Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: 'Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô la không mua được 1 năm tuổi trẻ'

Lê Anh - Hoàng Ly | 03-09-2022 - 07:43 AM

Khởi nghiệp với ngành thời trang từ khi còn ngồi trên giảng đường và làm trái ngành, Nguyễn Thùy Linh Cát nuôi giấc mơ mở những cửa hàng nhượng quyền của riêng mình từ khi còn chưa có thương hiệu riêng. Đưa chuỗi thời trang nam CATSA lên tới 40 cửa hàng, rồi lại giảm xuống để chuyên nghiệp hoá, Linh Cát chọn cho mình một định nghĩa thành công rất khác.

Nhìn Nguyễn Thùy Linh Cát ngoài đời, ít người nghĩ nữ CEO xinh đẹp, hay cười và luôn mang nguồn năng lượng tích cực này lại từng trải qua không ít biến cố trong cuộc sống và con đường khởi nghiệp. Hoặc có lẽ, chính những tổn thương mà người phụ nữ này phải chịu đựng đã tạo nên một Linh Cát ở hiện tại.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 1.

Cơ duyên nào dẫn lối chị đến với kinh doanh từ khi còn là sinh viên năm 2 đại học?

Thực ra cơ duyên dẫn lối tôi đến với kinh doanh còn sớm hơn nữa, giống như dòng máu kinh doanh đã chảy sẵn trong người vậy. Năm 17 tuổi, tôi đã biết đến và mê mẩn mô hình kinh doanh nhượng quyền khi đọc quyển sách "Franchise, Nhượng Quyền Thương Hiệu" mượn của một người bạn.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 2.

Từ đó, tôi đã nuôi ước mơ sẽ xây dựng một thương hiệu theo mô hình này. Khi nói chuyện này với một vài người thì họ bảo: "Con nhỏ này bị rồ rồi!". Nhưng bản thân tôi vẫn tin là mình sẽ làm được một ngày nào đó.

Lên đại học, ngay từ năm nhất tôi đã rất mê kiếm tiền và làm thêm nhiều công việc. Ngày đó, tôi từng làm ở Lotteria. Vừa làm, tôi vừa tìm hiểu Lotteria có phải là nhượng quyền hay không, vừa quan sát cách họ vận hành, đào tạo, phân ca nhân sự và để ý về cách nhận diện thương hiệu, màu sắc… Tất cả những gì hình dung được từ quyển sách nhượng quyền đã đọc tôi đều đem ra thực tế để quan sát.

Đến năm 2 đại học, tôi biết một người bạn bán giày rất tốt trên các trang thương mại điện tử là 123mua.vn và 5giay.vn, nên nảy ra ý định kinh doanh thời trang. Lúc đó, tôi cũng chẳng có kế hoạch gì mà đơn giản là vốn có máu kinh doanh sẵn, và thấy có cơ hội nên cứ thế liều mình thử sức thôi.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 3.

Từ kinh doanh online với thời trang, chị đến với sản xuất thương hiệu thời trang nam ra sao khi mà bản thân mình cũng không có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về lĩnh vực này?

Lúc đó, tôi nhận thấy trên thị trường online cho giới trẻ có rất ít thương hiệu đồ nam, đa số được nhập từ Trung Quốc. Hai thương hiệu thời trang nam nổi lúc đó chỉ có Việt Tiến, Nguyễn Long và chủ yếu bán đồ công sở.

Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng nên tôi muốn thử sức. Điều này cũng có lý do từ việc ba tôi là thợ may, còn chị gái học thiết kế thời trang nữa. Và ban đầu, chúng tôi đặt tên cho shop là Nguyên Sa (tên chị gái) và chủ yếu may để bán online. Tuy nhiên, sau một thời gian, thiên hướng của 2 chị em khác nhau nên tôi tách ra mở cửa hàng riêng và lấy tên là Cát Sa (CATSA sau này) với mục tiêu sẽ mở các cửa hàng nhượng quyền.

Lúc đó, mặc dù không được học chuyên ngành về kinh doanh, cũng không được đào tạo bài bản về nhượng quyền nhưng quả thực khi đam mê đủ lớn thì nó sẽ tự dẫn lối cho mình đi.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 4.

Mới bước chân và ngành sản xuất thời trang mà đã tách riêng khỏi những người có kinh nghiệm và chuyên môn, với một thương hiệu mới toanh, chị gặp những khó khăn gì?

Tôi bị cả gia đình phản đối ngay từ lúc bắt đầu khởi nghiệp CATSA. Lúc đó, gia đình không một ai có lòng tin ở tôi, ba mẹ lo con gái sẽ thất bại nên cũng không ủng hộ. Thậm chí, gia đình còn ngăn cản người quen cho tôi vay tiền để mở cửa hàng khiến tôi rất khổ tâm, cho rằng mọi người đang chặn đường phát triển của mình.

Mặc cho bị ngăn cản, tôi vẫn quyết tâm một mình ra ngoài, thuê một căn nhà với giá 6 triệu để ở và bắt đầu gây dựng CATSA. Giai đoạn này tôi thực sự cô đơn và thiếu thốn: thiếu vốn, thiếu nền tảng, thiếu người dẫn dắt và thiếu cả sự hỗ trợ từ gia đình. Đêm nào tôi cũng khóc vì buồn tủi. Lúc đó, có lẽ đam mê là lý do duy nhất khiến tôi vẫn tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.

Khi khởi nghiệp riêng, tôi bán chiếc xe máy, cộng với số tiền tích góp từ trước được 75 triệu đồng, còn tôi vay thêm được một người quen nên có tổng 150 triệu để mở cửa hàng đầu tiên với thương hiệu CATSA. Giai đoạn này, may mắn có anh trai đã đứng về phía tôi và hỗ trợ tôi rất nhiều.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 5.

Mới làm kinh doanh thời trang, CATSA đã có nền tảng gì về thương hiệu và quy trình để có thể làm nhượng quyền?

Đơn giản là ngay từ đầu, tôi xây dựng CATSA vì muốn làm nhượng quyền chứ không phải vì đam mê kinh doanh thời trang. Hơn nữa, tôi cũng không có tiền nên nhận ra rằng nếu mình tự làm sẽ mất rất lâu mới có thể tích góp đủ vốn cho cửa hàng tiếp theo. Vậy nên tôi xây dựng CATSA theo mô hình nhượng quyền vì nghĩ rằng mô hình này sẽ giúp tôi mở các cửa hàng nhanh nhất. Đó cũng là lý do mà có thời điểm chuỗi thời trang nam của CATSA lên tới 40 cửa hàng.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 6.

Mô hình nhượng quyền phải có sự chuyển giao rất nhiều thứ, vậy thời điểm đó, CATSA chuyển giao những gì?

Đúng là thời điểm này CATSA chưa chuyên nghiệp, chưa có quy trình vận hành bài bản để chuyển giao. Nhưng thương hiệu CATSA đã được nhiều bạn trẻ biết đến vì sản phẩm chất lượng, trẻ trung, giá thành lại hợp lý. Tôi rất chịu chi cho MKT quảng cáo. Một phần những đại lý nhượng quyền lúc này cũng chưa hiểu nhiều về nhượng quyền. Mặt khác vì tôi muốn các đối tác hợp tác với mình phải có lợi nhuận và cùng nhau thành công, vì vậy mà họ tin tưởng tôi vì cái tâm.

Một trong những bước ngoặt lớn là vào cuối năm 2012. Lúc đó, tôi vay được 500 triệu để đầu tư thêm cho sản xuất và mở cửa hàng, nhưng khi nhận thấy có cơ hội đẩy mạnh bán, tôi quyết định chi 320 triệu đồng để mua banner trang chủ của 123mua trong 6 tuần gần Tết – trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam thời điểm đó.

Với một thương hiệu bé tí như CATSA lúc đó, khoản đầu tư này là cực lớn và quyết định liều vì nói thật là tôi cũng chẳng được học gì về marketing lúc đó, đơn giản làm theo bản năng thôi. Nhưng kết quả thì đó lại là quyết định "liều ăn nhiều".

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 7.

Cuối năm 2012, doanh số của các cửa hàng CATSA thật sự rất bùng nổ tạo nên một cú huých lớn cho các cửa hàng nhượng quyền tiếp theo. Sau đợt chi mạnh vào marketing này, từ 5 cửa hàng, CATSA có thương hiệu hơn, bán tốt hơn, bắt đầu mới nhượng quyền mạnh mẽ. Đến năm 2014 thì đạt 40 cửa hàng

Thương hiệu mới xuất hiện, không có nhiều kiến thức về nhượng quyền cũng như các quy trình vận hành chuyên nghiệp…, những đối tác thấy gì hấp dẫn ở chị khi đi đàm phán mà muốn nhượng quyền, giúp CATSA phát triển tới 40 cửa hàng chỉ trong vài năm như vậy?

Sau một thời gian ngắn phát triển, tôi có được một sản phẩm chủ lực là áo polo. Vào thời điểm đó, tôi có thể tự tin nói rằng trong các thương hiệu local của Việt Nam cùng phân khúc với mình, CATSA là thương hiệu đi đầu và phát triển loại áo này mạnh nhất.

Trước kia người ta nghĩ rằng áo polo là kiểu áo chỉ phù hợp cho những nơi trang trọng, thế nhưng CATSA đã thay đổi lối suy nghĩ đó của khách hàng. Trong khi trên thị trường, áo polo chỉ có mấy kiểu đơn giản, dạng trơn Lacoste nhưng cũng không phải hàng thật và form dáng già dặn. Còn áo polo của CATSA được thiết kế rất trẻ trung, được làm bo cổ cách điệu, có thể phối nhiều màu đa dạng, in họa tiết hợp thị hiếu khách hàng. Vì thế, áo polo của CATSA vừa có thể mặc đi chơi, vừa có thể diện đến những nơi lịch sự.

Đợt đó, kiểu họa tiết in hình bàn cờ rất hot, tôi làm áo polo in ô đen trắng, tạo ra một cơn sốt kinh khủng, luôn cháy hàng vì thị trường chưa có sản phẩm kiểu như vậy. Hơn nữa, áo polo của CATSA luôn được làm từ loại vải cầm màu chất lượng cao nên sẽ không bị ra màu khi giặt… Đó chính là sản phẩm mà đối tác rất thích khi được mời làm cửa hàng nhượng quyền dù những thứ khác thì đúng là chưa có gì (cười).

Có một điểm về làm sản phẩm tôi tự đánh giá là mình mạnh, đó là dễ thích nghi, bắt trend nhanh và không ngại thay đổi. Tôi rất quyết đoán nên thấy cần thay đổi là làm luôn. Thời điểm bán các áo polo hoạt tiết bàn cờ, thị trường "cháy" đến mức áo trưng bày ở các cửa hàng CATSA cũng chỉ còn treo loe ngoe vài cái… Tất nhiên, cũng phải nói thêm một yếu tố là lúc đó thị trường cũng còn ít cạnh tranh chứ không như bây giờ.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 8.

Sau gần 4 năm khởi nghiệp, chuỗi thời trang nam CATSA phát triển tới 40 cửa hàng – có thể coi là đỉnh về số lượng, thì chị đột nhiên "mất tích" và CATSA không còn tăng trưởng những năm tiếp đó. Điều gì đã xảy ra vậy?

