- 01 -
Vào ngày 2 tháng 5, Tiểu Vương (bút danh), 24 tuổi đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Thâm Quyến. Theo lời kể của cô, vào lúc 9 giờ sáng, cô đột nhiên cảm thấy mình không thể bước ra khỏi giường và phần thân bên trái không động đậy được.
Bác sĩ thử tác động lực vừa phải vào cả hai bên người, cô chỉ cảm thấy hơi đau ở bên phải, còn bên trái thì như bất động và không hề có cảm giác. Cô gái trẻ ấy đã bị tê liệt ở độ tuổi tràn đầy ước mơ và hoài bão của cuộc đời.
Sau khi làm xét nghiệm, Tiểu Vương được chẩn đoán bị đột quỵ và phình động mạch não. Đây không còn là chuyện nhỏ. Chứng phình động mạch não tương đương với quả bom hẹn giờ trong đầu cô gái và nó có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Theo dữ liệu trước đây, đột quỵ là một căn bệnh có xu hướng xảy ra ở người cao tuổi. Nhưng những năm trở lại đây căn bệnh này đã chuyển hướng tấn công vào nhóm người trẻ tuổi hơn.
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng từ 1,7% – 2,5%, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 – 45 tuổi so với trước đây là 50 – 60 tuổi.
Năm 2019, anh Trương, một huấn luyện viên thể dục 25 tuổi, bị đột quỵ và nằm trên giường bệnh viện suốt 5 tháng trời. Sau khi hồi phục, anh cảm thấy điều này thật kinh khủng.
Anh Lý, 29 tuổi, đang trò chuyện với các đồng nghiệp của mình thì đột nhiên miệng lắp bắp. Anh ta đã được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Bệnh viện liên kết đầu tiên của Đại học Y học cổ truyền Hà Nam (Trung Quốc) đã tiếp nhận một chàng trai trẻ bị đột quỵ ở tuổi 27.
Những người này luôn miệng bảo: "Tôi vẫn còn trẻ, tôi có thể chống cự được, đột quỵ sao tiếp cận được tôi?". Nhưng họ quên rằng bệnh tật không có mắt để phân biệt ai già, ai trẻ. Khi bạn sống không lành mạnh trong một khoảng thời gian dài thì bệnh tật sẽ tìm đến bạn. Chỉ là chúng ẩn hay hiện ra mà thôi.
Một trong những nguyên nhân khiến người trẻ bị đột quỵ là do thức khuya. Như đầu bài báo đã nêu, Tiểu Vương, 24 tuổi bị đột quỵ vì thức khuya. Bác sĩ lúc đó khó chấp nhận rằng một cô gái trẻ như vậy lại bị đột quỵ. Hỏi ra mới biết Tiểu Vương thường thức khuya và có nhiều hôm, cô thức đến tận 3-4 giờ sáng mới ngủ. Sau vài tiếng chợp mắt, cô lại đi làm, tăng ca và thức khuya.
Thức suốt đêm sẽ làm rối loạn huyết áp và thay đổi trọng lượng cơ thể, gây ra xơ cứng động mạch trong một thời gian dài, gây thiếu máu não. Do đó nếu bạn muốn sống sót, trước hết bạn phải từ bỏ thói quen xấu là thức khuya. Chắc hẳn là rất khó thay đổi thói quen thức khuya. Nhưng chúng ta có thể giảm dần theo thời gian.
- 02 -
Đến nay, tôi vẫn còn ám ảnh khi chứng kiến một đồng nghiệp ngất xỉu ngay trước mặt mình. Ngoài xử lý các công việc hàng ngày, anh làm thêm giờ đến 2, 3 giờ sáng. Sau hơn một tháng liên tục thức khuya, một ngày anh kiệt sức và ngã quỵ. Anh được đưa đến bệnh viện, bác sĩ nói nếu trễ một chút nữa là cuộc đời anh coi như chấm hết. Trước đây, anh và đồng nghiệp trong công ty tôn sùng việc thức khuya. Nhưng có lẽ sau vụ việc này, anh và đồng nghiệp sẽ thay đổi nhận định về việc thức khuya.
Nghỉ ngơi đúng cách, ngủ ngon, nên là ưu tiên số 1 trong cuộc sống. Nếu bạn là một cú đêm, hãy suy nghĩ lại vì biết đâu vào một ngày đẹp trời, tử thần sẽ tìm đến bạn.
Người thức khuya ngộ lắm. Ban ngày, họ chú ý đến sức khỏe và giữ gìn nhan sắc, họ không ngần ngại chi nhiều tiền để mua mĩ phẩm, thuốc bổ và những chiếc mặt nạ xóa bớt quầng thâm… để đắp lên gương mặt của mình nhưng lại không thèm đi ngủ sớm, dù cho việc đi ngủ chẳng tốn đồng xu, cắc bạc nào.
Họ hiểu rõ rằng cuộc đời này ngắn ngủi lắm, phải biết quý trọng thời gian nhưng ban đêm, họ ngược đãi cơ thể đến mức trầm trọng. Họ chiếm dụng thời gian nghỉ ngơi của cơ thể để cày phim hay đàn đúm nhậu nhẹt trong các quán bar, vũ trường, ăn chơi không điểm dừng.
Họ không biết rằng bệnh tim, suy giảm trí nhớ, kiệt sức, trầm cảm, nguy cơ đột quỵ... có thể tìm đến họ bất cứ lúc nào. Những hậu quả ấy sẽ rất khó xảy ra nếu bạn đi ngủ đúng giờ, đủ giấc mỗi ngày.
- 03 -
Trên thực tế, nhiều người đã cố gắng ngủ sớm và dậy sớm nhưng đã thất bại. Vậy làm thế nào chúng ta có thể ngủ sớm và dậy sớm?
Đầu tiên, hãy nâng cao hiệu suất làm việc của bạn. Hãy tự hỏi mình, sự quyết tâm để làm việc và học tập của bạn đến mức nào? Hay là mạnh miệng hô hào rồi làm được 30 phút lại nghịch chộp lấy điện thoại di động, nhai kẹo cao su và lướt facebook hóng hớt? Có một câu nói rất hay: Dù cho bạn làm gì đi nữa, hãy toàn tâm toàn ý mà làm, làm ra làm, chơi ra chơi. Khi bạn làm được điều này một cách hiệu quả nhất có thể, bạn sẽ thấy rằng một ngày của bạn như được kéo dài thêm và bệnh tật sẽ không tìm kiếm bạn.
Thứ hai, hãy tăng cường kỷ luật, tự giác. Thủ phạm chính của việc thức khuya là do bạn thiếu tự chủ. Bạn cứ nói rằng chơi vài phút thôi, rồi thì sao? Bạn lại ngủ quên cùng điện thoại di động lúc nào không hay biết. Bạn chỉ chơi một ván game thôi là ngủ, nhưng ai biết được bạn sẽ thắng liên tiếp các vòng game rồi tặc lưỡi chơi tiếp. Bạn thề rằng mình chỉ coi hết một tập phim này thôi là tắt laptop và đi ngủ, nhưng ai ngờ rằng tập phim hết ngay lúc gay cấn nhất, bạn không thể kìm lòng khi thấy phim hết ngay khúc gây cấn. Cứ thế, bạn không nghĩ ngợi và ấn tập tiếp theo mặc kệ ngày mai có cuộc họp hay mai bạn lại đi làm trễ. Thế là, khi không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ, bạn đành tắt máy nhưng nào ngờ trời đã sáng. Thì ra, cả đêm qua bạn thức trắng để cày phim. Do đó, hãy tập tính tự giác, nghỉ ngơi hợp lí.
Tất nhiên, kỷ luật tự giác không bao giờ là chuyện một sớm một chiều, chuyện đó không hề dễ dàng, thay đổi lối sống cần phải từng bước một. Bạn có thể đi ngủ sớm hơn 5 phút mỗi ngày, dậy sớm hơn 5 phút so với thường lệ và từng bước một. Điều khó khăn nhất để giải quyết kỷ luật tự giác là sự quyết tâm và kiên trì của bạn.
Cuối cùng, hãy sắp xếp thời gian hợp lý, biết cách điều chỉnh thời gian và để cơ thể nghỉ ngơi. Đừng ép nó hoạt động quá sức, lúc đó bạn có hối cũng không kịp.
Bạn trẻ à, tôi biết bạn rất mệt mỏi khi có quá nhiều thứ khiến bạn phải "căng não" để giải quyết. Nhiều khi bạn cảm thấy giống như mình bị rơi vào một cái hố, nhưng bạn không thể trèo lên.
Có thể bạn rất bận. Bạn bận rộn tối tăm mặt mũi chỉ để tiền lương tăng lên, để lo cho gia đình và người thân tốt hơn một chút, để con cái được học tập ở một môi trường tốt hơn thời của bạn. Bạn không ngại tăng ca sấp mặt ở công ty chỉ vì muốn có thêm chút tiền biếu mẹ kính cha lúc tuổi xế chiều, để họ an hưởng tuổi già trong sự sung túc.
Tôi biết bạn đang thất vọng về đồng lương hiện tại. Nếu mức lương tháng của bạn chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, việc mua nhà sẽ rất khó khăn, hôn nhân lại là chuyện ngoài tầm với, chưa kể nhiều người còn nợ nần chồng chất. Chính vì những lí do này, bạn quyết tâm ôm đồm nhiều việc, thậm chí tăng ca đêm để thoát nghèo. Áp lực cuộc đời khiến bạn kiệt quệ và bế tắc. Nhưng bạn hãy nhớ: Không có gì là giá trị hơn sức khỏe. Còn sức khỏe, chúng ta có thể làm mọi thứ dù cho nó phức tạp. Nếu sức khỏe không còn, dù chỉ là việc đơn giản thì bạn cũng chẳng làm được.
- Kết -
Sai lầm chúng ta thường mắc phải là sẵn sàng đánh đổi giấc ngủ để mua niềm vui tức thời, ngắn ngủi và sử dụng sức khỏe của mình để cạnh tranh cho những thứ bên ngoài. Có câu nói rằng: Đầu tư tốt nhất cho bản thân là đi ngủ lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 6 giờ sáng. Bạn ghét những ai sống lâu hơn mình nhưng nếu bạn vẫn không bỏ thói quen thức khuya này thì bạn đành nằm dưới nấm mồ xem người khác thay đổi thế giới.
Cuộc đấu tranh đúng đắn nhất là tận dụng triệt để từng phút ở công ty để làm việc chăm chỉ và dành thời gian để ngủ thay vì dành từng phút ngủ để làm việc vào đêm khuya. Trong thế giới này, không có gì xứng đáng để đổi lấy sức khỏe và thời gian của bạn. Hãy ngủ đúng giờ và đúng thời lượng.