Đó là tiếng lòng của Phương Anh (20 tuổi, bỏ học đại học) và cũng là lời mở đầu cuốn sách "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của tác giả - TS Đặng Hoàng Giang. Tiếp nối sau đó là hàng chục câu chuyện của người trẻ khiến chúng ta đi từ đồng cảm tới xót xa, bàng hoàng. TS Đặng Hoàng Giang đã khắc họa bức tranh về "thế giới hậu tuổi thơ" rất thực tế, không "tô hồng", từ đó khẳng định: Mỗi người trẻ cần phải được lắng nghe, thấu hiểu!
Tác giả Đặng Hoàng Giang trong một buổi ký tặng sách
Phía sau cuốn sách này là rất nhiều trăn trở của chính tác giả và cả những nhân vật chính… được đích thân TS Đặng Hoàng Giang trải lòng trong bài phỏng vấn dưới đây:
Anh gặp phải những khó khăn gì trong quá trình thực hiện tác phẩm này?
Thời kỳ đầu, tôi có nhiều khó khăn để gặp được những bạn trẻ sẵn lòng chia sẻ điều thầm kín của đời mình: một người bố tự vẫn, trải nghiệm tình dục lần đầu, một mối quan hệ với người đã có gia đình...
Tôi cũng phải thực hành kiên nhẫn nghe những chuyện mà người lớn (trong đó có tôi) hay cho rằng "không quan trọng", cho nhân vật không gian và thời gian đi sâu vào chính họ. Và tôi gặp nhiều khó khăn kỹ thuật khi kể lại câu chuyện ở ngôi thứ nhất, để người đọc có cảm giác họ nghe chuyện trực tiếp từ các nhân vật, để đó là nội dung của tôi nhưng thần thái, văn phong là của người trẻ.
Bức tranh về thế giới "hậu tuổi thơ" mà anh vẽ ra hình như hơi nhiều màu sắc ảm đạm?
Đáng tiếc là như vậy. Hẳn là có những bạn trẻ hạnh phúc thực sự, nhưng ở rất nhiều bạn, đằng sau cái vẻ bất cần, "cool ngầu", những chuyến phượt, màn nhảy nhót, uống rượu là nỗi đau đớn lớn vô cùng.
Anh đã trải qua những cung bậc cảm xúc nào trong quá trình thực hiện tác phẩm?
Tuổi trẻ khiến các nhân vật vẫn có nhiều khoảnh khắc vô tư, làm tôi mỉm cười. Những trải nghiệm đau buồn của họ khiến tôi ái ngại, thương cảm. Sự dữ dội khiến tôi ngạc nhiên và bất ngờ. Nỗi niềm trăn trở đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, mong muốn hướng thiện của nhiều bạn dưới vẻ ngoài chửi bậy, hút thuốc, uống rượu khiến tôi cảm động.
Tất cả những câu chuyện trong sách đều gây ấn tượng mạnh với tôi. Những câu chuyện này cho tôi thấy nội tâm con người phức tạp như thế nào, và ta cần cẩn trọng ra sao trong việc đánh giá người khác.
Liệu có thể kết luận rằng, mọi chi tiết trong quá trình nuôi dạy trẻ thời ấu thơ đều ảnh hưởng tới tâm lý, hành xử của họ trong tương lai?
Sức khỏe tâm lý, năng lực cảm xúc, cách nhìn xã hội, quan điểm sống của mỗi người đều chịu ảnh hưởng lớn bởi các trải nghiệm tuổi ấu thơ. Do đó có thể nói hành xử của cha mẹ, môi trường gia đình là yếu tố quyết định để đứa trẻ sau này lớn lên trở thành người hạnh phúc hay người bị bầm dập về tâm lý và tổn thương về tinh thần. Một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ lớn lên với những bất lợi về cơ thể. Một đứa trẻ thiếu thức ăn tinh thần sẽ có nguy cơ có khiếm khuyết về tâm lý.
Vậy phải chăng một số cha mẹ Việt đang đi sai hướng trong hành trình nuôi dạy con?
Các câu chuyện trong cuốn sách cho thấy nhiều phụ huynh đã và đang tạo ra nhiều độc hại cho con cái. Có thể họ cũng có một tuổi thơ khắc nghiệt, và chuyển giao bạo lực mà họ nhận được từ bố mẹ họ sang con cháu.
Có phụ huynh bất hạnh trong hôn nhân, công việc, và trút nỗi bất mãn lên đứa con hoặc biến chúng thành công cụ cung cấp cho họ cảm giác mình có giá trị. Có thể phụ huynh vô minh, họ không ý thức được sự bỏ bê con cái, hay những thô bạo tinh thần mà họ gây ra có tác động lớn và lâu dài như thế nào tới con.
Qua cuốn sách, anh muốn gửi đi thông điệp gì?
Tôi hy vọng người lớn có thể hiểu rằng người trẻ rất muốn, rất cần được lắng nghe, thấu hiểu – họ khao khát được yêu thương mà không đi kèm với điều kiện, được tôn trọng, được có không gian để nảy nở, xây dựng bản sắc, sống cuộc sống của mình chứ không phải sống hộ bố mẹ.
Tôi cũng hy vọng các bạn trẻ có một tuổi thơ khắc nghiệt nhận thấy mình trong sách để thấy là họ không cô đơn, có ai đó đã kể hộ họ nỗi niềm, mong họ thấy mình xứng đáng nhận được sự quan tâm, không phải là vô dụng, phế phẩm, mà là những đứa trẻ bị tổn thương cần được chữa lành. Cũng hy vọng rằng, họ hiểu được lịch sử của bố mẹ mình để không trở nên cay đắng và căm hận. Chúc họ tìm được con đường chữa lành để trở thành những người hạnh phúc và một lúc nào đó quay ra giúp đỡ bố mẹ mình.
Màu sắc tươi sáng để người ta tin hơn vào tương lai của thế hệ trẻ trong này là gì?
Nhiều bạn trẻ mà tôi được tiếp xúc đã hiểu ra được tầm quan trọng của giao tiếp phi bạo lực, của thấu cảm, yêu thương vô điều kiện. Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi tuổi thơ không may mắn của mình, họ có những cố gắng khổng lồ để không lặp lại những sai lầm của bố mẹ. Điều này không đơn giản, họ sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp từ môi trường xung quanh, nhưng đây là một xuất phát điểm khiến ta hy vọng.
Cám ơn tiến sĩ về những chia sẻ hữu ích!
Ảnh: Hạnh Thơ.