Khi bước chân vào con đường "chơi" chứng khoán, thời gian đầu tôi đúng là như "đi chơi" vì không có bất kì một kiến thức nào về thị trường. Tôi chỉ nghĩ đơn giản "cần phải đầu tư một cái gì đó để có tiền, để đồng tiền nằm yên thì không ổn". Đó thời điểm đầu tháng 11/2021.
Việc tham gia cũng rất đơn giản vì trước đó 10 năm, tôi đã có tài khoản chứng khoán. Tài khoản nằm im 10 năm không động đậy cho đến một ngày, thấy nhà nhà chơi chứng, người người đầu tư, sẵn có điều kiện theo dõi thị trường liên tục do công việc làm văn phòng, tôi mở lại tài khoản. Mặc dù vậy, lần này, tôi hỏi bạn bè, nhờ hẳn một môi giới của công ty nơi tôi mở tài khoản tư vấn mã, tham gia vào rất nhiều group của nhiều tư vấn (mở miễn phí) để tìm hiểu, nghe ngóng và "đầu tư 20 triệu đồng vào tài khoản". Với suy nghĩ lúc đó: "mình chỉ bỏ tối đa 50 triệu là cùng".
Cơn say chứng sau những ngày ăn bằng lần
Không rõ nhờ chị môi giới hay nhờ thị trường đang hưng phấn, ngay những phiên đầu tiên tôi đã lãi từ số vốn ít ỏi. Thậm chí, chị môi giới còn bảo tôi: "Giờ em vào đã là hơi muộn, không còn ngon ăn như cách đây 3 tháng. Nhưng chị sẽ giúp em nhân x2, x3 tài khoản".
Chẳng biết 'ngon' như trước là sao vì tôi không có kiến thức gì về thị trường nhưng tài khoản quả thật chỉ thấy lãi. Mua "con" (mã) nào là lãi con đó ngay khi về hàng (T 3). Tôi chắc ăn, thậm chí thấy lãi là bán chốt lời ngay. Trong tháng đầu tiên, quan điểm của tôi là thấy lãi chốt lời không đợi giá lên cao hơn với kỉ luật chơi: Bán luôn khi hàng về có lãi, mua mới khi tiền bán về, lãi trong mục tiêu 5%-7%. Tài khoản chưa x2 được nhưng cũng dương liên tục, số tiền lãi 1 tháng bằng tiền đi làm cả tháng của tôi. Cảm giác hưng phấn đến mức tôi đã tiếp tục xuống thêm tiền từ mức 20 triệu lên 50 triệu lúc nào không hay. Rồi lên 100 triệu tiền vốn trong tài khoản.
Những lần lãi ăn bằng lần thậm chí được tôi chia sẻ với bạn bè một cách hào hứng. Câu chuyện chứng khoán và lãi gần như là chủ đề thường xuyên của tôi với những người bạn văn phòng. Bạn tôi sau khi nghe cũng nhờ tôi "mai mối" với chị môi giới và tham gia thị trường chứng khoán. Thế là sau 1 tháng chơi, tôi còn đưa được mấy người bạn (như tôi – không hiểu biết gì về thị trường) vào đời "đánh chứng".
Cái kết cho 2 tháng từ tháng giữa tháng 11 – đầu tháng 1: tôi đã lãi được số tiền gần 2 tháng lương và gấp 3-4 lần so với gửi tiết kiệm (lãi suất 4%). Loại cổ phiếu tôi chơi chủ yếu là penny mà theo ngôn ngữ chứng khoán là hàng "đầu cơ". Tôi cũng bắt đầu có tâm lý chờ cổ phiếu lên cao hơn để có lãi ‘dầy’ hơn chứ không bán ngay tắp lự như thời kỳ đầu mới tham gia thị trường. Mọi thứ đều có vẻ ổn, tôi chưa phải bán lỗ mã nào.
Thế nhưng đời không như mơ
Đã từng nghe về câu chuyện tháng 1 u ám, tôi cũng vô cùng cảnh giác. Khoảng 10/1, tôi bắt đầu bán các cổ phiếu đang có lãi. Và dự định sẽ cơ cấu lại danh mục cổ phiếu từ hàng đầu cơ sang hàng cơ bản.
Tuy nhiên, khi mới chỉ bán được vài ba mã nhỏ thì cơn chấn động thị trường liên tục nổ ra, đã đánh bay toàn bộ số lãi tôi tích luỹ được sau 2 tháng. Tài khoản lần đầu tiên ghi nhận "âm" từ 10-20%. Bắt đầu từ đó, tài khoản của tôi đỏ liên tục. Chấm dứt những ngày tháng ăn bằng lần, bán T 3.
Do quá lỗ, tôi quyết định để nguyên danh mục đợi thị trường hồi. Vì tôi tin vào chị môi giới và các group chơi chứng: Rồi thị trường sẽ hồi.
Vâng… thị trường sẽ hồi?
Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 4, quả thật thị trường cũng có vẻ hồi, nhưng chẳng thể quay lại thời kì đỉnh cao như thời gian đầu tôi tham gia. Rồi một loạt các tin tức bao gồm cả tin đồn và tin thật đã khiến cho VnIndex, nhiều phiên sàn liên tiếp. Tôi chỉ có thể giao dịch được vài phiên, bán đỡ lỗ 1-2 mã penny. Số tiền đầu tư nằm trong tài khoản đã nhân 3 lần so với suy nghĩ ban đầu của tôi. Nếu tôi không đầu tư chứng khoán thì ít nhất tôi cũng có chắc chắn 5 triệu - 6 triệu tiền gửi tiết kiệm với lãi suất 4%/năm. Nhưng hối hận giờ đã muộn.
Trong phiên chiều ngày 19/4, khi hơn 160 cổ phiếu giảm sàn, VN-Index lùi về sát mốc 1.400 điểm, thấp nhất 6 tháng, tài khoản âm 50%, tôi đã nghĩ: "Mình sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán bằng bất cứ giá nào và không bao giờ quay trở lại nữa". Cụm từ "bất cứ giá nào" có lẽ đáng giá hàng chục triệu đồng – một khoản phí học đầu tư không nhỏ.
Thời điểm hiện tại, có lẽ không chỉ có tôi mà phần lớn F0 hoặc thậm chí Fn trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang vô cùng bi quan. Thị trường vừa ghi nhận số tài khoản cá nhân mới mở tháng 3/2022 tiếp tục phá kỷ lục với gần 300.000 tài khoản, nhưng có thể khá đông số F0 trong số tài khoản mới mở này cũng "đang sang chấn" nặng nề như tôi, có thể mất mát nhiều hơn tôi và cũng có thể đang "ước gì mình không chơi chứng" như tôi?