cá cược vào bản thân mình.
Nhờ quyết định đó, tôi đã thu về những thành quả đầu tay. Khi chỉ có 10 triệu đồng trong tay, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi con đường này. Điều may mắn là chương trình có hình thức trả góp. Tôi chỉ cần đóng trước một khoản và hoàn thành nốt số tiền còn lại vào những tháng sau.
Sau 3 tháng, doanh nghiệp của tôi đã đạt đến mức doanh thu 160 triệu đồng/tháng. Con số này nhiều hơn cả 2 năm tôi làm yoga studio. Đây là minh chứng cho việc thành công sau khi cá cược vào bản thân, gạt bỏ những nghi hoặc và bước tiếp.
Đến bây giờ tôi nhận ra, cá cược vào bản thân mình là cuộc cá cược an toàn nhất vì người duy nhất chúng ta có thể kiểm soát là chính mình.
Trên hành trình đã qua đó, chị cho rằng, trở ngại lớn nhất mình từng vượt qua là gì?
Tôi nghĩ không có trở ngại lớn nhất khi nói về việc xây dựng doanh nghiệp trong 6 năm vừa qua. Mỗi ngày, mỗi tháng sẽ có trở ngại riêng. Vì chúng ta luôn phát triển nên có vấn đề phát sinh là điều bình thường.
Trong quá trình đến với thành công, tôi trải qua rất nhiều thất bại nhỏ. Có những dự án diễn ra không đúng như mong muốn hoặc khách hàng nói “không"... Sau tất cả, những trở ngại đó dạy cho chúng ta rất nhiều bài học.
Theo quan điểm của tôi, khi tạo ra một doanh nghiệp, không có khái niệm thành công hay thất bại. Dù cho đạt được mục đích hay không thì đó đều là bài học mà chúng ta có được.
Có hai cách để thất bại đó là dừng lại và không bắt đầu. Nếu bạn vẫn kiên trì đi tiếp thì sẽ luôn thành công.
Ở thời điểm hiện tại, chị là một chuyên gia khai vấn. Thế nhưng chị từa nhận, trước đây cũng từng mông lung, không xác định được mình muốn gì và sẽ làm gì. Chị đã khám phá ra bản thân thế nào?
Việc tìm lại bản thân không hề khó như mọi người tưởng tượng. Vì con người chúng ta vẫn luôn ở đây và mong muốn được tìm lại bởi chính mình.
Tâm hồn luôn luôn muốn trò chuyện với chúng ta. Chỉ là chúng ta không dám tĩnh lại để lắng nghe vì sợ khi biết được sẽ phải thay đổi. Tất cả mọi người đều sợ phải thay đổi.
Nhiều người dù làm công việc không thích hoặc trong mối quan hệ độc hại vẫn muốn níu kéo vì đó là thứ quen thuộc và khiến chúng ta cảm thấy an toàn. Dù mọi người biết rằng chỉ mang lại đau khổ, mệt mỏi nhưng vẫn giữ lại vì cho rằng đó là thứ mình nắm rõ. Tâm trí của chúng ta sợ điều này nên không dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Trước đây, dù làm tại tổ chức AIESEC và có vinh dự rất lớn, tôi vẫn cảm thấy lạc lối. Ngay từ bên trong, tôi luôn cảm thấy mình đang đánh mất bản thân. Điều đó dẫn đến việc tôi bị trầm cảm trong một khoảng thời gian.
Sau này, tôi hiểu được mình phải tìm ra điều bản thân mong muốn nếu không sức khỏe tinh thần sẽ tiếp tục đi xuống. Cách tôi lắng nghe chính mình đó là viết, sống chậm lại, ngồi thiền hoặc đi dạo…
Khi đi theo tiếng gọi của tâm hồn, làm thế nào để chúng ta không bị lạc lối?
Với tôi, nghe theo tâm hồn không đồng nghĩa với đam mê và bay bổng. Điều quan trọng là bạn biết sử dụng tâm trí theo cách tốt nhất. Tâm hồn cho chúng ta sự chỉ đường. Trong khi đó, lý trí có thể hỗ trợ để bạn tìm đường đến với đích đến đã đặt ra.
