Sự HỢP TÁC hay CẠNH TRANH sẽ định hình khoa học và khám phá vũ trụ quốc tế trong thế kỷ 21 như thế nào? Câu trả lời có thể nằm ở việc hai siêu cường quốc vũ trụ, Mỹ và Trung Quốc, chọn giao dịch với nhau như thế nào trong vài năm tới.
Scientific America nhận định, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu toàn cầu về không gian theo nhiều chỉ số, nhưng Trung Quốc đang bắt kịp - và có khả năng vượt Mỹ để trở thành nước dẫn đầu. Đây là minh chứng:
Chỉ trong vài thập kỷ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã gặt hái được rất nhiều thành tựu vũ trụ, trong số đó phải kế đến sứ mệnh Thiên Vấn 1 (Tianwen-1). Thiên vấn 1 là chương trình khám phá sao Hoả của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), bao gồm một tàu quỹ đạo, một máy chụp ảnh, một tàu đổ bộ và một rover tự hành thăm dò bề mặt Hành tinh Đỏ.
Trong khi đó, ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng "Thiên Cung" - Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSS) của riêng nước này.
Không chỉ 'đơn phương' đạt được những thành tựu đưa Trung Quốc sánh ngang với Mỹ và Liên Xô trước đó, Bắc Kinh còn đặt tầm ngắm lên Mặt Trăng và thông báo về kế hoạch hợp tác 5 năm cùng với Nga để cùng xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế do các phi hành đoàn hai bên phụ trách.
Khi trạm Thiên Cung còn trong quá trình lắp ghép (dự kiến cuối năm 2022 mới hoàn thành), Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ hợp tác với tất cả các cơ quan vũ trụ khác trên toàn thế giới thông qua Liên Hợp Quốc, trong đó có Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
MỸ NÊN 'PHÁ BĂNG' QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC?
Sự nổi lên như vũ bão của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học không gian và khám phá vũ trụ - cùng với quan hệ đối tác mới với Nga - đang thúc đẩy các chuyên gia Mỹ xem xét lại lệnh cấm hợp tác song phương lâu nay - trong bối cảnh Mỹ vẫn 'đóng băng' quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, công nghệ vũ trụ từ thời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ra đời cách đây vài thập kỷ, Scientific America bình luận.
Một số chuyên gia cho rằng có thể đã đến lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải mở rộng vòng tay với Trung Quốc.
Đơn cử, Giáo sư John Logsdon, từ Trường Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington (Mỹ) cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa hợp tác và cạnh tranh, có thể là giữa hai khối - một do Mỹ dẫn đầu và một do Trung Quốc dẫn đầu. Và đó không hẳn là một điều xấu.
Rốt cuộc, chính sự cạnh tranh [giữa Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh] đã đưa chúng tôi lên Mặt Trăng năm 1969. Bởi vậy, có sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thế kỷ 21 chẳng qua là để cạnh tranh vị trí lãnh đạo toàn cầu".
"Điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là Nga đã từng đứng về phía Mỹ năm 1993 [trong việc chung ta xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế] để cứu chương trình không gian của họ. Và bây giờ tôi nghĩ rằng người Nga đang chuyển sang Trung Quốc để làm điều tương tự." - Giáo sư John Logsdon bổ sung thêm.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đang 'cấn vận' quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, vũ trụ và điều này đang gây khó khăn lên việc chính quyền mới của ông Biden mở rộng vòng tay với Trung Quốc.
Cách đây đúng 10 năm, vào năm 2011, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật gọi là Wolf Amendment (Bản sửa đổi Wolf, đặt theo tên Hạ nghị sĩ Frank Wolf - người đề xuất sửa đổi luật) cấm NASA sử dụng quỹ liên bang để tham gia hợp tác song phương, trực tiếp với chính phủ Trung Quốc mà không có sự cho phép của FBI và Quốc hội Mỹ.
Giáo sư John Logsdon tin rằng việc bãi bỏ đạo luật Wolf Amendment này sẽ đánh dấu một khởi đầu tốt đẹp.
KHÔNG! TRUNG QUỐC RẤT HIẾU CHIẾN
Bill Nelson, cựu thượng nghị sĩ của bang Florida và hiện là Giám đốc thứ 14 của NASA hoàn toàn không đồng ý. Ông tin rằng Washington và Bắc Kinh đang "chạy đua không gian rất ráo riết" và Mỹ phải cảnh giác cao độ!
