Bàng hoàng vì không tin mắc ung thư giai đoạn cuối
ThS.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám Đốc Trung tâm khám và điều trị, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, cho biết Trung tâm đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn trẻ đã mắc ung thư giai đoạn cuối.
Đó là trường hợp bệnh nhân T. H (35 tuổi) đến viện do bị rong kinh. Đây là lần đầu tiên bệnh nhân gặp phải tình trạng này.
Theo bệnh nhân H chia sẻ với bác sĩ, sức khoẻ của mình rất tốt, ít khi ốm vặt và không có bất cứ đau đớn, mệt mỏi gì. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng tâm sự đã từ rất lâu không đi khám phụ khoa.
Bác sĩ Cường cho hay kết quả khám và xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn. Hiện rong kinh là do khối u bị xuất huyết gây chảy máu.
Khi nhận kết quả, người phụ nữ vô cùng bàng hoàng. Cô không nghĩ mình đang khoẻ mạnh lại mắc ung thư.
Bác sĩ Cường cho biết: "Trường hợp của bệnh nhân H không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều người không đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm dẫn đến tình trạng có khối u to mới biết".
Đối với trường hợp nữ bệnh H sau khi được bác sĩ động viện và giải thích đã chấp nhận điều trị cắt tử cung. Hiện bệnh nhân đang truyền hoá chất, tiên tượng chưa rõ.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi 30 trở lên. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có khoảng hơn 4.000 ca mắc mới và có 2.223 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Theo bác sĩ Cường, ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm nếu phát hiện kịp thời sẽ rất dễ điều trị, tiên lượng tốt. Để phát hiện ung thư cổ tử cung sớm, mỗi chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ. Bác sĩ sẽ khám, kiểm tra âm đạo, cổ tử cung, sau đó lấy tế bào ở cổ tử cung để kiểm tra xem có tế bào ác tính hay không.
Ung thư cổ tử cung gây ra những biến chứng gì
BS.Tạ Việt Cường cho hay ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khối u có thể xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc tế bào ung thư di căn đến phổi, gan, xương… khiến việc điều trị trở nên phức tạp và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh.
Ở giai đoạn tế bào ung thư đã phát triển mạnh và lan rộng, bệnh nhân phải xạ trị hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng, gây mất khả năng sinh con.
Triệu chứng có thể nghĩ tới ung thư cổ tử cung đó là:
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.
- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.
Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, ung thư cổ tử cung có khả năng chữa trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Trong đó, sàng lọc ung thư cổ tử cung chính là "chìa khóa" để phát hiện và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả.
Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.
Việc chủ động sàng lọc giúp phát hiện sớm những tổn thương từ giai đoạn tiền ung thư, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn này, cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn là rất cao.
Xét nghiệm PAP được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm quan trọng để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.
Ngoài xét nghiệm PAP, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm HPV. Đây là xét nghiệm rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. HPV được phát hiện trong 99% khối u cổ tử cung, đặc biệt là dưới type như HPV 16 và 18.
Theo bác sĩ Cường, để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, phụ nữ nên tiêm vắc xin HPV. Vắc xin được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục. Độ tuổi an toàn để tiêm vắc xin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi.