Hiệp định RCEP bao gồm Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, 10 nước Đông Nam Á, Australia và New Zealand sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất châu Á, chiếm 30% tổng GDP và thương mại toàn cầu. Nó được xây dựng nhằm giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc thương mại điện tử mới. Nếu thành công, đây sẽ là hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất toàn cầu.
Nếu 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, đạt được tiếng nói chung, một số công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia ngoài khu vực sẽ gặp khó, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trao đổi với các phóng viên, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali cho biết thỏa thuận có thể được ký vào ngày 15/11. Ông Ali cũng gọi đây là đỉnh cao của "8 năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt". Hiệp định sẽ được công bố vào cuối tuần này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN mà Việt Nam, quốc gia đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, đăng cai tổ chức.
Wellian Wiranto, một nhà kinh tế của Oversea-Chinese Banking Corp, cho biết: "TPP liên quan nhiều hơn đến những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế còn RCEP giống như ‘chúng ta hãy mở cửa thương mại và tập trung vào kết quả cuối cùng. RCEP được cho là sẽ xoay quanh Trung Quốc nhưng rõ ràng, nó sẽ không giống như việc TPP lấy Mỹ làm trung tâm".
Theo Bloomberg, việc RCEP được thông qua sẽ tác động lớn tới ảnh hưởng của Mỹ, nhất là khi quốc gia này rút khỏi TPP. Các nước còn lại đã đi đến thống nhất với một hiệp định mới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Với RCEP, khả năng đối trọng của Mỹ với Trung Quốc ở khu vực quan trọng này đã bị suy giảm.
Thách thức này có thể sớm trở thành một bài toán khó với ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ cho là đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. William Reinsch, một quan chức thương mại trong chính quyền Clinton, cho rằng nếu Mỹ có "một kế hoạch đáng tin cậy để khôi phục sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực", Washington mới có cơ hội thay đổi cục diện.
Ngay cả khi RCEP không có tầm ảnh hưởng sâu rộng như TPP nhưng nó vẫn là rào cản khiến các doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, RCEP không có nghĩa là chiến thắng cho Trung Quốc. Nhiều nước tham gia thỏa thuận cũng đang cảnh giác về việc trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh. Nhật Bản nằm trong số các nước đang tìm cách đánh giá lại chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và động thái của Bắc Kinh nhằm vào Australia khi quốc gia này kêu gọi điều tra nguồn gốc virus corona, gây ra một mối quan hệ không tốt đẹp.
Trong khi đó, một số người cho rằng nước Mỹ trở lại TPP có thể là phương án tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với khu vực. Mary Lovely, giáo sư kinh tế Đại học Syracuse, cho biết: "Sự lựa chọn cho ông Biden rất rõ ràng. Đưa Mỹ trở lại TPP để đảm bảo quyền tiếp cận khu vực này cho các công ty Mỹ". Bà Lovely cho rằng ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ sẽ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.