Vì sao càng lớn chúng ta càng phải biết nói ‘không’ ?
Dù sự nghiệp chỉ vừa bắt đầu hay là đã ở đỉnh cao, đôi khi phải biết nói "không" để bản thân không bị quá tải công việc.
Những ngày đầu đi làm ở công ty cũ, trong buổi huấn luyện nhân viên mới, tôi đã được nghe sếp của mình diễn thuyết rất hùng hồn. Anh ấy nói rằng thành công chỉ đến với những ai luôn dang rộng đôi tay để đón nhận những cơ hội mới. Rằng "Là một người trẻ trước tuổi 30, nếu muốn một tương lai rực rỡ thì chớ nói "không" với bất cứ điều gì".
Anh đã khuyên chúng tôi như vậy. Tuy chưa biết hành trình phía trước sẽ thế nào, nhưng tôi đã cho phép mình tin, và đã rất tin vào những lời ấy.
Mãi đến sau này, tôi mới biết lời khuyên trên còn có một vế phía sau – mà anh đã quên không nói hết. Và lẽ ra chúng ta phải biết nói "không" để tự cứu chính mình.
Khi không biết nói "không", tôi gần như chấp nhận mọi lời mời lẫn đề nghị. Tôi không chỉ làm phần việc do mình phụ trách, mà còn giúp đỡ đồng nghiệp khi họ nhờ vả.
Tôi xông xáo tình nguyện nhận cả những tác vụ ngoài công việc như tổ chức sinh nhật cho một thành viên nào đó, trang trí phòng ốc chào mừng ngày giáng sinh hoặc gây quỹ từ thiện mùa bão lũ.
Những khi tan sở, dù cơ thể đã thấm mệt và có nguy cơ "viêm màng túi", tôi cũng nhận lời đi nhậu hoặc đi cà phê với đồng nghiệp, khách hàng hoặc bạn bè.
Vì ôm đồm quá nhiều thứ vào người, tôi phải dành hai ngày cuối tuần để hoàn tất nốt những phần việc còn dang dở, trong khi lẽ ra tôi đã có thể đi dã ngoại hoặc học một ngoại ngữ nào đấy.
Vào giai đoạn cao điểm kinh doanh của công ty, tôi chỉ ngủ có vài ba tiếng mỗi đêm, thậm chí thức trắng để làm những tác vụ không phải của mình. Và ngày hôm sau tôi phải ăn sáng trong lúc chờ thang máy và uống mấy cốc cà phê để có thể tập trung làm việc.
Nếu không biết cách nói "không", một ngày nào đó hạnh phúc sẽ nói "không" với bạn. Mãi sau này tôi mới nghiệm ra điều đó.
Một thời gian sau đó, tôi suýt gây tai nạn vì ngủ gật trong lúc đi xe máy, bị sếp khiển trách vì trễ hạn nhiều công việc quan trọng, và được bác sĩ chẩn đoán là rối loạn giấc ngủ kèm rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên, chỉ đến một buổi tối nọ, khi về nhà trọ sau một ngày làm việc dài và nhìn căn phòng đã ba tháng qua chưa một lần dọn dẹp, tôi mới nhận ra cuộc sống của mình mất cân bằng thật sự. Và có lẽ đã đến lúc phải tạm dừng để sắp xếp lại mọi thứ.
Khi sếp hỏi vì sao tôi bị quá tải, tôi đã lặp lại y chang những gì mà mình được chỉ dạy trong buổi huấn luyện nhân viên mới. Nhưng sếp lại lắc đầu bảo: "Đó chỉ là một cách nói để truyền động lực mà thôi. Không phải là "chớ nói ‘không’ với bất cứ điều gì", mà chính xác là "chớ nói ‘không’ với bất cứ điều gì mà năng lực và hoàn cảnh của bản thân có thể đáp ứng được".
Ngay lúc ấy, tôi nhận ra bấy lâu nay mình đã quá bám sát vào cái logic hình thức của một câu nói được phát ra trong phút giây cao hứng của diễn thuyết. Nó chỉ là một lời kêu gọi hành động. Và như nhiều lời kêu gọi hành động khác, tính truyền cảm của câu được ưu tiên thể hiện hơn tính chính xác.
Phải biết nói "không" với bất cứ thứ gì không hợp lý, và đừng bao giờ cảm thấy làm như vậy nghĩa là bạn không tốt. Nếu thật sự trân trọng thời gian của chính mình và biết yêu quý bản thân, hãy chỉ nói đồng ý với những thứ có ý nghĩa và làm chính mình hạnh phúc.
Vì chúng mới là những thứ khiến cuộc sống này trở nên đáng sống.