Nếu bạn cứ đi theo tiếng gọi của tâm hồn nhưng không biết cách để duy trì thì không thể đi đường dài…
Sự khác biệt ở đây là bạn để cho tâm trí làm chủ hay tự mình làm chủ tâm trí. Nếu tâm trí điều khiển thì chúng ta sẽ dễ sợ hãi, do dự. Ngược lại, nếu làm chủ tâm trí, chúng ta có thể hướng tư duy của mình để giải quyết vấn đề, học thêm kỹ năng mới…
Người mơ mộng và người khởi nghiệp là yếu tố bạn cần kết hợp với nhau. Nếu bạn chỉ có ước mơ mà không có kiến thức, không có kỹ năng, không ai hỗ trợ thì sẽ rất nhanh bị “vỡ mộng”.
Không ai sinh ra đã trở thành doanh nhân. Nhưng tạo nên một doanh nghiệp là điều bạn hoàn toàn có thể làm được. Nhiều người nghĩ rằng mình phải hướng ngoại, giỏi về con số thì mới có thể làm doanh nhân nhưng không phải. Bản thân tôi là một người hướng nội, cũng không giỏi tính toán và sống thiên về cảm xúc. Hiện tại, tôi đã xây dựng doanh nghiệp và thành công. Điều đó chứng minh rằng, bất cứ ai cũng có thể chạm tới ước mơ nếu đi đúng hướng.
Đương nhiên trước mỗi lựa chọn, tâm hồn sẽ nói rằng kia là đích đến. Nhưng sau đó, tâm trí sẽ “nhảy vào" và khiến chúng ta nghi hoặc bản thân, nghi ngờ mục tiêu và trở nên sợ hãi.
Tôi thường hay nói với mọi người “ngoài vòng thoải mái là không gian của phép màu". Bạn chỉ cần có sự hỗ trợ và can đảm để bước ra thì đã có thể chứng kiến những điều kỳ diệu. Thậm chí chỉ cần đứng ở trên ranh giới thì bạn sẽ thấy những điều mới xảy ra trong cuộc sống, thậm chí ngoài sức tưởng tượng.
Đến nay chị đã truyền cảm hứng đến hàng chục nghìn người. Với chị như vậy đã là thành công?
Tôi rất biết ơn vì những trải nghiệm trong thời gian vừa qua. Tôi may mắn vì có cơ hội được hỗ trợ nhiều người ở khắp quốc gia khác nhau. Nhưng không dừng lại ở đó, tôi vẫn có những mục tiêu khác nhau.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thành công là hành trình “luôn luôn”. Tôi vừa biết ơn, vừa thỏa mãn nhưng vẫn có mục tiêu mới để hướng đến.
Việc chúng ta tự định nghĩa được thành công rất quan trọng. Đối với tôi, thành công là được đi theo con đường mà trái tim mách bảo chứ không phải đi theo lời chỉ dẫn của những người xung quanh. Hay nói cách khác, đó là đi theo tiếng gọi của tâm hồn.
Chỉ cần bước vào hành trình đó đồng nghĩa với việc mình đã chiến thắng. Bất kể kết quả ra sao, thành tựu đến đâu hay gặp chướng ngại vật như thế nào, những điều mà chúng ta gặp phải đều là một phần thử thách. Nhiệm vụ của chúng ta là đón nhận, trải nghiệm để có thể học hỏi và lớn lên.
Sau khi tiếp xúc với các học viên đến từ khắp nơi, chị nhận thấy điều gì cản trở phụ nữ gây dựng sự nghiệp?
Phụ nữ thường dễ nghi hoặc về giá trị, kiến thức và kỹ năng của bản thân mình. Khi bạn còn nghi ngờ, việc mạo hiểm gần như không thể. Bạn phải đầu tư vào bản thân mình thì mới có thể tạo ra lợi nhuận hay kết quả mà mình mong muốn.
Nhiều cô gái sinh ra và lớn lên được mọi người dạy bảo rằng phải an toàn. Công thức chung đó là vào đại học, tốt nghiệp và xin vào một vị trí ổn định, lập gia đình, sinh con… Phụ nữ châu Á nói chung bị ảnh hưởng khá nhiều từ hệ tư tưởng này. Trong khi đó trở thành một doanh nhân cần có sự mạo hiểm.
