Năm 2017, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Vậy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là gì? Nó chứa đựng những nét văn hóa nào để được UNESCO công nhận?
Theo đó, Mẫu Tam Phủ gồm có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Cung. Mẫu Thượng Thiên - hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh - là người Mẹ cai quản vùng trời. Mẫu Thượng Ngàn - người Mẹ cai quản rừng núi. Mẫu Thoải Cung - người Mẹ cai quản sông nước. Đó là Tam tòa Thánh mẫu - những người Mẹ biểu tượng của lòng từ bi, khoan dung, sự sinh sôi nảy nở trường tồn - đứng đầu hệ thống các vị thần linh trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Tương truyền, các vị thánh Mẫu đã nhiều lần hiển linh trong những thân phận khác nhau để bảo hộ, che chở cho dân khỏi thiên tai, địch họa, nên được kính trọng, tôn thờ. Đó là cái gốc, để từ đó, những vị anh hùng dân tộc, người có công lao trong lịch sử, huyền thoại cũng được cộng đồng đạo Mẫu thờ tự theo nghi lễ thờ Mẫu, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, giáo dục con người hướng đến những điều tốt đẹp, trong sáng.
Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng - một không gian diễn xướng để tôn vinh Mẫu và các vị thần linh thông qua quá trình hóa thân liên tục, ngay tại chỗ của những người thực hành nghi lễ. Trong không gian của nghi lễ hầu đồng, các ông đồng, bà đồng sẽ hóa thân thành các vị thần linh thông qua các giá hầu. Từng điệu múa, trang phục, điệu hát văn, nét đặc sắc của hầu đồng quyện vào nhau để tạo nên hình ảnh sống động của các vị thần.
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh thì: "Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là một hình thức thực hành quan trọng nhất. Không có nó thì không có đạo mẫu. Nhưng hầu đồng là gì? Chúng ta cần hiểu rõ đó là một sự nhập hồn nhiều lần các vị thánh của đạo mẫu vào thân xác các ông đồng, bà đồng để cầu mong sức khỏe, tiền tài và phúc lộc. Bản chất của hầu đồng chỉ là hình thức tôn giáo, nhưng khi bị biến tướng nó sẽ trở thành mê tín dị đoan. Điều quan trọng là mục đích người ta hầu đồng vì điều gì".
Cùng với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Việt Nam còn có rất nhiều Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như:
- Nhã nhạc cung đình Huế
- Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
- Ca trù
- Dân ca Quan họ Bắc Ninh
- Đờn ca tài tử
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
- Hội Gióng
- Hát xoan Phú Thọ
- Ví giặm Nghệ Tĩnh
- Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ
- Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt
- Nghi lễ và trò chơi kéo co
- Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tại Việt Nam
Theo VTV, TTXVN, Lao Động