Năm 25 tuổi, tôi sinh em bé, đây cũng là lúc CATSA đang có tới 40 cửa hàng. Không lâu sau khi sinh con, tôi ly hôn. Thời gian đó, tôi gần như gác lại mọi công việc và dành ưu tiên cho con cái. Trong 2 năm này, có một bạn thay tôi làm CEO, điều hành công việc. Còn tôi chỉ theo dõi tình hình kinh doanh qua báo cáo thôi. CATSA vẫn hoạt động, có lợi nhuận nhưng không còn bứt phá như trước.

Biến cố ly hôn rồi trở thành mẹ đơn thân đã thay đổi chị như thế nào?

Khi bắt đầu ra ngoài khởi nghiệp, tôi muốn mình phải thành công: một là để chứng minh cho gia đình thấy, hai là nghĩ rằng nếu kiếm được tiền, mua được nhà, được xe thì mình sẽ hạnh phúc nên cứ cắm đầu cắm cổ làm việc. Cái lúc mà bạn bè đi chơi, trải nghiệm cuộc sống thì tôi chỉ có úp mặt đi làm thôi. Làm từ 6h sáng đến 12h đêm, ngay cả đi ngủ tôi cũng mơ mình thành công.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 9.

Lúc mua được căn nhà đầu tiên, khá khang trang và đẹp, tôi ở trong căn nhà đó một mình, đến giờ ăn không muốn ăn vì sợ cảm giác ăn cơm một mình. Do bỏ bữa thường xuyên nên tôi bị đau bao tử rất nặng. Tôi quá cô đơn.

Vì cô đơn nên tôi quyết định lấy chồng chứ không phải vì gặp đúng người. Lúc đó bạn bè hỏi: "Sao tự nhiên lấy chồng nhanh vậy?", tôi nói là "vì muốn có người ăn cơm chung. Chỉ một lí do đó thôi". Sau này tôi mới nhận ra cô gái lúc đó mang đầy tổn thương.

Lúc đó, tôi mới bắt đầu tự hỏi: "Vì sao mình đã có nhà, có xe, có chồng, đẻ con rồi mà vẫn không hạnh phúc?". Tôi mới thấm thía một câu rằng: "1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ". Tôi vừa không có được hạnh phúc, vừa đánh mất thanh xuân của mình. Đó cũng là lý do năm 2015, sau khi sinh con, tôi không còn tha thiết vùi đầu vào kiếm tiền nữa mà dành 2 năm ưu tiên cho việc chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ.

Và đến 2017 khi bé con đi học, tôi bắt đầu đi chơi và gặp lại bạn bè thì mọi người mới nói là: "Bao nhiêu năm qua ai đã giấu Cát ở đâu, mà sao Cát ‘lúa’ vậy?". Tôi mới bắt đầu làm lại. Tôi nghĩ rằng thanh xuân của mình mới bắt đầu ở 28 tuổi.

Đến năm 28 tuổi tôi mới hiểu tại sao mình bất an, tại sao mình không hạnh phúc. Và kể từ đó, tôi mới bắt đầu hành trình chữa lành cho bản thân. Tôi bắt đầu nghĩ lại những chuyện xưa, tha thứ cho ba mẹ, tha thứ cho người thân, tha thứ cho cả những người khác dù họ đã làm tổn thương mình…

Trong 2 năm chị ở nhà, CATSA có thế mạnh gì mà vẫn có lợi nhuận?

Đầu tiên, CATSA có một đội ngũ nhân viên rất có tâm, dù chưa có sự chuyên nghiệp nhưng các bạn đều hết mình vì công việc. Thứ hai là CATSA kiểm soát hàng tồn rất tốt. Thứ ba là CATSA có được lòng tin từ những đối tác nhượng quyền và cả khách hàng.

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, tôi luôn đặt lợi ích của khách hàng lên đầu, luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất có thể trong phân khúc giá của mình. Có lẽ vì thế nên những sản phẩm của CATSA luôn được khách hàng tin yêu.

