Đi khám, bàng hoàng phát hiện thận đã hỏng
Bác sĩ CKI Phó Minh Tín, Quản lý và Điều hành Khoa Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết bệnh lý sỏi thận đang có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân hình thành sỏi hệ niệu nói chung, hay sỏi thận nói riêng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa lý, khí hậu, dân tộc, chế độ ăn uống và di truyền.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến sỏi thận gia tăng có thể là người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, đi khám sức khỏe tầm soát nhiều hơn trước đây. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu cũng có tác động đến xu hướng này.
Theo một số nghiên cứu, ở các nước châu Á, sỏi thận gặp ở nam nhiều hơn nữ, trong khi ở các nước Châu Âu, sỏi thận gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ mắc sỏi thận là 5% (điều tra năm 1998), Trung Quốc là 9.6% (năm 2002) và ở vùng đông bắc của Thái Lan là khá cao, chiếm 16.9% dân số. Ở Việt Nam, chưa có thống kê số liệu cụ thể.
Bác sĩ Tín cho hay trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bị sỏi thận nhưng không gây triệu chứng. Bệnh nhân không đi khám bệnh định kỳ nên không phát hiện có sỏi thận để can thiệp và theo dõi, dẫn tới tình trạng ứ nước lâu ngày ở thận. Hệ quả là mô thận của bệnh nhân mỏng đi, dẫn tới teo thận và cuối cùng sỏi sẽ phá hủy hoàn toàn chức năng thận.
Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân nam 50 tuổi, đi khám tại phòng khám tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM do mệt mỏi, ăn uống kém. Sau khi thực hiện các xét nghiệm và siêu âm kiểm tra thì các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sỏi thận dạng san hô hai bên, gây hai thận ứ nước độ III, suy thận mạn giai đoạn cuối.
Ngay sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu mổ 2 thận và sau đó được can thiệp lấy sỏi. Sau mổ, bệnh nhân chỉ giảm nguy cơ nhiễm trùng do thận ứ nước gây ra nhưng tình trạng suy thận không cải thiện. Do vậy, người bệnh sau đó có chỉ định chạy thận nhân tạo định kì.
Bác sĩ Tín cũng chia sẻ thêm, tại phòng khám Tiết niệu, các bác sĩ đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tới khám biết mình có sỏi thận lâu năm qua siêu âm ổ bụng tại địa phương. Nhưng vì không có triệu chứng, ngại đi khám hoặc sợ phẫu thuật nên người bệnh có tâm lý uống thuốc theo các bài thuốc dân gian truyền miệng chưa có căn cứ khoa học.
Các trường hợp này sau khi đến bệnh viện khám thì tình trạng sỏi thận vẫn không thay đổi hoặc tăng kích thước, đặc biệt có trường hợp sỏi lâu ngày gây thận ứ nước, nhiễm khuẩn và suy thận.
Phát hiện sỏi thận sớm để bảo vệ chức năng thận
Bác sĩ Tín cho biết: "Sỏi thận thường đa số không gây ra triệu chứng gì, một số trường hợp có triệu chứng đau lưng, sốt, tiểu máu do biến chứng nhiễm trùng nước tiểu trên thận ứ nước gây ra.
Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, phù, tiểu ít do bệnh cảnh suy thận mạn. Về hậu quả xấu nhất, sỏi thận nếu không điều trị hoặc phát hiện muộn có thể dẫn tới thận ứ nước và suy thận hoặc một số người có cơ địa đề kháng kém dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết do sỏi".
Sỏi thận ở giai đoạn sớm thường ít hoặc không có triệu chứng và thận là cơ quan nội tạng nằm sâu trong cơ thể, khó khám trực tiếp nên cách tốt nhất để phát hiện sỏi thận sớm là siêu âm bụng tổng quát.
Độ chính xác phát hiện sỏi thận trên siêu âm bụng khá cao - khoảng 90% - và khả năng phát hiện sỏi phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm, độ hiện đại của máy siêu âm và kích thước của sỏi.
Sỏi càng to thì càng dễ phát hiện nên một số trường hợp khó chẩn đoán hoặc nghi ngờ có thể cần chụp thêm phim X-quang và chụp cắt lớp vi tính bụng để chẩn đoán chính xác.
Theo bác sĩ Tín, nếu như bệnh nhân khám không may phát hiện sỏi thận sẽ được bác sĩ lựa chọn phương pháp can thiệp thích hợp.
Hiện nay, đối với sỏi thận, các phương pháp điều trị bao gồm mổ mở lấy sỏi, phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận, tán sỏi thận bằng ống soi mềm, lấy sỏi thận qua da tiêu chuẩn, lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ...
"Tại các nước đã phát triển, tỉ lệ mổ mở lấy sỏi chỉ dưới 5%, tuy nhiên ở Việt Nam tỉ lệ mổ mở lấy sỏi thận còn cao. Do người dân chưa có chương trình tầm soát sức khỏe định kỳ hàng năm, nên khi phát hiện ra sỏi thường là sỏi to, sỏi phức tạp hoặc sỏi kèm theo biến chứng nhiễm trùng, suy thận…", bác sĩ Tín nói.
Cũng theo bác sĩ Tín, đối với một số trường hợp sỏi không phức tạp và không có biến chứng nhiễm trùng kèm theo thì lấy sỏi qua da là một biện pháp được áp dụng rộng rãi vì ít đau, thẩm mỹ, thời gian phục hồi ngắn. Vết mổ chỉ khoảng 1 cm.
Với sự phát triển của các phương tiện hình ảnh thì dụng cụ lấy sỏi qua da ngày càng nhỏ, hiện tại chỉ còn khoảng 0.5cm. Lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ thì chảy máu ít hơn, ít đau, thẩm mỹ hơn so với lấy sỏi thận qua da tiêu chuẩn. Tuy nhiên hạn chế của lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ là thời gian phẫu thuật trung bình kéo dài hơn.
Cũng theo tư vấn của bác sĩ Tín, vì nguyên nhân hình thành sỏi thận phức tạp và đa yếu tố nên không có phương pháp nào chính xác để phòng ngừa sỏi thận; tuỳ theo thành phần và nguyên nhân tạo sỏi mà sẽ có phương pháp phòng ngừa và điều trị nhất định. Tuy nhiên, có một vài nguyên tắc chung giúp phòng ngừa sỏi thận, ví dụ như uống đủ nước và uống đều trong ngày, điều này có thể làm giảm tỉ lệ tạo thành hay tái phát sỏi.