Đây không phải lỗi của phụ nữ mà là vấn đề của toàn xã hội. Khi nhìn vào cách nuôi dạy một em bé gái và em bé trai, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Hầu hết các gia đình giáo dục bé trai bằng cách để đứa trẻ đó tự ngã hoặc có những trò chơi táo bạo. Điều này đã giúp phái mạnh hình thành tư duy rằng “mình được thử và có thể sai".
Ngược lại, đối với bé gái, mọi người thường dạy rằng “con phải như thế này", “con không được làm cái kia…”. Những người phụ nữ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ hình thành tư duy mình cần phải an toàn và ổn định. Đây là quan điểm rất sai.
Tất cả những nghi hoặc đều không phải sự thật. Trên thực tế, chúng ta có giá trị vượt xa tất cả những định kiến và có quyền đi theo con đường mà tâm hồn mình lựa chọn.
Xã hội có định kiến rằng phụ nữ làm việc theo cảm tính và không hợp với kinh doanh. Chị nghĩ gì về điều này?
Tất cả những định kiến đó là một phần của chế độ gia trưởng. Điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta đổ lỗi cho tất cả đàn ông. Thứ tôi muốn đề cập tới đó là việc người phụ nữ bị thu mình và nghĩ rằng bản thân không có nhiều giá trị. Tuy nhiên những định kiến này hoàn toàn sai.
Trong thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu và báo cáo cho thấy rằng phụ nữ là những người đi đầu trong đầu tư hay lãnh đạo. Khi bạn đầu tư một đồng vào đàn ông và phụ nữ thì người phụ nữ sẽ mang lại nhiều giá trị hơn. Đây là sự thật đã được chứng minh qua những con số.
Tôi nghĩ tất cả các bạn nữ phải ý thức được đó là định kiến sai lầm. Tôi tin phụ nữ có một “siêu năng lực" đó là kết nối cảm xúc của mình và trực giác. Chỉ cần mọi người cho mình cơ hội để bước ra thì ai cũng có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Cuối cùng, chị cân bằng thời gian cho công việc và việc cá nhân như thế nào?
Trong cuộc sống không thể tránh khỏi việc quá tải nhưng điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến đó là làm thế nào để giảm tải áp lực. Tôi không cố gắng để trở thành một super woman (siêu nữ) hay một bà mẹ hoàn hảo. Tôi cho rằng mình chỉ là người phụ nữ bình thường dám đi theo ước mơ.
Vì vậy ở gia đình tôi không cố làm tất cả mọi việc. Tôi cho con đi nhà trẻ sớm và nhận sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Tôi nghĩ rằng phụ nữ không cần phải cố phải trở thành một người quá xuất chúng. Thay vào đó, bạn có thể cho phép gia đình và chính bản thân mình không hoàn hảo.
Ngoài công việc và gia đình, chúng ta còn phải dành thời gian cho bản thân. Đó chính là vấn đề của phụ nữ nói chung. Mọi người thường không nghĩ đến việc dành thời gian cho chính mình.
Khi dành thời gian cho bản thân, bạn sẽ tạo ra nhiều thời gian hơn cho công việc và gia đình. Nếu không, bạn sẽ luôn cảm thấy mình đang ở trong một guồng quay của sự bận rộn và mệt mỏi…
Ví dụ mỗi sáng dành ra 30 phút cho chính mình để ngồi thiền, tập yoga hoặc viết lách, ngồi thở… bạn sẽ nhận lại được 3 tiếng. Thay vì mất 4 tiếng ngồi tại bàn làm việc, bạn có thể giải quyết điều đó trong vòng 1 tiếng.
Mỗi người sẽ chỉ có 24 tiếng mỗi ngày. Vì vậy khái niệm cân bằng giữa công việc và gia đình là điều không thể. Bạn cần ưu tiên cho bản thân và những nhu cầu của chính mình. Khi đó, những người ở xung quanh chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ.
Điều mà phụ nữ cần làm đó là quay trở về với chính mình và nhận ra giá trị của bản thân. Khi đã hiểu ra, bạn sẽ biết mình không cần chứng minh giá trị với bất kỳ ai.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: 'Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô la không mua được 1 năm tuổi trẻ'