Điều thứ 4 có lẽ là do văn hóa mua sắm vùng miền. Người miền Nam và nhất là người miền Tây khá dễ tính trong mua hàng, nếu chưa được chuyên nghiệp lắm họ vẫn dễ dàng bỏ qua. Tôi nghĩ vì những yếu tố đó nên trong 2 năm tôi ở nhà, CATSA vẫn ổn.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 11.

Quay trở lại sau 2 năm "ở ẩn", việc đầu tiên mà chị làm là đóng cửa hàng loạt cửa hàng nhượng quyền của CATSA. Tại sao chị lại quyết định như vậy?

Năm 2015-2017 là thời điểm mà thị trường phát triển rất là mạnh, nên khi trở lại sau thời gian chăm con, tôi cảm thấy mình bị tụt sâu so với bên ngoài. Những thương hiệu xuất phát cùng thời điểm đã phát triển mạnh hơn rất nhiều. Tình yêu với CATSA vẫn rất lớn nhưng tôi không còn thấy tự tin, tự hào khi giới thiệu với bạn bè đây là thương hiệu của mình.

Tôi thấy mình cần phải thay đổi. Một tòa nhà xây cao 5 tầng thì móng của nó cũng phải 5 tầng, trong khi đó CATSA có rất nhiều cửa hàng nhưng lại không xây dựng một nền móng vững chắc, rất khó để có thể đi xa hơn. Lúc đó, tôi nghĩ nếu như mình để thương hiệu cứ như thế này thì chỉ 1-2 năm nữa sẽ mất hết khách và thương hiệu cũng sập luôn.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 12.

Khi đó, tôi được bạn bè giới thiệu một anh là chuyên gia về visual merchandising (trưng bày cửa hàng) và từng làm concept cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Vascara, Canifa… Ngoài thiết kế concept mới cho cửa hàng, anh ấy còn cho tôi những lời khuyên về cách tổ chức hệ thống, bộ máy và phân loại sản phẩm để concept này được vận hành hiệu quả nhất.

Sau khi thực hiện concept đó, tôi thấy thú vị quá nên đi học luôn lớp về VM (Visual Merchandise), và cả Merchandise - đủ thứ về tính toán sản xuất, tính toán phân loại lên ngành hàng, chọn sản phẩm sản xuất, đánh giá tốc độ bán của sản phẩm…Tôi là người rất chịu khó đi học cái mới, và luôn sẵn sàng thay đổi cho CATSA tốt hơn mỗi ngày.

Nhớ lúc mới mở cửa hàng vào năm 2012, do tôi không biết nhiều về thời trang, không hiểu về các công đoạn may nên khó làm việc với xưởng. Thế nên tôi cũng đi học may để có thể làm việc hiệu quả hơn với thợ và các bạn thiết kế. Cứ cần tới đâu thì tôi học tới đó.

Đi cùng với đó, dù một số cửa hàng vẫn đang đóng góp doanh thu cho công ty song tôi vẫn quyết tâm đóng cửa nếu không đồng bộ với concept mới của mình hoặc không đi theo định hướng nhượng quyền chuẩn mà mình mong muốn. Khi chỉ còn 11-12 cửa hàng, tôi bắt đầu chuẩn hóa lại bộ máy, chuẩn hóa hệ thống nhân sự ở văn phòng và ra mắt concept mới, có đầy đủ các team hoạt động 1 cách chuyên nghiệp hơn.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 13.

Từ thời điểm 2018, CATSA đã thực sự nhượng quyền?

Đúng vậy, từ năm 2018, CATSA đang nhượng quyền thực sự chứ không còn là đại lý bán quần áo nữa. Hiện tại bên tôi đang chuyển giao nhiều thứ. Đầu tiên là giá trị của thương hiệu. 11 năm qua, CATSA đã có 1 tệp khách hàng rất lớn.

Bên cạnh đó, chúng tôi có concept thiết kế cửa hàng, ứng dụng visual merchandising là những nhận diện riêng, trong đó luôn có những tính toán bằng khoa học để làm sao có thể thu hút khách hàng nhất, đúng tệp khách hàng mình muốn hay là những thao tác mua sắm trong cửa hàng.

Ngoài visual merchandising, CATSA còn chuyển giao kỹ năng bán hàng, kỹ năng đào tạo nhân viên, kỹ năng quản lý cửa hàng. Tất cả những cái đó với một người mới bắt đầu xây dựng những viên gạch đầu tiên, mới mở cửa hàng thì họ sẽ không thể có một hệ thống đầy đủ như thế.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 14.

Sau 5 năm tái cấu trúc, CATSA đã làm được những gì và có kế hoạch gì trong tương lai?

Năm 2022 này là năm mà CATSA đang bắt đầu gặt hái thành quả của những thay đổi từ năm 2018. Tuy nhiên, để doanh số bùng nổ như kỳ vọng thì vẫn chưa vì mùa cao điểm cuối năm vẫn chưa tới.

Dù vậy, tôi vẫn thấy được sự tăng trưởng mỗi tháng, mọi thứ đang phát triển từng ngày nên 2022 là một năm kinh doanh khá tốt. Từ đầu năm đến giờ, CATSA đã mở thêm một số cửa hàng và sắp tới vẫn còn 4 - 5 cửa hàng nữa chuẩn bị khai trương. Tôi cũng đa dạng sản phẩm hơn lúc trước và phân loại các dòng sản phẩm riêng như đồ công sở, đồ đi chơi, phụ kiện. Mỗi dòng hàng cũng bắt đầu chuyên sâu hơn.

Hiện tại, bên cạnh áo polo và áo sơ mi là sản phẩm best seller thì quần quần tây dài cũng đang được cân nhắc trở thành key product của CATSA vì rất được khách hàng ưa chuộng. Để có được form dáng quần âu đẹp thì cần phải có người cắt may, lên dáng đúng chuẩn và CATSA đang có người thợ như thế. Cùng với chất lượng vải tốt và mức giá phù hợp thì quần âu đang là sản phẩm đang lên ngôi.

Cũng trong năm nay, CATSA sẽ có một sự kiện quan trọng là kỉ niệm CATSA 10 năm +1. Đây là cột mốc mà bản thân tôi kỳ vọng sẽ mang lại sự bùng nổ và tiếp tục lưu lại những dấu ấn của CATSA trong lòng khách hàng và đối tác.

Bây giờ, điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất đó là cảm giác tự hào đã quay trở lại. Tôi tự hào nói với mọi người đây là thương hiệu của tôi. Và tôi tự hào khi đi nhượng quyền, tự hào với đối tác. Tôi tự tin và thật tâm nói là mình tin nó sẽ thành công chứ không phải mình nói là để bán được cho người ta.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 15.

Sau khi phát hiện ra việc mình kiếm được nhiều tiền, mua được nhà, được xe… không phải là thành công vì chị không hạnh phúc. Đến giờ, chị định nghĩa thành công với mình là như thế nào?

Mỗi người có một định nghĩa thành công khác nhau, với tôi thành công là biết đủ. Tôi hài lòng với những gì mình đang có, cảm thấy đủ đầy nên tôi cho rằng mình thành công. Ngày trước, tôi có sáng lập và tham gia điều hành tại 2 công ty khác là Công ty công nghệ HIP và thương hiệu trà bánh Whisk. Tuy nhiên đến năm 2019, tôi đã rút cổ phần ở HIP vì cảm thấy không kham nổi và không cùng chí hướng. Đối với Whisk, tôi cũng không còn tham gia vào vận hành nữa mà dồn toàn bộ tâm huyết vào CATSA.

Tôi nhận ra rằng muốn làm gì cũng phải tập trung, nếu dàn trải quá sẽ khó để có thể làm tốt mọi việc. Thật may vì tôi kịp nhận ra điều đó và kịp quay về với đứa con tinh thần của mình. Khi phát triển CATSA, cũng có nhiều đối tác tìm đến để nhượng quyền nhưng nếu không phù hợp, tôi cũng không hợp tác vì tôi biết thế nào là đủ.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 16.

