Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình

An Anh Vũ - Design: Hà Mĩ | 25-02-2020 - 23:31 PM

(Tổ Quốc) - “Việc bạn cân nhắc 5 người cần ưu tiên trong mối quan hệ của bạn là thật sự quan trọng, bởi vì họ sẽ kết nối sâu sắc và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn” - Darrah Brustein.


Một bài viết đưa ra quan điểm khá thú vị về việc chắt lọc các mối quan hệ, vòng tròn bạn bè của mỗi người - được đăng tải trên MXH Lotus - sẽ giúp các bạn có thêm cái nhìn về việc này.

Trong thời đại ngày nay, bạn nghĩ rằng việc mình quen biết, quan hệ rộng với càng nhiều người thì càng tốt phải không? Thực tế không hẳn là như vậy. Theo bài viết mới nhất của Scott Gerber - giám đốc điều hành của công ty “The Community Company”, chuyên về xây dựng mối quan hệ giữa các công ty truyền thông và các thương hiệu toàn cầu, ông lại chứng minh điều ngược lại rằng bạn nên cân nhắc chọn lọc các mối quan hệ của mình và những lợi ích của điều này sẽ thay đổi cuộc sống của bạn ra sao.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ai cũng cho rằng cái gì cũng “càng to thì càng tốt”, và hầu hết cái gì cũng có thể áp dụng được định lý đơn giản này. Bởi vậy đó là điều tự nhiên khi hầu hết mọi người đều muốn mở rộng mối quan hệ trong xã hội của mình càng lớn càng tốt - bao gồm cả online và offline. Chúng ta cho rằng càng quen biết nhiều thì càng tăng cơ hội thành công trong cuộc sống: gặp được người giỏi chỉ bảo, thăng tiến hơn trong công việc,... Chưa kể trước đây từ thời kì bao cấp, ông bà ta đã có câu: “Nhất thân, nhì quen, tam quyền, tứ chế". Câu nói này ngày nay vẫn không cũ. Mọi người đều quan niệm rằng việc quen biết sẽ giúp chúng ta hoàn thành công việc dễ dàng hơn.

Nhưng trên thực tế, cái mà bạn đang gọi là “quan hệ rộng” sẽ không có liên quan một tí nào đến số lượng bao nhiêu người mà bạn quen biết. Thay vào đó, bạn nên cân nhắc các mối quan hệ của mình - những người sẽ cùng có một trình độ văn hóa nhất định với bạn, có cùng một tầm nhìn và kiến thức để chia sẻ những giá trị tốt đẹp với nhau, những người sẽ tôn trọng những gì bạn đang làm và ngược lại bạn cũng muốn như vậy. Họ sẽ là những người cùng xây dựng nền tảng cho bạn và bằng một cách kì diệu nào đó, bạn và những người cùng chung một giá trị sẽ tự động gắn kết với nhau để xây dựng thành một mạng lưới gắn bó - và cái nhóm bạn đó sẽ nhỏ hơn bạn tưởng tượng rất nhiều. 

Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình - Ảnh 2.

Bạn phải hiểu rằng thời gian của bạn là có hạn, bạn sẽ không thể nào chia sẻ tất cả thời gian của mình có cho cả những mối quan hệ không có ích gì, vô thưởng vô phạt, hoặc thậm chí là độc hại cho cuộc sống của bạn. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn đã phải chia sẻ thời gian của mình cho công việc, gia đình, và thậm chí là cần phải dành thời gian cho cả chính bản thân mình nữa cho các hoạt động thể dục thể thao, học hành, đọc sách… Vì vậy đừng dành thời gian của mình cho những mối quan hệ ngớ ngẩn, ngồi nói chuyện phiếm giết thời gian như phần lớn mọi người đang làm một cách vô thức mà không hề hay biết. Bạn có thể sẽ nhận ra mình cảm thấy khó từ chối với bất cứ ai muốn rủ bạn đi cafe, trà đá… và bạn chấp nhận những lời mời đó một cách dễ dàng, chia sẻ quỹ thời gian ít ỏi của bạn với họ. Sự thật phũ phàng là bạn đang hào phóng với thời gian của mình cho 50 người, thay vì chỉ là 5 người, và sự ảnh hưởng, giá trị của bạn sẽ ngày càng bị giảm dần vì bạn không thể chăm sóc đủ tốt cho ngần đấy mối quan hệ được.

Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình - Ảnh 3.

“Việc bạn cân nhắc 5 người cần ưu tiên trong mối quan hệ của bạn là thật sự quan trọng, bởi vì họ sẽ kết nối sâu sắc và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn” - Darrah Brustein - nhà sáng lập Network Under 40 cho biết. Mặc dù cô là người chuyên tổ chức các sự kiện kết nối các mối quan hệ hợp tác, nhưng thực sự cô lại là người hiếm khi kết bạn mới, vì mọi mối quan hệ của bạn đang có sẽ là những giá trị để người khác đánh giá con người của bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn cần phải cố gắng đi làm quen, kết nối với những người giàu có, thành đạt trong cuộc sống - ánh hào quang thành công của những người đó sẽ đè bẹp bạn; bạn cần tìm kiếm và chăm sóc những mối quan hệ với những người bạn thực sự tốt bụng, thông minh - những người sẽ giúp bạn ngày càng phát triển hơn và trở thành một con người tốt hơn sau mỗi ngày bạn thức giấc.

Hay nói một cách khác, bạn cần phải thực sự “tàn nhẫn” với những mối quan hệ trong mạng lưới của bạn, vì những người bạn quen biết cũng sẽ có mạng lưới của riêng họ, và cuối cùng bằng một cách nào đó, các mạng lưới quan hệ này sẽ đan xen vào với nhau bởi chúng ta đang cùng chia sẻ những giá trị nhất định. Theo như tác giả của bài viết Scott Gerber chia sẻ hàng năm ông phải giao tiếp và tương tác với hàng nghìn người thông qua các sự kiện, các buổi tập huấn. Nhưng hầu hết sau đó, ông chỉ chắt lọc và giữ liên lạc với một số lượng người có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ông ví dụ rằng cứ mỗi hai tuần, ông sẽ bữa ăn trưa với các bạn học đại học và một vài doanh nhân - những người sẽ luôn giúp đỡ và cùng ông đứng vững trong cuộc sống; cứ mỗi một quý, ông sẽ dành thời gian để gặp gỡ những bạn bè trong mối quan hệ làm ăn - những người đang điều hành các công ty quốc tế và họ luôn giúp ông dám nghĩ lớn, làm lớn. Một nhóm bạn bè thân thiết từ thời cấp 3 tới giờ sẽ luôn giúp ông cảm thấy cần khiêm tốn hơn và gắn bó hơn với nơi ông sinh ra và lớn lên; và không thể thiếu cứ vào mỗi cuối tuần là thời gian dành cho gia đình: vợ và những đứa con nhỏ của ông. Ông luôn dành thời gian để đưa gia đình đi khám phá những điều mới mẻ. 

Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình - Ảnh 4.

Ông cho biết rằng khoảng thời gian mà ông dành cho những con người trên là thực sự thoải mái khi ông có thể chia sẻ bất cứ thứ gì mình muốn vì ông có sự tin tưởng nhất định dành cho họ. Những con người đó là nền tảng để dẫn đến thành công của ông ngày hôm nay. Tôi lựa chọn họ vì họ là những người đặc biệt sẽ giúp tôi trưởng thành, phát triển hơn, trở thành một con người tốt hơn sau mỗi ngày tôi thức dậy, thay vì hàng nghìn người mà tôi đã tương tác hàng năm qua công việc.

