Thủ tướng: Khu vực tiềm năng nhất phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu 'nhiều đời, trăm năm', chứ không phải chỉ 'phân lô, bán nền'

Bình An | 06-04-2022 - 09:03 AM

(Tổ Quốc) - Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt. Những khu vực lợi thế, tiềm năng nhất phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh, để tạo nguồn thu "nhiều đời, trăm năm", chứ không phải chỉ "phân lô, bán nền", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II/2022 là công tác xây dựng quy hoạch.

Trên bình diện quốc gia cũng như địa phương, Thủ tướng nêu rõ, phải lấy nội lực (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài quyết định, kết hợp với ngoại lực (nguồn vốn, quản trị, công nghệ…) là quan trọng, đột phá.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng quy hoạch, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của năm 2022. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn.

Những khu vực lợi thế, tiềm năng nhất phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh, để tạo nguồn thu "nhiều đời, trăm năm", chứ không phải chỉ "phân lô, bán nền"

"Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt. Những khu vực lợi thế, tiềm năng nhất phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh, để tạo nguồn thu "nhiều đời, trăm năm", chứ không phải chỉ "phân lô, bán nền", Thủ tướng khẳng định.

Lãnh đạo Chính phủ trăn trở và dành nhiều thời gian để cùng lãnh đạo các các địa phương phân tích, chỉ ra, tìm giải pháp phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và cả khu vực, đồng thời hóa giải được những hạn chế, khó khăn, thách thức.

Tại khu vực phía Nam, một điều được Thủ tướng hết sức trăn trở là kết nối giao thông giữa Tây Nguyên với khu vực Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, để làm sao khai phá được hết những tiềm năng của các khu vực chiến lược này. Do đó, phải nghiên cứu triển khai 3 tuyến cao tốc kết nối từ Đắk Nông xuống Đông Nam Bộ, từ Đắk Lắk xuống Khánh Hòa và từ Kon Tum xuống Quảng Nam, mở đường thuận tiện tới các cảng nước biển lớn trong vùng…

Ngoài công tác quy hoạch, tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu ra các nhiệm vụ khác, đặc biệt quan trọng là tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kế đó là tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ, tăng giá, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.

Kết hợp với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiếp tục xử lý, cơ cấu lại các doanh nghiệp, dự án, tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.

Đồng thời đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26. Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch điện VIII, một số văn bản pháp lý liên quan tới định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn. Khẩn trương tiêm vaccince cho trẻ em từ 5-11 tuổi và tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định, sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.

Thủ tướng cũng nghiêm túc yêu cầu nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Techcombank và hành trình gần 1 thập kỷ cùng giải chạy biểu trưng thành phố

Đồng hành với Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank từ những mùa đầu tiên, Techcombank không ngừng lan tỏa tinh thần "Bước Chạy Vì Một Việt Nam Vượt Trội", cổ vũ ý chí kiên định, tinh thần bền bỉ, hướng đến mục tiêu kiến tạo lối sống khỏe trong cộng đồng.