11 năm lăn lộn trên thương trường, theo chị, phẩm chất nào đã giúp chị trở thành một nữ doanh nhân thành công như hiện tại?

Người phụ nữ làm lãnh đạo cần có sự quyết đoán, quyết tâm. Nếu không có hai yếu tố này, họ dễ bị chi phối bởi những yếu tố khác và không thể đi đến mục tiêu cuối cùng. Bản thân tôi ngày xưa dù bị ngăn cấm và phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm làm và làm tới cùng bởi tôi luôn có niềm tin vào con đường mà mình đã chọn.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 17.

Là một phụ nữ quyết đoán và mạnh mẽ, nhưng chị có cho rằng người phụ nữ hiện đại cần phải mạnh mẽ không?

Nhiều lúc ra đường, gặp chuyện bất bình thì mọi người sẽ có xu hướng đứng về phái yếu nên tôi nghĩ nhiều khi phụ nữ được coi như phái yếu cũng là một cái lợi. Nghĩ tích cực thì khi là phái yếu, mình cũng được nhiều ưu thế hơn, được chăm sóc, che chở hơn. Còn nói phụ nữ phải mạnh mẽ thì tôi không nghĩ vậy. Phụ nữ nên mạnh mẽ thôi, còn nếu buộc phải mạnh mẽ thì thực ra không cần thiết.

Sau những thăng trầm trong công việc và cuộc sống, chị đúc rút được điều gì cho bản thân?

Mỗi một giai đoạn trong đời, chúng ta sẽ rút ra những bài học khác nhau. Với tôi, sau những biến cố trong kinh doanh và cuộc sống, tôi nhận ra rằng có lẽ thất bại là một tài sản và hãy tự do thất bại. Nếu bây giờ được quay lại một thời điểm trong quá khứ, tôi vẫn sẽ không thay đổi điều gì mà vẫn để mọi thứ diễn ra như nó đã từng. Khi thất bại, mình sẽ học được bài học quý giá và làm tốt hơn lần trước.

Dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, CEO chuỗi thời trang nam CATSA: ‘Khi thành công, tôi nhận ra 1 triệu đô không mua được 1 năm tuổi trẻ’ - Ảnh 18.

Điều quan trọng nữa là phải sống hết mình và nhận ra mục tiêu cuối cùng là gì. Ngày trước tôi cứ tưởng kiếm được nhiều tiền sẽ hạnh phúc nhưng không phải vậy. Tôi vẫn cô đơn, không cảm thấy bình an và hạnh phúc ở đâu cả.

Sau những gì đã trải qua, tôi nhận ra mục tiêu cuối cùng của mình là bình an, hạnh phúc chứ không phải là tiền. Bên cạnh đó, muốn thành công thì phải làm bằng cái tâm của mình, xây dựng mọi thứ có nền tảng, đừng vì kiếm tiền mà ăn xổi. Việc kiếm tiền chỉ là cái phương tiện để mình thỏa đam mê của mình thôi.

Bây giờ khi nhìn lại tất cả, tôi vẫn thầm cảm ơn những thất bại, vấp ngã đó, cảm ơn những người đã không ủng hộ mình. Nhờ vậy mà tôi có sự quyết tâm cao độ, có CATSA và Linh Cát ngày hôm nay.

Cảm ơn chị!

Lê Anh - Hoàng Ly
Hương Xuân

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Có một nơi chốn lưu giữ hàng triệu nụ cười Việt Nam!

Nụ cười giòn tan bên bạn bè, nụ cười e ấp của buổi hẹn hò đầu tiên, ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ được mẹ đưa đi khu vui chơi hay nụ cười đoàn viên của các gia đình bên nhau - Bao nhiêu ký ức rực rỡ của chúng ta đã được lưu giữ trọn vẹn ở Vincom suốt 20 năm qua...