Vậy làm thế nào để bạn bắt đầu xây dựng những mối quan hệ nền tảng vững chắc của mình? Điều đầu tiên, bạn cần tự đánh giá lại chính bản thân mình. Bạn có đang thực sự tự mình kiểm soát các mối quan hệ trong cuộc sống, hay bạn đang đặt sự kiểm soát đó vào trong tay những người khác? Bạn hãy thử nhớ lại những buổi ăn nhậu, họp mặt, hội nghị… mà bạn đã tham gia, những mối quan hệ trong những buổi gặp gỡ đó có đem lại kết quả và lợi ích, giá trị gì cho bạn không? Bạn có cảm thấy tràn đầy năng lượng hay cảm thấy bị vắt kiệt sau những buổi gặp gỡ đó? Nếu bạn không đặt ra các nguyên tắc, lựa chọn có chủ đích về người mà bạn sẽ dành thời gian thì bạn cần phải dành lại sự kiểm soát đó. Bạn có thể bắt đầu bằng cách lập một kế hoạch, danh sách những hoạt động gặp gỡ mà bạn đầu tư thời gian vào và không mang lại kết quả gì; sau đó tìm cách giảm dần thời gian dành cho họ và cuối cùng là rút lui hoàn toàn ra khỏi mối quan hệ đó.

Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình - Ảnh 5.

Điều thứ hai là bạn cần đánh giá thói quen và các hoạt động của bạn. Những hoạt động bạn đã tham gia trong tuần vừa qua? Điều gì là xứng đáng với thời gian của bạn? Điều gì đã xảy ra khiến bạn cảm thấy hài lòng - không hài lòng? Bạn có nên đầu tư thời gian vào hoạt động đó một lần nữa hay không? Nếu bạn cắt bỏ hoàn toàn nó đi thì sao? Hãy tự hỏi bản thân mình về cách bạn đang sử dụng thời gian của mình có phù hợp với những giá trị nền tảng mà bạn đang hướng tới hay không. Nếu câu trả lời không hãy mạnh tay bỏ nó đi, ngay cả khi điều đó có thể khiến bạn gây khó chịu với bạn bè, đồng nghiệp của mình.

Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình - Ảnh 6.

Điều cuối cùng là đánh giá những người bạn đang quen biết, những mối quan hệ bạn hiện đang có. Gần đây bạn đã dành thời gian với ai? Những ai khiến bạn cảm thấy nên cần dành thời gian nhiều hơn và những ai là người đem đến cho bạn những cảm giác tiêu cực, nên cắt bỏ hoàn toàn? Hãy lưu ý rằng bạn không nên coi các mối quan hệ như những mối giao dịch sòng phẳng, tôi cho đi thì phải nhận lại cái gì, ý chính ở đây là bạn không nên dành thời gian của mình cho những người mà bạn nghĩ họ có thể giúp mình. Từ “có thể” ở đây rất mông lung và không chắc chắn. Thay vào đó, hãy xem xét các giá trị lâu dài của việc xây dựng mối quan hệ mà cả hai bên cùng có lợi khi chúng ta cùng cảm thấy chia sẻ được những giá trị, lợi ích. Những mối quan hệ chất lượng là luôn tìm cách giúp đỡ người khác và bạn không nên kì vọng việc có đi có lại, hãy làm chúng vì điều đó thật sự hữu ích và hào phóng xây dựng các giá trị cho xã hội - những điều làm cho bản thân bạn trở nên giá trị và đáng nhớ hơn.

Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí nó vào những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, thậm chí là độc hại với bản thân mình - Ảnh 7.

Khi bạn xem xét lại mạng lưới quan hệ của mình, bạn sẽ bắt đầu trở thành “kiến trúc sư” cho chính mạng lưới của mình. Bạn sẽ học cách dần tạo ra những mối quan hệ sâu sắc hơn, thực tế hơn với một nhóm nhỏ người (có thể là bạn bè, đồng nghiệp, mối quan hệ công việc, xã hội…) là thực sự quan trọng với bạn. Bạn sẽ có được nhiều thông tin, bối cảnh rộng hơn trong mong muốn và nhu cầu của họ, và ngược lại, họ cũng sẽ chia sẻ những giá trị tương tự với bạn. Điều đó sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng vững chắc hơn để xây dựng một cộng đồng lớn hơn bao gồm từ những người ở trong mạng lưới của bạn và những người quan trọng với bạn. Để rồi bạn có thể tự tin rằng tôi quen rất ít người nhưng những người bạn của tôi đều là “số dzách” cả vì họ thực sự quan trọng với cuộc sống của tôi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM