Giá dầu tăng
Giá dầu tăng, do tồn trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm làm lu mờ làn sóng nhiễm virus corona mới tại châu Âu, khiến một số nước tái áp đặt các hạn chế đi lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/9, dầu thô Brent tăng 17 US cent tương đương 0,4% lên 41,94 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 38 US cent tương đương 1% lên 40,31 USD/thùng.
Chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5/2020 khi giá dầu WTI cao hơn dầu Brent.
Giá dầu được hỗ trợ khi tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tất cả đều giảm trong tuần trước.
Tuy nhiên, mức tăng giá dầu bị hạn chế khi Anh, Đức và Pháp áp đặt các hạn chế mới nhằm ngăn chặn virus corona lây lan, tất cả các nhân tố này đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu. Nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ giảm do đại dịch hạn chế việc đi lại. Nhu cầu xăng trung bình 4 tuần trong tuần trước giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá khí tự nhiên tăng 6%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 6% do mức tồn trữ hàng tuần thấp hơn so với dự kiến, sản lượng giảm và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York tăng 12,3 US cent tương đương 5,8% lên 2,248 USD/mmBTU.
Thị trường khí tự nhiên biến động mạnh trong tuần này, giá giảm hơn 10% trong ngày 21/9/2020 và tăng gần 16% trong ngày 23/9/2020, khi hợp đồng kỳ hạn tháng 10/2020 hết hiệu lực vào ngày 28/9/2020.
Giá vàng tăng trở lại, bạc và bạch kim thấp nhất hơn 2 tháng, palađi thấp nhất gần 1 tháng
Giá vàng tăng trở lại từ mức thấp nhất 2 tháng, do đồng USD giảm nhẹ và các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 1.874,93 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.876,9 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/7/2020 trong đầu phiên giao dịch.
Tính đến nay, giá vàng giảm khoảng 10% kể từ mức cao kỷ lục trong tháng 8/2020, do giảm bớt kỳ vọng về các biện pháp kích thích hơn nữa từ chính phủ và Quốc hội Mỹ bị bế tắc.
Các quan chức của Fed đã tái khẳng định chính sách lãi suất thấp đến khi thị trường lao động hồi phục hay lạm phát tăng lên 2%.
Đồng USD giảm 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt khác từ mức cao nhất 2 tháng trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá bạc tăng 1,8% lên 23,28 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/7/2020 trong đầu phiên giao dịch. Giá bạch kim tăng 1% lên 847 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng. Giá palađi tăng 0,4% lên 2.229,83 USD/ounce, chạm mức thấp nhất gần 1 tháng trong đầu phiên giao dịch.
Giá đồng thấp nhất 1 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, do đồng USD tăng mạnh làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa được định giá bằng đồng USD và lo ngại các trường hợp nhiễm virus corona mới có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 6.551 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/8/2020. Trong ngày 21/9/2020, giá đồng đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 (6.877,5 USD/tấn).
Sự phục hồi nền kinh tế từ đại dịch virus corona, hoạt động mua đầu cơ và gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá đồng tính đến nay tăng 50% kể từ mức thấp trong tháng 3/2020.
Giá thép và quặng sắt đồng loạt tăng
Giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng gần 3%, được thúc đẩy bởi hoạt động mua vào khi giá kim loại này ở mức thấp.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 2,9% lên 14.345 CNY (2.104,36 USD)/tấn, sau khi đóng cửa phiên trước đó tăng 2,3% lên 14.260 CNY/tấn. Giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 0,6% lên 3.552 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,5% lên 3.674 CNY/tấn.
Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,3% lên 767 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên 118,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá cao su tăng trở lại
Giá cao su trên sàn Osaka tăng do lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã thúc đẩy hoạt động mua vào, sau khi nhóm công nghiệp bao gồm các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới dự kiến sản lượng cao su trong những tháng cuối năm và đầu năm tới sẽ giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Osaka tăng 1,7 JPY tương đương 0,9% lên 182,7 JPY (1,73 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 12.390 CNY (1.815 USD)/tấn.
Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự kiến sản lượng cao su tự nhiên trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sẽ giảm.
Giá cà phê đồng loạt tăng tại Việt Nam, Indonesia, New York và London
Hoạt động giao dịch tại Việt Nam trầm lắng, do các thương nhân chờ đợi vụ thu hoạch mới, trong khi khoảng cách giá giữa thị trường Việt Nam và Indonesia được thu hẹp.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 110 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 70-80 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 33.500 VND (1,45 USD)/kg, giảm so với mức giá 34.200-34.500 VND/kg cách đây 1 tuần.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 190-200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 160 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,65 US cent tương đương 0,6% lên 1,1115 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 2 tháng (1,0905 USD/lb) trong phiên trước đó.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 3 USD tương đương 0,2% lên 1.352 USD/tấn.
Giá đường cao nhất 1 tháng
Giá đường tăng lên mức cao nhất 1 tháng, do lo ngại điều kiện thời tiết bất lợi tại một số khu vực trồng trọng điểm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,04 US cent tương đương 0,3% lên 13,37 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (13,57 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 3 USD tương đương 0,8% lên 374,2 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô giảm, lúa mì tăng
Giá ngô và đậu tương tại Chicago giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá tăng mạnh gần đây.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 14-1/2 US cent xuống 10 USD/bushel, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 5 US cent xuống 3,63-1/2 USD/bushel. Cả hai hợp đồng đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/9/2020.
Giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Chicago tăng 3/4 US cent lên 5,49-3/4 USD/bushel.
Giá gạo tại Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ đồng loạt giảm
Giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam giảm do Philippines ngừng mua vào và bắt đầu vụ thu hoạch mới gây áp lực giá.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam giảm xuống 470-475 USD/tấn so với 485-490 USD/tấn tuần trước đó, do vụ thu hoạch lúa thu đông bắt đầu tại một số khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm tỉnh Bạc Liêu và Đồng Tháp. Dự kiến giá gạo sẽ giảm hơn nữa khi vụ thu hoạch bước vào thời kỳ cao điểm trong tháng 10. Trong khi đó, Philippiné ngừng mua gạo từ Việt Nam và có thể không tiếp tục nhập khẩu đến tháng 10 tới.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 475-495 USD/tấn, so với 480-504 USD/tấn tuần trước đó, do nhu cầu giảm và tỉ giá tiền tệ thay đổi nhẹ.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm ở mức 379-385 USD/tấn, giảm so với 387-394 USD/tấn tuần trước đó, do đồng rupee và nhu cầu yếu.
Giá dầu cọ thấp nhất 2 tuần
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm 3,5% xuống mức thấp nhất 2 tuần, do giá dầu thực vật khác suy yếu, sản lượng tăng và bất ổn chính trị tại Malaysia gây áp lực thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 62 ringgit tương đương 2,17% xuống 2.799 ringgit (672,19 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 11/9/2020.
Giá dầu cọ giảm phiên thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 6/2020. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu cọ giảm 9% - tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 2/2020.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 25/9