Trải nghiệm đau thương khi chơi chứng khoán của những "chú gà" thuở mới biết đi: Mất 12 triệu chỉ vì 1 cái status, chọn mã công ty để mua như chơi xổ số!

M.H | 24-12-2021 - 12:15 PM

(Tổ Quốc) - Khi thị trường chứng khoán đã được "bình dân hoá", thế hệ các nhà đầu tư F0 cũng đa dạng hơn, thế hệ Gen Z hay còn gọi là "gà con" lúc này được xem là thế hệ mở của thị trường này.

Lớn lên trong sự bùng nổ đến chóng mặt của công nghệ kỹ thuật số đã giúp thế hệ Gen Z - "gà con" nhận thức mạnh mẽ về sức mạnh của công nghệ, truyền thông đại chúng. Chính vì vậy mà phần lớn người trong thế hệ này đề cao sự tự do, quan điểm sống, chất lượng cuộc sống và khác biệt nhất là việc tự chủ tài chính cá nhân.

Rất nhiều nhà đầu tư bắt đầu từ năm 16 tuổi và nghĩ đến quỹ cá nhân như một phép tính cho tương lai, bất kể lớn hay nhỏ, các "gà con" đều có kế hoạch đạt được các mục tiêu tài chính của mình. 

"CÓ LẦN LỖ SƠ SƠ HƠN 70 TRIỆU" 

Chơi chứng khoán được khoảng 4 năm, Mai Hà Mỹ Hân (1996, Kiên Giang) cho biết mình đã kinh qua bao nhiêu lần "khiếp sợ" nhìn thấy "tiền của mình" chuyển đỏ rồi... "đứng yên chào cờ". 

"Lãi cao nhất trong suốt 4 năm là 150% và thấp nhất là 40%", Mỹ Hân tiết lộ. 

"Gà con" chơi chứng khoán: Từng mua một mã mà không hề biết công ty đó hoạt động lĩnh vực gì, lỗ một lần sơ sơ hơn 70 triệu đồng!  - Ảnh 1.

Mai Hà Mỹ Hân (1996, Kiên Giang) là nhà đầu tư chứng khoán đã 4 năm

Chia sẻ quan điểm về chứng khoán, Mỹ Hân cho hay bản thân cô phải vừa học và vừa tự phán đoán để tăng khả năng tư duy, lập luận của bản thân, không để bất kỳ ai thao túng tâm lý. 

"Lời thì mừng, lỗ làm lại và tuyệt đối trong đầu tư chứng khoán không vay mượn. Có bao nhiêu thì đầu tư bấy nhiêu và đừng tin vào số đông". 

Theo cô nàng, người chơi chứng rất dễ bị đánh lừa bởi tin tức thị trường. Ngày trước, chính bản thân cô gái này cũng từng vướng phải sai lầm là trong khoảng thời gian đang gồng lỗ, suy tính chuyện cắt lỗ, vừa cắt lỗ được vài hôm giá đã đạt CE (mức trần).

"Có 1 lần đang nắm 1 mã thì đang tốt bỗng dưng đỏ, đỏ rồi chuyển sang tím. Khi đấy mọi người ở khắp diễn đàn đã nói rất nhiều về việc cắt lỗ nhưng mình cứ nghĩ ổn nên canh chừng mà mua thêm vào. Đến khi nhận được đúng tin thị trường thì bắt đầu bán trong hoang mang và khi đó đã báo lỗ 40%. Bán  được xong hết thì qua 2 hôm giá tăng lên hẳn 12%... Ước tính thiệt hại lúc đó khoảng hơn 70 triệu đồng".

Trải nghiệm đau thương khi chơi chứng khoán của những "chú gà" thuở mới biết đi: Mất 12 triệu chỉ vì 1 cái status, chọn mã công ty để mua như chơi sổ xố! - Ảnh 2.

"MẤT 12 TRIỆU VÌ MỘT CÁI STATUS" 

Dấn thân vào thị trường chứng khoán được khoảng hơn 3 tháng, thế nhưng Nguyễn Ngọc Bảo Trân (1997, TP.HCM) đã gần như có mặt trong các hội nhóm chứng khoán. 

