Cố cung là di tích lịch sử mà du khách nào cũng muốn thăm thú khi đến Bắc Kinh. Nơi đây còn gọi là Tử Cấm Thành - nơi ở của vua chúa và Hoàng thất nhà Minh và Thanh của Trung Quốc.
Phong cách kiến trúc kinh thành xưa và các câu chuyện lịch sử khiến Cố cung mặc dù nổi tiếng cả thế giới và được khai thác du lịch mạnh mẽ nhưng nó luôn là đề tài không bao giờ cũ. Ngay cả đến hiện tại, những bí mật trong Cố cung vẫn chưa được khám phá hết.
Người Trung Quốc xưa rất chú trọng đến phong thủy trong việc xây dựng nhà cửa, nên cả tổng thể kiến trúc Tử Cấm Thành chứa đựng vô số quan niệm đặc sắc và nhiều tầng ý nghĩa. Ví dụ như sông hộ thành bao quanh Cố cung, được ví như con rắn khổng lồ bảo vệ kinh thành nguy nga bậc nhất Trung Quốc. "Con rắn" này đã đồng hành cùng Cố cung hơn 600 năm, uốn lượn lặng lẽ và êm đềm, khiến người ta dường như không hề phát giác sự tồn tại của nó.
Sông hộ thành vây quanh Cố cung có tên Kim Thủy. Con sông này được chia thành hai phần, nhánh sông chính vây quanh Hoàng cung, nhánh sông phụ chảy vào trong cung. Sông Kim Thủy bắt nguồn từ phía Tây núi Ngọc Tuyền, đi qua đầm Tích Thủy, Hậu Hải, Thập Sát Hải, Bắc Hải. Trên núi có dòng suối lớn chảy chậm, len lỏi xuống vùng đồng bằng. Cái tên Kim Thủy cũng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Trong Ngũ hành, Kim đại diện cho phía Tây, trùng hợp với vị trí của con sông so với ngọn núi.
Sông hộ thành được đào và dẫn nước từ đầu những năm Vĩnh Lạc (1403-1424) thời nhà Minh với tên gọi Đồng Tử Hà (sông Đồng Tử).
Sông hộ thành cách tường thành 20m, rộng 52m, dài 3.240m, sâu 5m, bình quân có thể tích trữ 542.880 mét khối nước. Con hào nhỏ mà du khách nhìn thấy khi bước vào Cố cung chính là một nhánh của sông hộ thành bên ngoài. Con hào này len lỏi vào các cung điện lớn trong Cố cung có tác dụng góp phần công tác bảo vệ Hoàng cung, điều tiết lưu lượng nước để tránh hiện tượng ngập úng, cứu hỏa, làm đẹp cảnh quan...
Tác dụng của sông hộ thành:
1. Là nguồn nước dồi dào cho công tác cứu hỏa.
Những tòa cung điện trong Tử Cấm Thành đều được xây dựng bằng nguyên liệu gỗ, nên rất dễ xảy ra các vụ cháy lớn chủ yếu nguyên nhân từ sét và thời tiết khô hanh.
Đặc biệt vào mùa đông, khu vực phía Bắc Trung Quốc thường xuyên có gió to. Chỉ cần một trận lửa nhỏ bốc lên, gió sẽ khiến trận hỏa hoạn lan rộng như phản ứng dây chuyền. Nếu không có công tác dập lửa kịp thời, Cố cung sẽ chìm vào biển lửa.
Người Trung Quốc xưa xây dựng tường cao vây quanh Tử Cấm Thành không chỉ phòng trộm, phòng địch, mà còn có tác dụng ngăn cản gió mạnh lưu thông. Nhờ đó, nếu bên trong Hoàng cung xảy ra hỏa hoạn thì khu vực lân cận bên ngoài cũng không bị ảnh hưởng.
Có lẽ nhiều người thắc mắc rằng xây dựng Hoàng cung kín cổng cao tường như vậy chắc chắn sinh hoạt bên trong bị ảnh hưởng bởi không khí nóng. Đến đây, sông hộ thành lại phát huy tác dụng. Dòng sông lưu chuyển quanh Hoàng cung và len lỏi vào các cung điện lớn sẽ điều hòa nhiệt độ, mang lại không khí mát.
Không chỉ Hoàng cung, dân cư khu vực xung quanh cũng có thể sử dụng nước từ sông hộ thành để dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn.
2. Phòng lũ.
Thời điểm mùa hè, Bắc Kinh thường đổ mưa lớn. Đến đây, sông hộ thành có tác dụng rất lớn để thoát nước và góp phần giúp công tác phòng lũ, chống ngập úng diễn ra thuận lợi hơn.
Sông Kim Thủy đã gắn bó với Tử Cấm Thành hơn 600 năm, như "Thần xà" bảo vệ Hoàng cung nguy nga. Sông hộ thành của hiện tại gần như không còn những tác dụng khi xưa, mà giờ đây đã là một trong những địa điểm đáng tham quan dành cho du khách đến Cố cung Bắc Kinh.
(Nguồn: Zhihu)