Bill Nelson nói với Scientific America: "Tôi nghĩ chúng ta có một Trung Quốc rất hiếu chiến và họ đã thành công với một loạt mục tiêu đặt ra. Họ nói rằng họ sẽ tự xây dựng một trạm vũ trụ riêng - và họ đang làm với Thiên Cung. Họ nói rằng họ sẽ mang các mẫu vật Mặt Trăng trở về Trái Đất - họ đã thành công. Họ cũng là quốc gia thứ hai (sau Mỹ chúng ta) đưa tàu thám hiểm đổ bộ và di chuyển trên sao Hỏa. Rồi họ cũng nhắm đến Mặt Trăng để xây dựng nơi ở cho con người. Họ nói và đang làm!
Trên thực tế, chương trình không gian dân sự của Trung Quốc chính là chương trình không gian quân sự của họ. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến vào một cuộc chạy đua không gian với Trung Quốc".
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), chụp vào năm 2018, tồn tại nhờ mối quan hệ đối tác giữa Mỹ, Nga và nhiều quốc gia tham gia khác. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bị loại khỏi dự án vì sự phản đối của Mỹ. Ảnh: NASA và Roscosmos
Ngay cả trước khi đến NASA, Bill Nelson đã quá quen thuộc với tham vọng không gian của Trung Quốc. Trong 6 năm, ông chủ trì tiểu ban không gian tại Hạ viện Mỹ, và sau đó ông giữ chức vụ thành viên cấp cao của Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải — cả hai vị trí đều cần nhận thức kỹ lưỡng về các hoạt động không gian địa chính trị.
Thực chất, người đứng đầu NASA cũng không muốn 'đóng băng' hoàn toàn với Trung Quốc như bấy lâu nay vẫn làm. Tuy nhiên, ông muốn Mỹ hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc trong một dự án chung tương tự Trạm Vũ trụ Quốc tế... NHƯNG!
"Thật không may" - ông nói, "hiện tại, xu hướng giữ bí mật các chương trình không gian và công nghệ của Trung Quốc đã cản trở bất kỳ mối quan hệ đối tác tương tự nào. Chính Trung Quốc cần phải cởi mở hơn!"
Ngay cả khi Hạ nghị sĩ Frank Wolf đã nghỉ hữu năm 2015, ông vẫn trả lời phỏng vấn của The Politico rằng, "Tôi nghĩ lệnh cấm vẫn cần thiết cho đến ngày nay và nên được duy trì vĩnh viễn".
"Trung Quốc đã lấy rất nhiều từ Mỹ. Trung Quốc đang bắt kịp. Chúng ta (Mỹ) vẫn đang dẫn trước họ, nhưng họ đang bắt kịp Mỹ. Trung Quốc có nhiều điều để học hỏi từ Mỹ hơn là chúng ta học hỏi từ họ. Vì vậy, bất kỳ sự hợp tác nào với nước này cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ (kiếm được lợi ích) từ chúng ta, không phải là chúng ta lấy từ Trung Quốc" - ông Frank Wolf giữ vững lập trường.
BẮC KINH CÓ THỂ TIẾN XA MÀ KHÔNG CẦN MỸ
Nhà khoa học hành tinh Jim Head của Đại học Brown (Mỹ), chuyên gia hàng đầu về khám phá không gian nhận định: "Trung Quốc đang trên 'con đường tơ lụa' lên vũ trụ. Chương trình không gian rất quan trọng đối với họ, vì nó thiết lập niềm tự hào và uy tín quốc gia. Họ vẫn có thể tiến xa mà không cần người Mỹ chúng ta".
Jim Head gợi mở, việc đưa Trung Quốc trở thành một bên ký kết Hiệp định Artemis (của NASA nhằm đưa người lên Mặt Trăng năm 2024) có thể là một con đường hiệu quả. Được dẫn dắt bởi Bộ Ngoại giao Mỹ và NASA, những thỏa thuận này mô tả một tầm nhìn chung về các nguyên tắc, có cơ sở trong Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967, nhằm tạo ra một môi trường an toàn và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khám phá, khoa học và thương mại trên mặt trăng.
Tính đến thời điểm viết bài này, hàng chục quốc gia đã chấp nhận Hiệp định Artemis: Australia, Brazil, Canada, Ý, Nhật Bản, Luxembourg, New Zealand, Hàn Quốc, Ukraine, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh.
"Hệ Mặt Trời là một nơi quá rộng lớn. Nếu tất cả chúng ta chọn cách đi riêng lẻ, việc làm đó không thông thái. Vì vậy, hợp tác, hợp tác, phối hợp — tôi nghĩ đó mới là cách đi đúng đắn" - Jim Head kết luận.
Bài viết sử dụng nguồn: Scientific America, EP