"Trong quỹ 5 mã của mình, vì không có thời gian lướt nên mình chỉ chọn 2 mã để lướt theo hội nhóm, 3 mã còn lại sẽ đặt kế hoạch chốt bán theo quý. Một mã mình đợi hết 1 quý sẽ chốt, một mã mình đợi tròn năm sẽ chốt. Hiện tại, với 5 mã này mình đã tạm lời trung bình 13,4%, cho mỗi mã, tính ra khoảng 20 triệu đồng". 

Gen Z chơi chứng khoán: - Ảnh 1.

Nguyễn Ngọc Bảo Trân (1997) hiện tại đang giữ hơn 5 mã chứng khoán trong đó có 2 mã là lướt sóng và 3 mã là đầu tư dài hạn

Theo Trân, các kiến thức về chứng khoán với cô vẫn còn rất mơ hồ. Thế nhưng may mắn, Bảo Trân còn có một "tiền vệ" là đồng nghiệp thân thiết. Vì thuộc F1 nên cô nàng khá tự tin vào những mã mình đang nắm.

"Nghe lời thì tham chứ còn khi lỗ cũng căng lắm, Vừa rồi mình bị thép dập. Có một buổi sáng, khi mình vẫn đang gồng lỗ được. Mình lướt Facebook, thấy một status trong nhóm chứng khoán, bảo là con này kiểu gì cũng đứt, mình lại thấy hơn 200 người like chứ không bình luận nhiều. Sáng hôm đó, F1 như mình một mình chốt lệnh "bán con" vì sợ lỗ nặng thêm, mình còn định bán để sang bắt đáy một em BĐS. Hôm mình bán đã lỗ hơn 30%, khoảng 12 triệu đồng. Sau đó, vài ngày "đứa con mình đã bán" không những xanh lè mà còn CE. Lúc đó chỉ biết cười".

Bên cạnh đó, điều khiến Bảo Trân tâm đắc nhất sau một thời gian trở thành nhà đầu tư chứng khoán là vấn đề "kiểm soát tâm lý", cô gọi tắt đó là hiệu ứng FOMO (tạm dịch: fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ lỡ). 

"Nuôi một thời gian mã càng ngày càng lỗ, thấy ai cũng bán nên mình sốt ruột, muốn "về bờ" nhanh gọn. Đến lúc vừa cắt lỗ xong cổ lại trần. Rồi một lúc nào đấy được dân tay trong "phím" cho một mã ngon nghẻ thì mình lại chần chừ không mua tầm 2 - 3 ngày sao giá lên ào ạt, lúc đó nghĩ đến tiếc lắm nhưng mình nghĩ đây là tình hình chung, dân chơi chứng ai cũng từng trải qua ít nhất 1 lần". 

"Gà con" chơi chứng khoán: Từng mua một mã mà không hề biết công ty đó hoạt động lĩnh vực gì, lỗ một lần sơ sơ hơn 70 triệu đồng!  - Ảnh 3.

"TỪNG MUA MÃ CỦA MỘT CÔNG TY MÀ KHÔNG HỀ BIẾT NÓ HOẠT ĐỘNG Ở LĨNH VỰC GÌ"

Năm 2019, Trần Hải Yến (25 tuổi, TP.HCM) bước vào thị trường chứng khoán với vị thế là một nhà đầu tư F0. Yến cho biết thời gian đầu, cô không có nhiều kiến thức về chứng khoán. Thường chỉ chơi theo cảm tính, mua cổ phiếu theo sự tin tưởng dành cho doanh nghiệp hoặc theo thị trường mà chẳng cần biết công ty đó hoạt động ở lĩnh vực gì. 

"Mình biết chứng khoán từ năm 2018, nhưng tham gia thực sự thì từ 2019. Lúc đầu đầu chơi theo tâm lý đám đông, hễ thấy mã nào được báo, đài và được phím nhiều thì sẽ mua. Vì mới tham gia không có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm nên đu đỉnh khá nhiều lần, từ lướt sóng thành bất đắc dĩ trở thành cổ đông dài hạn. Một năm sau mới bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc". 

Gen Z chơi chứng khoán: Từng mua một mã mà không hề biết công ty đó hoạt động lĩnh vực gì, bị đủ thứ kiểu hiệu ứng, nặng nhất là hay nghe lời người dưng - Ảnh 3.

Trần Hải Yến (1997) hiện tại đang là cổ đông dài hạn và cô đầu tư 60% tài chính cá nhân vào chứng khoán

Theo Yến, mỗi ngày có hàng trăm hội nhóm chứng khoán hoạt động nhộn nhịp, các F0 chính vì vậy mà rất dễ bị cuốn vào.

"Lần đầu tiên chơi chứng, mình bỏ tiền ra mua một mã mà thậm chí không biết công ty đó hoạt động trong lĩnh vực gì, địa chỉ công ty ở đâu. Xanh được vài hôm rồi mã đỏ triền miên, mình nản rồi bán luôn, lấy tiền mua theo mã mà người khác phím cho, xanh thì có xanh, đỏ cũng có đỏ nói chung tâm trạng lúc nào cũng lâng lâng, thời điểm đó mình chưa định hướng được mình cần làm gì với số tiền mình bỏ ra để đầu tư, xây dựng tài chính cá nhân cho mình".

Thời gian sau đó, Yến xây dựng kế hoạch đầu tư cho bản thân. Cô nàng thay đổi chiến lược đầu tư, tích luỹ kinh nghiệm, không nóng vội và hoàn toàn tin tưởng vào kiến thức của bản thân. 

"Hiện tại, đầu tư chứng khoán chiếm 60% tỷ trọng, đầu tiên sẽ dành ra 60% đầu tư, những khoản còn lại sẽ chia theo mức chi tiêu cá nhân", Yến nói. 

Cô nàng cũng đưa ra các quy tắc đầu tư của mình: "Quy tắc là chỉ đầu tư khi vĩ mô thuận lợi. Vĩ mô thuận lợi là đầu tư vào những công ty đang ở trong chu kì tăng trưởng, có câu chuyện đặc biệt thu hút.

TIỀN ĐÂU MÀ LỖ HOÀI! 

Theo dõi tin tức, Hải Yến có biết về trường hợp nam sinh 16 tuổi lời 100 triệu khi chơi chứng khoán, thế nhưng với Yến mọi thứ về chứng khoán, về đầu tư không màu hồng như trường hợp ấy. 

Hải Yến cũng chia sẻ thêm: "Năm 2021 khi chứng khiến cộng đồng trải qua các đợt dịch rất lớn, với tâm lý tích cóp truyền thống của người Việt chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều người tự xây quỹ tích luỹ tài chính cá nhân. Điều này sẽ khiến thị trường chứng khoán đón thêm nhiều nhà đầu tư thế hệ mới là F0, F1,...Đầu tư tài chính luôn đi kèm với rủi ro, dù ít hay nhiều, thị trường màu đỏ hoặc xanh chứ không màu hồng như nhiều người vẫn tưởng. Nhưng nếu chấp nhận rủi ro được thì sẽ lời được. 

Lời thì lời kinh lắm mà còn lỗ thì...

Trước đây tâm lý bị thay đổi theo thị trường và đám đông khá nhiều, thực ra thì tiền đầu tư nhưng không đem về lợi nhuận thì sẽ cảm thấy bất an, thời điểm đó ai phím mã nào sẽ theo mã đó. Nhưng ở thời điểm bắt đầu học hành đầu tư nghiêm túc thì tâm lý đã không bị thay đổi theo thị trường và đám đông nữa, mã đó có thể rớt giá ở thời điểm hiện tại nhưng chắc chắn với phán đoán nghiên cứu của mình thì nó sẽ lại thay đổi theo chiều hướng tốt".

Theo Hải Yến, khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi người phụ thuộc nhiều vào tài sản mà người đó đang có, từ nguồn thu nhập chính, nguồn thu nhập phụ, số dư mỗi tháng, công việc hiện tại, chất lượng cuộc sống,... Một người có chất lượng cuộc sống cao thường có tinh thần chấp nhận rủi ro cao và ngược lại người bị phụ thuộc vào thu nhập cuối tháng thì thường khó chấp nhận rủi ro, hoặc chấp nhận nhưng ở mức rất thấp.

"Không phải ai cũng có tư duy đầu tư giống ai, thêm nữa thế hệ trẻ các bạn thường dễ mạo hiểm may mắn thì không sao tuy nhiên nếu xui rủi các bạn cũng sẽ làm mất một khoản tài chính khá khá mà không biết nguyên do nếu không có kiến thức về thị trường", Hải Yến nói.

Gen Z chơi chứng khoán: Từng mua một mã mà không hề biết công ty đó hoạt động lĩnh vực gì, bị đủ thứ kiểu hiệu ứng, nặng nhất là hay nghe lời người dưng - Ảnh 5.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM