Jack Grealish
Ở kỳ chuyển nhượng hè 2021, Man City đã chi ra tới 105,75 triệu bảng để mua Grealish từ Aston Villa và trao cho ngôi sao này mức lương 300.000 bảng/tuần. Qua đó, The Citizens biến tiền vệ sinh năm 1995 trở thành cầu thủ người Anh đắt giá nhất lịch sử và tân binh đắt giá nhất phiên chợ hè năm ngoái. Tuy nhiên, sau 26 lần ra sân ở Ngoại Hạng Anh 2021/22, Grealish chỉ ghi được vỏn vẹn 3 bàn thắng và có 3 đường kiến tạo.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến Grealish gây thất vọng, huyền thoại bóng đá Anh, ông Alan Shearer phát biểu: "Trông như thể lúc nào cậu ta cũng sợ mất bóng và không dám chơi mạo hiểm. Grealish từng rất nguy hiểm khi còn khoác áo Aston Villa. Cậu ta có thể vượt qua 2 hoặc 3 cầu thủ rồi giành được một quả đá phạt hoặc tung ra một cú sút. Nhưng Grealish đá quá an toàn và đơn giản ở Man City".
Jadon Sancho
Nếu "Man xanh" mua hớ Grealish, thì đại kình địch cùng thành phố là "Man đỏ" cũng không chịu thua kém với bom xịt đồng hương mang tên Sancho. 76,5 triệu bảng là cái giá MU phải trả cho Borussia Dortmund để có được chữ ký của chân chạy cánh sinh năm 2000. Sancho được thi đấu tới 29 trận ở Ngoại Hạng Anh 2021/22, nhưng sao trẻ mang áo số 25 chỉ có 3 lần "nổ súng" và 3 kiến tạo.
Thực tế, nguyên nhân giúp Sancho thường xuyên được ra sân trong màu áo MU ở mùa vừa qua không phải vì cựu cầu thủ Man City có trình độ chuyên môn tốt hay phong độ cao. Mà lý do là bởi hàng công của Quỷ đỏ đã bị sứt mẻ trầm trọng. Daniel James bị bán sang Leeds United. Marcus Rashford, Edinson Cavani dính chấn thương và đánh mất phong độ. Còn Mason Greenwood vướng vào vụ bê bối ngoài sân cỏ.
Romelu Lukaku
Chứng kiến sự vô duyên của Timo Werner ở mùa năm ngoái, Chelsea quyết định chi ra 101,7 triệu bảng Anh để mua Lukaku từ Inter Milan hồi phiên chợ hè 2021. Trong lần thứ 2 khoác áo The Blues, ngôi sao sinh năm 1993 trở lại với tư cách trụ cột trên hành trình vô địch Serie A 2020/21 của Inter và bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Chelsea.
Nhưng Lukaku chỉ có 8 pha lập công và 1 pha kiến tạo sau 26 trận đấu ở Ngoại Hạng Anh 2021/22. Sự nhạt nhòa của cậu học trò người Bỉ buộc HLV Thomas Tuchel phải sử dụng lại phương án cũ. Đó là xếp Kai Havertz chơi ở vị trí trung phong cắm của Lukaku. Cuối cùng, tiền đạo mang áo số 9 dù được Chelsea mang về để đá chính, nhưng anh lại trở thành kép phụ. Lukaku thường phải ngồi dự bị cho Havertz.
Saul Niguez
Rời Atletico Madrid sau quãng thời gian dài dính chấn thương, Saul chuyển đến Chelsea ở ngày cuối của kỳ chuyển nhượng hè 2021 đưới dạng cho mượn với hy vọng cứu rỗi tương lai. Nhưng vì không có thời gian chuẩn bị, nên tiền vệ sinh năm 1994 đã bị ngợp trong lần đầu thi đấu ở môi trường bóng đá Anh.
Nhiều fan Chelsea vẫn còn nhớ màn ra mắt thảm họa của Saul trong trận gặp Aston Villa hồi tháng 9/2021. Ngày hôm ấy, ngôi sao mang áo số 17 chơi lóng ngóng, liên tục chuyền hỏng, xử lý lỗi, tỏ ra chậm chạp, khù khờ và bị Tuchel thay ra khỏi sân chỉ sau 1 hiệp đấu. Đó là lần ra sân đầu tiên của Saul ở Ngoại Hạng Anh 2021/22 và 9 lần ra sân sau đó cũng chẳng khá khẩm hơn.
Trong quá khứ, Saul từng xếp trong nhóm những tiền vệ đắt giá nhất thế giới và được nhiều câu lạc bộ lớn ráo riết săn đón. Nhưng giờ đây, cầu thủ người Tây Ban Nha chỉ còn là cái bóng của chính bản thân anh. Sau khi mùa 2021/22 kết thúc, Saul chỉ có 10 lần ra sân trong màu áo Chelsea, trong đó chỉ có 5 lần đá chính và 5 lần vào sân từ băng ghế dự bị.
Donny Van De Beek
Lạc lối ở MU, cập bến Everton ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa 2021/22 với hy vọng tìm lại chính mình. Nhưng cũng giống như Saul, sự nghiệp của Van De Beek đang mắc kẹt và không thể phát triển. Xuyên suốt nửa cuối mùa 2021/22, tiền vệ người Hà Lan chỉ được chơi 7 trận trong màu áo đội chủ sân Goodison Park, trong đó chỉ có 5 lần được điền tên vào đội hình xuất phát.
Cả Saul lẫn Van De Beek đều không có suất đá chính. Ở Everton, cầu thủ sinh năm 1997 chỉ là sự lựa chọn thứ 5 của HLV Frank Lampard, sau Allan, Abdoulaye Doucoure, Fabian Delph và Andre Gomes.
ĐẶC BIỆT: Cristiano Ronaldo - tân binh gây tranh cãi nhất Ngoại Hạng Anh 2021/22
Suốt mùa bóng vừa qua, cả giới chuyên môn lẫn khán giả đều đã và đang tranh luận gắt gao về việc chiêu mộ Ronaldo có phải quyết định sáng suốt của MU hay không. Cho tới tận thời điểm hiện tại, vẫn có vô số ý kiến khác nhau về câu chuyện của CR7 ở lần thứ 2 khoác áo Quỷ đỏ.
Có 2 luồng quan điểm phổ biến. Thứ nhất, người ta cho rằng CR7 đã gồng gánh MU và chơi vượt kỳ vọng so với một lão tướng đã ở độ tuổi U40. 18 bàn thắng sau 30 lần ra sân. Số liệu thống kê của Ronaldo trong màu áo MU ở Ngoại Hạng Anh 2021/22 đã chứng minh sự hiệu quả của anh.
Tuy nhiên, một luồng quan điểm nổi bật khác là tiền đạo người Bồ Đào Nha đã trở thành gánh nặng của MU. Bởi Ronaldo đã lớn tuổi, lười pressing, chỉ biết nhận bóng, dứt điểm thay vì chịu khó chạy về hỗ trợ phòng ngự. Tóm lại, đây giống như một cuộc tranh luận không có hồi kết. Ronaldo chính là tân binh gây tranh cãi nhất tại Ngoại Hạng Anh 2021/22.
Ronaldo bị hơn nửa triệu fan MU đòi bán