Theo quan niệm dân gian thì người xưa thường có câu 'cạp nong theo đóm ăn tàn', trong đó đóm ở đây là chỉ những bó đuốc (như trong đèn đóm, củi đóm) - một vật dùng để soi sáng trong đêm làm từ cây nứa khô dập ra bó lại dài một 2 mét (do ngày xưa chưa có đèn điện, đèn pin).
Ngoài việc thắp sáng để soi đường thì người xưa còn dùng đuốc để tránh giẫm phải rắn, rết hoạt động về đêm trên đường. Tuy nhiên có một loài rắn cực kỳ nguy hiểm được cho là rất thích ánh đèn đuốc và thường đi phía sau để ăn tàn đuốc rơi xuống đất.
Cạp nong theo đóm ăn tàn. Ảnh: Thành Luân
Loài rắn đó chính là cạp nong (Tên khoa học: Bungarus fasciatus), người xưa tin rằng loài rắn này rất thích tàn đuốc rơi xuống vì chứa nhiều muối kali - một loại muối mà loài rắn này rất thích ăn.
Cũng có quan niệm cho rằng đuốc sáng khiến nhiều côn trùng như bọ cánh cứng hay con thiêu thân lao vào và bị thương hay ngắc ngoải và rắn thường đi theo người cầm đuốc sáng để ăn những con bọ rơi xuống này.
Vậy thực hư của câu chuyện này như thế nào?
Rắn cạp nong còn gọi là rắn mai gầm theo tên gọi dân gian là một loài rắn chỉ hoạt động về đêm, ban ngày chúng chui rúc ẩn náu trong các chỗ tối như hang để tránh ánh sáng mặt trời. Loài rắn này cực độc nhưng di chuyển rất chậm chạp và nhút nhát, sợ người.
So với rắn cạp nia hay nhiều loài rắn khác thì việc rắn mai gầm vào nhà dân trong đêm là điều cực kỳ hiếm thấy. Lý do chính là do loài rắn này rất nhút nhát (thường giấu đầu mình dưới thân khi gặp nguy hiểm).
Xem video:
Cạp nong bỏ chạy khi thấy con người
Những vụ tấn công con người của loài rắn này cũng cực hiếm so với rắn cạp nia, tuy nhiên về nọc độc thì chúng chẳng hề kém cạnh 'người họ hàng' rắn cạp nia (một trong những loài rắn độc nhất châu Á) là bao, người xưa có câu 'mái gầm cắn nằm tại chỗ, rắn hổ còn đem về nhà'.
Câu trên có nghĩa là một khi bị rắn mai gầm (cạp nong) cắn thì nạn nhân thường tử vong chỉ sau vài mươi phút, còn rắn hổ như hổ mang thì dù có độc nhưng vẫn có đủ thời gian để đem nạn nhân về nhà cấp cứu.
Lính Mỹ cũng gọi loài rắn cạp nong là rắn hai bước vì chúng gieo rắc nỗi sợ hãi cho lính Mỹ khi phải hành quân trong đêm giữa rừng rậm. Hai bước ý nói đến việc nếu bị loài rắn cạp nong cắn thì nạn nhân chỉ có thể đi thêm hai bước.
Ngay cả sát thủ đáng sợ của rừng rậm Amazon là rắn độc viper Fer de Lance (Tên khoa học: Bothrops asper) cũng mới chỉ được gọi là 'rắn ba bước', qua đó có thể thấy sự nguy hiểm của loài rắn cạp nong là đáng sợ đến mức nào.
Do tập tính nhút nhát và sợ người của rắn cạp nong cũng như tốc độ di chuyển chậm chạp nên việc rắn cạp nong 'theo đóm ăn tàn' là điều rất khó xảy ra trong thực tế. Việc soi đuốc và thấy rắn cạp nong trên đường là lý do hoàn toàn ngẫu nhiên.
Khi đó, ánh đuốc rất sáng khiến loài rắn thích nghi về đêm như cạp nong bị chói mắt không còn nhìn thấy đường đi và vì sợ hãi nên chúng lao đi nơi khác trốn chạy. Nhưng vì không thấy đường đi nên đôi khi loài rắn này có thể lao thẳng về phía người cầm đuốc gây ra hiểu lầm.
Ngoài ra việc rắn cạp nong ăn côn trùng chết do lao vào lửa của ngọn đuốc cũng chỉ là quan niệm dân gian vì thực tế cạp nong là loài rắn chuyên ăn thịt các loài rắn khác (giống hổ mang chúa) và đa số các loài rắn cũng không có sở thích ăn côn trùng, sâu bọ.