Trung Quốc buộc cả thế giới phải tìm những cách mới để đối phó với mình

Linh Anh | 16-07-2020 - 11:30 AM

(Tổ Quốc) - Các chính sách hiện tại của phương Tây phần lớn đã thất bại trong việc làm chậm hoặc ngăn chặn một Bắc Kinh đang ngày càng hung hăng và quyết đoán, nhất là khi nó không còn là một thế lực đang lên.

Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc không còn được nhắc đến như một công xưởng của thế giới. Ngay cả Bắc Kinh cũng không còn muốn người ta nhắc đến mình trên vai trò đó. Thực tế, những động thái của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình cho thấy Bắc Kinh có thể tác động tới thế giới theo cách họ muốn mà không còn sợ bất cứ biện pháp trừng phạt nào.

Áp đặt luật An ninh Quốc gia với Hồng Kông, đụng độ chết chóc với Ấn Độ tại biên giới cũng như những chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh là những ví dụ mới nhất về việc phương Tây đã thất bại trong việc định hình, làm chậm hoặc ngăn chặn Trung Quốc.

Khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ với ưu tiên hàng đầu "nước Mỹ là trên hết", các kiến trúc đa phương dựa trên giá trị suy yếu. Các quốc gia đang ngày càng nhận ra rằng họ cần suy nghĩ lại. Cho đến bây giờ, chiến lược chủ yếu vẫn chỉ nằm ở một trong 2 phe: Đưa Trung Quốc vào hệ thống các quy tắc và thể chế toàn cầu hoặc cố gắng ngăn chặn nó bằng áp lực kinh tế hoặc quân sự.

Trung Quốc buộc cả thế giới phải tìm những cách mới để đối phó với mình - Ảnh 1.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từng muốn Trung Quốc tham gia, hoặc ít nhất là học cách, tuân thủ trật tự của thế giới tự do. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc khiến mong muốn của Mỹ và EU rơi vào hư vô.

Trong khi Covid-19 đưa Trung Quốc trở thành mục tiêu chung của nhiều quốc gia nhưng thiếu sự thỏa thuận trong việc hợp tác ngăn chặn sức mạnh đang lên của Bắc Kinh lại là rào cản. "Không phải tất cả các chính phủ đều chung chí hướng phải đối phó với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra", Giáo sư Bates Gill, chuyên gia về chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie, Sydney, cho hay.

Rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh lâu năm của Mỹ tiếp tục trở thành rào cản cho một sách lược thống nhất trước Trung Quốc. Trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump tránh việc chỉ trích trực diện Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Thậm chí, ông Trump còn công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả khi thực hiện cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ đang phải đẩy mạnh các hành động chống Bắc Kinh, từ các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei hay buộc các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc tại Mỹ phải làm các thủ tục đăng ký như những cơ quan báo chí nước ngoài tại Mỹ. Gần đây nhất, Mỹ trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc vì vấn đề liên quan tới nhân quyền. Tuy nhiên, trung Quốc cũng không ngần ngại tiến hành các động thái đáp trả lại Mỹ.

Thách thức từ những bất đồng

Với tình hình hiện tại, quan chức từ nhiều quốc gia cho biết giải pháp duy nhất để đối phó với Trung Quốc là liên kết với nhau tốt hơn, dù có Mỹ hay không có Mỹ. Các "cường quốc trung lưu" như Australia, Canada, Ấn Độ và Anh đang tiến hành các động thái như vậy. Từ lâu, các nước này đã nỗ lực để cân bằng sự phụ thuộc kinh tế của họ vào Trung Quốc.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Chính quyền Trump và 2 nhà ngoại giao phương Tây khác tại Trung Quốc, cho biết Mỹ đang tìm cách sửa chữa rạn nứt trong các mối quan hệ của mình. Các nhà ngoại giao đang tìm cách tập hợp các đồng minh châu Á và những nơi khác. Một phần của lời kêu gọi này là làm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thông qua việc từ bỏi chuỗi cung ứng mà quốc gia này là trung tâm đồng thời tăng cường đầu tư trong nước với công nghệ tiên tiến và sản xuất hiện đại.

Gần đây, cả Australia, Canada và Anh đã đưa ra một tuyên bố bên cạnh việc Mỹ lên án chính sách của Trung Quốc ở Hồng Kông. Một số nhà ngoại giao phương Tây mô tả các tiếp cận thống nhất hơn của các nước với Trung Quốc chính là một sự "bình thường mới".

Sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, New Delhi cho biết họ dự định mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân hàng năm cùng Nhật Bản và Mỹ, báo hiệu một tiến bộ mới trong lĩnh vực an ninh của nhóm các quốc gia được biết tới với cái tên Quad.

Trung Quốc buộc cả thế giới phải tìm những cách mới để đối phó với mình - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã quá lớn và có những ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều khu vực trên khắp thế giới. Tại các nền kinh tế nhỏ hoặc các nước nghèo, vốn không được Mỹ hay các nhà đầu tư Mỹ để ý tới, Trung Quốc lại đang là cơ hội để họ phát triển kinh tế. Trong khi đó, ngay cả ở châu Âu, nhiều nước vẫn muốn một quan hệ Mỹ - Trung hòa hợp bởi họ có những mục tiêu và chương trình nghị sự riêng.

Ngay cả một số đồng minh của Mỹ cũng có quan điểm tương tự. Những quan chức thân cận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo EU nên trở thành trung gian hòa giải giữa Washington và Bắc Kinh. Một số quan chức cấp cao của châu Âu nói rằng các nhà lãnh đạo muốn giữ Trung Quốc làm đối tác trong một số vấn đề. Một số quốc gia EU khác thì nói rằng họ có cơ hội hợp tác với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ….

Ngoài châu Âu, có những khu vực rộng lớn khác trên thế giới đang cảm thấy hài lòng với lợi ích mà Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mang lại trên lĩnh vực thương mại và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nguồn vốn từ Trung Quốc, vốn không đi kèm theo nhiều quy định liên quan tới minh bạch và chống tham nhũng, khiến lãnh đạo nhiều nước châu Phi thích thú.

Không thể phớt lờ những mối họa từ nguồn vốn của Trung Quốc nhưng cũng không thể phủ nhận Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với dòng chảy 2 chiều có tổng giá trị hơn 180 tỷ USD, gấp 4 lần với Mỹ.

Rõ ràng, Mỹ và phương Tây đã không chuẩn bị cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những chính sách của họ vì vậy cũng không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tìm ra một sách lược mới để đối phó với Bắc Kinh cũng đang là bài toán khó, nhất là ngay chính các nước phương Tây cũng không đồng nhất về Trung Quốc.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM